Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hết thời 'phạt cho tồn tại', buộc phải tháo dỡ phần xây dựng sai phép

Điểm mới của nghị định về xử phạt vi phạm trong đầu tư xây dựng là chủ đầu tư phải tháo dỡ phần sai phép nếu không xuất trình được giấy phép trong 60 ngày.

Nghị định 139 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1. 

Mức phạt tiền tối đa được quy định trong nghị định này lên đến 1 tỷ đồng trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng. Với cá nhân, mức phạt thường bằng 1/2 tổ chức.

Điểm mới của văn bản này là sẽ không cho phép công trình "tồn tại" sau khi nộp phạt vi phạm hành chính như trước kia. Thay vào đó, chủ đầu tư có 60 ngày để điều chỉnh, xin giấy phép xây dựng theo quy định.

Nếu sau 60 ngày, chủ đầu tư xuất trình giấy phép xây dựng phù hợp thì công trình được phép tiếp tục thi công theo giấy phép. Ngược lại, nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép thì phải ra quyết định tháo dỡ. Nếu giấy phép không phù hợp thì phải tháo dỡ phần không phù hợp với giấy phép.

nghi dinh 139 ve dau tu xay dung anh 1
Nghị định mới quy định tháo dỡ công trình vi phạm. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn.

Nghị định cũng có nhiều quy định quan trọng trong lĩnh vực trật tự xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và bất động sản. Hành vi nào là vi phạm, xử phạt ra sao, có biện pháp gì khắc phục hậu quả... cũng được nêu chi tiết.

Cụ thể, vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng có thể bị phạt 30-40 triệu đồng. Vi phạm quy định về lập quy hoạch xây dựng phạt 30-40 triệu đồng. Vi phạm quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng phạt từ 50-70 triệu đồng…

Nghị định cũng có nhiều nội dung quy định xử phạt về quản lý sử dụng nhà chung cư. Theo đó, chủ đầu tư sẽ bị phạt từ 100-150 triệu đồng nếu không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định. 

Chủ đầu tư không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng cũng bị xử phạt đến 300 triệu đồng. Nếu tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, chủ đầu tư bị phạt 250-300 triệu đồng. 

Ban quản trị chung cư cũng sẽ bị phạt tiền 50-60 triệu đồng nếu vi phạm lỗi quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì không đúng quy định.



Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm