Nói về video ôtô gặp sự cố giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tài xế không đưa xe vào làn khẩn cấp mà đứng sửa xe giữa đường khiến tai nạn suýt xảy ra, ông Trịnh Quang Mộng, Phó trưởng phòng Quản lý vận hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhận định lái xe "cao số" khi không bị phương tiện nào tông từ sau. Có một xe khách suýt tông trúng nhưng đã kịp thời đánh lái.
Trao đổi với Zing.vn, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 (Công an Hà Nội) khẳng định hành vi dừng xe giữa cao tốc dù với bất cứ lý do gì cũng vô cùng nguy hiểm bởi tốc độ các phương tiện phía sau đều rất cao.
Theo ông Quỹ, khi phát hiện xe gặp trục trặc, dù là nổ lốp, tài xế vẫn phải đưa xe tấp vào lề đường bên phải (đối với đường bộ thông thường) hoặc làn đường khẩn cấp (đối với đường cao tốc).
Trường hợp bất khả kháng như khi xe chết máy, tài xế phải lập tức bật đèn báo khẩn cấp, đồng thời dùng biển báo đặt phía đuôi xe một khoảng cách đủ để cảnh báo cho những phương tiện phía sau. Sau đó tài xế phải tìm mọi cách liên lạc với các đơn vị cứu hộ cao tốc để xử lý sự cố.
"Tốt nhất là cố rẽ vào làn khẩn cấp nếu có thể, xe chết máy cũng vẫn còn đà di chuyển đủ để tài xế tấp vào làn khẩn cấp", ông Quỹ phân tích.
Ở một số nước có hệ thống đường cao tốc phát triển, biển cảnh báo và áo phản quang là những dụng cụ luôn có sẵn trong cốp xe của mỗi tài xế. Ở Việt Nam, luật giao thông đường bộ cũng quy định ôtô khi gặp sự cố không thể di chuyển cũng phải đặt biển cảnh báo phía đuôi xe. Tuy nhiên trên thực tế còn rất nhiều tài xế không chấp hành quy định này.
Việc xử phạt vi phạm khi dừng đỗ xe trên cao tốc được quy định tại điểm c, khoản 7, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể:
Phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định.