Eric Attayi, chủ cửa hàng xe đạp Urban Bicycle Gallery tại Houston, Texas, đang chứng kiến đại dịch Covid-19 thay đổi cửa hàng của mình theo cách mà hầu hết doanh nghiệp khác chỉ có thể ao ước.
Các cửa hàng xe đạp tại Mỹ đang phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ảnh: CNN. |
Chia sẻ với CNN, Attayi cho biết cửa hàng của anh bán hết sạch xe đạp trước cả khi chúng được lắp ráp để trưng bày. Thậm chí, vào đầu tháng 5 vừa qua, cửa hàng của Attayi đã đạt doanh thu của cả năm 2019. Anh phải tuyển thêm nhiều nhân viên mới để kịp phục vụ khách hàng và chưa từng nghỉ ngày nào từ tháng 2 đến nay. Attayi đã phải tăng lương và bắt đầu trợ cấp ăn trưa cho nhân viên – những người đang phải làm việc hết công suất.
Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang tăng lên mức kỷ lục, nhiều doanh nghiệp nhỏ phải chật vật để tồn tại, những cửa hàng xe đạp như của Attayi lại là ngoại lệ. Ngành kinh doanh xe đạp đang phát triển bùng nổ cả ở những thành phố vốn được thống trị bởi ôtô như Houston và Los Angeles hay những khu vực nhiều người đi xe đạp như Portland, Oregon, New York hay Washington DC. Làm sao để có đủ hàng để bán và sửa chữa xe kịp thời trở thành thách thức đối với các cửa hàng. Thậm chí, trong một số trường hợp, họ còn từ chối khách.
Theo một khảo sát của Hiệp hội Nhà buôn Xe đạp Quốc gia Mỹ, 83% cửa hàng xe đạp quan ngại về mức hàng tồn kho của mình. Còn các nhà sản xuất xe đạp phải gồng mình để theo kịp nhu cầu.
"Cửa hàng của chúng tôi thường bán khá chậm và ế ẩm. Nhưng giờ đây điện thoại reo suốt cả ngày. Nhân viên của tôi bận ngập đầu và tôi hoàn toàn hiểu điều này” Attayi chia sẻ.
Người mua xếp hàng bên ngoài một tiệm xe đạp ở Highlands Ranch, Colorado, Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Hiện tại, ngày càng nhiều người muốn trở nên năng động hơn và ra ngoài nhiều hơn. Theo các chủ cửa hàng xe đạp, một phần nguyên nhân của việc này là các phòng tập gym, yoga đóng cửa trong đại dịch.
Trong khi một số khác cho biết khách hàng đang tìm một phương tiện di chuyển thay thế cho phương tiện công cộng. Thực hiện giãn cách xã hội trên các phương tiện cá nhân như ôtô, xe đạp là dễ làm nhất. Theo công ty chuyên theo dõi doanh số bán lẻ xe đạp NPD Group, trong tháng 3/2020, doanh số xe đạp tại Mỹ đã tăng tới 39% so với cùng kỳ năm 2019.
"Cơn sốt xe đạp giờ đây giống như con sốt giấy vệ sinh lúc trước vậy. Nếu hàng có sẵn thì hãy mua ngay”, Attayi nói.
Garfield Cooper, chủ cửa hàng xe đạp ZenCog Bicycle Company tại Jacksonville, Florida, đã phải thuê thêm nhân viên kỹ thuật để kịp sửa chữa lượng xe tồn đọng. Việc sửa chữa thông thường được hoàn tất trong vòng 24 giờ nhưng hiện cần tới một tháng. Cũng giống như Attayi, Cooper chưa nghỉ ngày nào kể từ tháng 2 đến nay.
Trước đây, vào các tháng mùa hè, doanh số cửa hàng của Cooper thường giảm do thời tiết nóng ẩm, ít người đi xe đạp, nhưng giờ đây điều đó không xảy ra.
Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người Mỹ chuyển sang đi xe đạp. Ảnh: CNN. |
"Đã từ lâu xe đạp không còn quan trọng với người Mỹ. Nhưng giờ đây, thật tuyệt khi mọi người bắt đầu quan tâm trở lại”, Cooper nói và cho biết cửa hàng của ông đang phải chật vật để có đủ lượng yên xe và mũ bảo hiểm trong kho.
Robert Keating, chủ cửa hàng xe đạp Triathlon Lab ở ngoại ô Los Angeles, cũng cho biết ông chưa bao giờ thấy cơn sốt xe đạp nào như hiện tại suốt 37 năm làm trong ngành này. Ông đã chuyển từ bán xe đạp cao cấp sang các dòng xe vừa túi tiền hơn mà mọi người thường mua để đi lại trong khu phố của họ.
Tuy nhiên, các chủ cửa hàng xe đạp cũng băn khoăn rằng liệu cơn sốt xe đạp này sẽ kéo dài bao lâu. Một số cho rằng khách hàng thích đi xe đạp hơn bởi đường phố ít ôtô nên mang lại cảm giác an toàn hơn. Sự quan tâm của họ sẽ giảm đi khi giao thông trở lại bình thường sau đại dịch.
Tuy nhiên, một số thành phố tại Mỹ đã bắt đầu phân luồng lại đường phố để dành nhiều không gian hơn cho người đi xe đạp. Điều này được dự báo sẽ khuyến khích nhiều người đi xe đạp hơn trong dài hạn. Theo nhóm ủng hộ xe đạp People for Bikes, trong thập kỷ qua, đã có gần 650 km đường dành riêng cho người xe đạp được xây dựng tại Mỹ.
Phil Koopman, chủ cửa hàng xe đạp BicycleSpace tại Washington DC, đã so sánh cơn sốt xe đạp hiện tại với cơn sốt máy tính vào năm 1999, khi mọi người đua nhau mua máy tính trước thềm thế kỷ mới.
"Sau đó, những công ty máy tính không bán được nhiều hàng trong nhiều năm bởi vì ai cũng có một chiếc rồi”, Koopman nói. "Đó là một câu hỏi lớn. Liệu đây là chuyện chỉ xảy ra một lần hay là thứ gì đó bền vững?”.