Váy áo, túi xách chứa logo thương hiệu dần chứng minh sức hút, quay trở lại sau nửa năm vắng bóng. Ảnh: @chaubui_. |
Sau khi được lăng xê bởi phim truyền hình Succession, xu hướng "quiet luxury" (tạm dịch: “sang trọng thầm lặng”) liên tục xuất hiện trên sàn diễn, đường phố. Mũ bóng chày Loro Piana và áo hoodie Tom Ford giấu logo, không họa tiết đắt đỏ trở nên thịnh hành.
Tuy nhiên gần đây, series mới And Just Like That… nhanh chóng tạo ra các trào lưu thời trang mới. Váy áo in logo, monogram, bồng xòe, phụ kiện lấp lánh xuất hiện liên tục trong bộ phim này, đặt dấu chấm hết cho kiểu váy áo "giàu ngầm", theo The New York Times.
Seema (Sarita Choudhury) than phiền về chiếc túi Hermès Birkin màu caramel bị mất cắp. Ảnh: Jose Perez/Bauer-Griffin. |
Váy áo hào nhoáng, xa xỉ trong And Just Like That…
And Just Like That… đang tạo ra cơn sốt trên toàn thế giới, được ví như phiên bản mới của Sex and the City. Giống với Succession, series mới này cũng tạo dựng bối cảnh tại thành phố New York (Mỹ) - nơi tọa lạc của các tòa nhà cao tầng, con phố tài chính.
Khi xem Succession, khán giả luôn tò mò đoán xem các doanh nhân, tỷ phú diện trang phục đến từ nhãn hiệu nào. Ngược lại, theo dõi And Just Like That…, người xem dễ dàng nhận diện váy áo của nhân vật thuộc nhà mốt nào nhờ tên logo, monogram lớn.
Giới thượng lưu tại thành phố New York đầu tư số tiền lớn vào trang phục, coi đây là phương pháp thể hiện bản thân. Những phòng thay đồ, tủ chứa quần áo lớn xuất hiện với tần suất dày đặc trong And Just Like That…
Theo The New York Times, những món đồ thời trang tạo ra sự chú ý tốt hơn các tình huống, cuộc đối thoại giữa các nhân vật trong series này. Thậm chí, những câu thoại đáng nhớ cũng về váy áo.
“Không điên đâu. Đó là Valentino” là câu nói của Lisa Todd Wexley (Nicole Ari Parker) về chiếc váy cồng kềnh và mũ đội đầu diêm dúa của cô trên đường đến Met Gala trong tập 1.
Tương tự, Carrie (Sarah Jessica Parker) sử dụng nhiều mẫu váy áo từ thương hiệu Manolo và Fendi. Để giải tỏa tâm trạng, cảm xúc, cô đi mua sắm và trở về nhà với 6 chiếc túi Bergdorf Goodman.
Lisa Todd Wexley (Nicole Ari Parker) diện váy áo cồng kềnh của nhà mốt Valentino đến Met Gala. Ảnh: Max. |
Trong khi đó, Charlotte (Kristin Davis) sở hữu tạp dề và nút bịt tai Burberry. Cô liên tục than phiền về việc cô con gái tuổi teen vừa bán chiếc váy Chanel của mẹ để phục vụ cho đam mê âm nhạc.
Seema (Sarita Choudhury) được xây dựng là nhân vật có gu thời trang tối giản, thường xuyên diện trang phục màu sắc trung tính. Song, cô cũng không nằm ngoài vòng xoáy hàng hiệu, liên tục than thở về chiếc túi Hermès Birkin màu caramel bị mất cắp.
Nhà sản xuất phim cũng tạo riêng một tài khoản cá nhân để các nhà thiết kế, cố vấn thời trang Molly Rogers và Danny Santiago chia sẻ về váy áo trong And Just Like That… Tài khoản này sở hữu 277.000 người theo dõi. Trong khi đó, trang truyền thông về thời trang của Succession chỉ đạt 184.000 lượt theo dõi.
Trang phục in logo xuất hiện dày đặc trong And Just Like That… Ảnh: Jason Howard/Bauer-Griffin. |
Sự trở lại của logo
Theo The New York Times, đây là những dấu hiệu rõ ràng cho sự trở lại của váy áo logo, in ấn monogram. Đây là xu hướng đối lập với chủ nghĩa tối giản diễn ra từ đầu năm, đem niềm vui, sự hào nhoáng trở lại với lĩnh vực thời trang.
Xu hướng sang trọng thầm lặng và lăng xê logo của các nhà mốt luôn tồn tại song song. Dựa vào bối cảnh kinh tế, sự biến động của đời sống xã hội, phong cách này có thể nổi trội hơn phong cách kia, song không bao giờ triệt tiêu nhau.
Ví dụ, khi nền kinh tế xuống dốc, việc phô trương khối tài sản kếch xù qua váy áo không phải lựa chọn khôn ngoan. Đó là nguyên nhân chính khiến trang phục hào nhoáng, trang sức xa xỉ không xuất hiện nhiều trong nửa đầu năm 2023.
Tuy nhiên, với sự lăng xê của series mới, xu hướng này có khả năng trở lại mạnh mẽ. Việc in ấn logo, tên thương hiệu lên trang phục bắt đầu từ năm 1896. Khi đó, Louis Vuitton tiên phong in tên viết tắt của nhà mốt lên một số loại vải da, thúc đẩy trào lưu này phát triển.
Xuyên suốt lịch sử thời trang, các nhãn hàng thành công luôn có bộ nhận diện thương hiệu tốt. Louis Vuitton, Chanel, Hermès luôn đi đầu trong phân khúc cao cấp nhờ yếu tố này.
Carrie (Sarah Jessica Parker) mang về hàng loạt trang phục đắt giá của thương hiệu Bergdorf Goodman sau buổi mua sắm. Ảnh: HBO. |
Thậm chí mới đây, Giám đốc sáng tạo Pharrell Williams gây sốt khi giới thiệu đến công chúng chiếc túi Louis Vuitton màu vàng được làm bằng da cá sấu, có dây đeo kim cương trị giá 1 triệu USD. Món đồ được Williams đặt tên là Millionaire (tạm dịch: “triệu phú”).
Trong khi đó, Carrie và hội bạn trong And Just Like That… tiếp tục mang trang phục xa xỉ, in ấn logo thương hiệu lên truyền hình. Dù mặc trang phục in monogram hay giấu logo, giới thượng lưu vẫn khéo léo thể hiện sự giàu sang.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.