Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hết thời ngân hàng vô kỷ luật, đi đêm lãi suất

Ngành ngân hàng 5 năm qua, theo đánh giá của giới chuyên gia và nhà điều hành, có sự chuyển biến tích cực. Từ chạy đua, đi đêm lãi suất, tỷ giá mất ổn định, mọi thứ được cân bằng.

Tại hội thảo đánh giá tác động của hoạt động ngân hàng đến nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 diễn ra sáng nay ở Hà Nội, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho biết, cần có cái nhìn nghiêm khắc, sòng phẳng và công bằng khi đánh giá về chính sách tiền tệ cũng như thị trường tài chính. Theo ông, thị trường vốn phải phát triển lên, không thể “muốn nhanh thì cứ thích từ từ” và trách nhiệm “làm ít, không làm” cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn. 

Theo ông, trong giai đoạn 2011-2015, ngành ngân hàng đã xử lý được thành công vấn đề thanh khoản của hệ thống. Tình trạng thiếu thanh khoản, ngân hàng vay mượn lẫn nhau với lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng được khắc phục gần như hoàn toàn. Lãi suất cũng được đưa về đúng theo quan hệ cung cầu tiền tệ, trên nhu cầu thực của nền kinh tế. Hiện tượng ngân hàng chạy đua lãi suất huy động cũng chấm dứt, trật tự, kỷ cương thị trường khôi phục.

Giai đoạn 2011-2015, trật tự, kỷ cương ngành ngân hàng đã được thiết lập lại. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên thành viên Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết, ông đánh giá cao việc siết chặt và thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong hệ thống ngân hàng.

Ông Nghĩa nhắc lại giai đoạn năm 2011, trước thời điểm công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng diễn ra, lạm phát thời kỳ đó khoảng 20%. Lãi suất cho vay lên đến 26% một năm, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm 35% một năm. Không chỉ ngân hàng nhỏ, thời kỳ đó, hệ thống ngân hàng thương mại rơi vào nguy cơ mất thanh khoản.

- Nợ xấu: Xử lý hơn 458.000 tỷ đồng, giảm từ 17% xuống 2,91% (2012-2015)

- Lạm phát: Giảm từ 18,13% (2011) về 6,81% (năm 2012), 6,04% (năm 2013) và 1,84% (năm 2014)

- Giảm tình trạng vàng hóa nền kinh tế, khắc phục đôla hóa nền kinh tế

- GDP: Lần lượt là 6,24% (năm 2011), 5,25% (năm 2012), 5,42% (năm 2013) và 5,98% (năm 2014). Dự kiến năm 2015, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước đạt 6,5%.

Trích phát biểu của ông Trương Văn Phước 

“Thời kỳ đó, các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất, doanh nghiệp và người dân hằng ngày chỉ lo đi rút tiền gửi từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác. Lãi suất ngắn hạn lại cao hơn lãi suất dài hạn, khiến cho đường cong chuẩn về lãi suất của hệ thống ngân hàng thương mại sụp đổ tan tành. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều rơi vào tình trạng vô kỷ luật khi lao vào cuộc chạy đua lãi suất”, ông nhận định.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, 5 năm vừa qua của ngành ngân hàng có thể được chia thành hai giai đoạn khác nhau.

Ở giai đoạn đầu, năm 2011 đến 2012, cụm từ để mô tả, theo chuyên gia này, là “rất thảm, đáy khủng hoảng, cực kỳ khó khăn”. Giai đoạn sau đó có sự khởi sắc.

Trong 5 công cụ được Ngân hàng Nhà nước sử dụng, ông Lực cho hay có 3 thứ cơ quan này khai thác khá tốt là lãi suất, giá, thị trường mở. 2 công cụ còn lại ít được sử dụng hoặc chưa hiệu quả là tái cơ hội, dự trữ.

Ông Lực cho rằng, thời gian tới, đặc biệt năm 2016, chính sách tỷ giá cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt. Chuyên gia này phát biểu: “Nếu thị trường vẫn cần tín hiệu như vậy của NHNN thì có thể công bố nhưng có điều kiện, là trong bối cảnh nó bình thường, còn nếu thị trường biến đổi thì ta có thể linh hoạt. Tỷ giá liên ngân hàng để được công bố hàng ngày nhưng tỷ giá là hàng giờ. Thị trường tự do hàng giờ nên cần công bố tần suất nhiều hơn”.

Giai đoạn 2011, xu hướng đi đêm lãi suất được hàng loạt ngân hàng áp dụng, Ngân hàng Nhà nước buộc phải áp dụng trần. Thời điểm đó, lãi suất cho vay phổ biến trên 20% một năm. Ảnh: Tuệ Minh.
Giai đoạn 2011, xu hướng đi đêm lãi suất được hàng loạt ngân hàng áp dụng, Ngân hàng Nhà nước buộc phải áp dụng trần. Thời điểm đó, lãi suất cho vay phổ biến trên 20% một năm. Ảnh: Tuệ Minh.

Ông cũng đặt ra câu hỏi, khi tham gia TPP, chính sách tiền tệ có được độc lập không hay phải nhìn vào nơi này nơi kia, đặc biệt hiệp định yêu cầu từ nay đến 2018, Ngân hàng Nhà nước cần minh bạch hóa thông tin, điều hành chính sách trước và sau khi điều hành.

Nhắc lại phương châm điều hành là nâng cao vị thế của VND, không chủ quan với lạm phát, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc nhấn mạnh, việc nâng cao lợi tức của đồng Việt Nam luôn được cơ quan này ủng hộ. Việc mở rộng tín dụng cũng cần đi đôi với an toàn, hiệu quả, hướng vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

“Ngân hàng Nhà nước đồng ý với ý kiến các chuyên gia khi nghiên cứu chính sách tiền tệ và xin lắng nghe những lưu ý của các chuyên gia”, bà nêu ý kiến.

Kiến nghị về điều hành:

- Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động và linh hoạt, giảm bớt biện pháp hành chính hướng đến chính sách lạm phát mục tiêu và một ngân hàng trung ương hiện đại, độc lập hơn.

- Tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ CSTT: Trong đó cung tiền nên được kiểm soát tăng trưởng như hiện nay ở mức 16-18% một năm để đảm bảo kiểm soát lạm phát và việc mở rộng cung tiền hơn nữa sẽ ít có tác động mạnh thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

- Điều hành chính sách tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả, đi đôi với an toàn và chất lượng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

- Phối hợp giữa CSTT và chính sách tài khóa (CSTK) cũng như các cs khác cần được phối hợp đồng bộ và nhịn nhàng hơn, cũng là để quản lý giám sát các tập đoàn tài chính.

- Bộ tài chính và NHNN phối hợp xây dựng hệ thống tài chính chặt chẽ

- Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, quản lý giám sát...

Trích phát biểu của ông Cấn Văn Lực 

 




L.Anh

Bạn có thể quan tâm