Anh Hà Việt Thủ ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vẫn chưa hết buồn, bởi mấy trăm chậu hoa Tết sau hàng tháng trời bỏ công đầu tư, chăm sóc không đến được chợ. "Năm nay thấy thời tiết khá thuận lợi, tôi đã đầu tư hơn 15 triệu đồng để thuê mảnh đất 1.200 m2 gần nhà trồng 700 chậu vạn thọ. Tôi hy vọng bán Tết để kiếm vài triệu đồng, nào ngờ lại lâm cảnh thua lỗ”, anh Thủ kể.
Để có vốn mua cây giống, phân thuốc và thuê đất trồng hoa, anh và vợ phải làm thuê làm mướn hơn 2 năm trời mới tích cóp đủ tiền. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm nên ruộng hoa của anh bị sâu bệnh, dẫn đến chết rụi hoàn toàn. Hơn 15 triệu tiền vốn chưa tính công chăm bón mất trắng.
Vụ hoa Tết năm nay nhiều nông lâm cảnh trắng tay và nợ nần. Ảnh: Ngọc Trinh |
Với những hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng, bán hoa Tết thì không thể thất bại trong sản xuất. Tuy nhiên, chợ Tết năm nay kết thúc cũng là lúc nhiều người lâm cảnh nợ nần do cảnh “thừa hàng, dội chợ”.
Bà Phan Thị Tuyết Giang ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) trồng 3.000 chậu hoa cúc Đài Loan và vạn thọ, cho biết, chưa bao giờ thị trường hoa Tết lại ế ẩm như năm nay. Trước đây, số hoa trên chỉ cần đưa lên chợ bán 2 – 3 ngày là hết sạch. Năm nay, mỗi ngày người bán 1-2 lần hạ giá, đến mức rẻ như cho vẫn không bán hết, đành phải nhổ bỏ cây để lấy chậu mang về.
“Không đến nỗi thua lỗ nặng như các hộ trồng hoa khác, nhưng nhà tôi cũng chạm ngưỡng thất thu, vì công cán cả nhà bỏ ra và tiền vận chuyển hoa ra chợ bán. Năm ngoái, vụ hoa Tết kết thúc, gia đình tôi có thu nhập hơn 40 triệu đồng, còn năm nay không tính công đã lỗ hơn 10 triệu đồng", bà Giang nói.
Đến mùng 10 tháng giêng, nhiều nhà vườn vẫn còn tồn hàng trăm giỏ hoa, mong có thể bán vớt vát dịp rằm sắp tới. Ảnh: Ngọc Trinh |
Cũng theo bà Giang, mọi năm, hoa bán rẻ chỉ rơi vào ngày cuối chợ Tết. Đó là các loại hoa còn sót lại sau nhiều ngày người mua chọn lựa, hình thức không đẹp…
Nhưng năm nay, từ 26-27 Tết, khi vừa dọn hàng ra chợ thì giá đã rẻ. Bởi hoa mang đến chợ ngày một nhiều nên nhà vườn ai cũng sợ bán không hết, và cứ thế âm thầm hạ giá.
"Hàng này hạ một giá thì hàng khác âm thầm hạ hai giá. Những hộ bán ở lô bên trong lo bán chậm hơn so với những hộ có gian hàng ở mặt tiền, và càng hạ mạnh hơn…", bà Giang tiết lộ.
Đua nhau hạ giá, có thời điểm, tại chợ, cặp hoa (2 chậu) vạn thọ chưa tới 15.000 đồng. Trong khi đó, chi phí về cây giống, giỏ, thuốc sâu…đều tăng nên mỗi chậu phải bán trên 10.000 đồng mới có lãi.
Nhiều nông dân miền Tây thất bại vụ hoa Tết do sản xuất tự phát, không nắm bắt được nhu cầu thị trường. Ảnh: Ngọc Trinh |
Ngoài ra, việc dội chợ thì theo nhiều người, sức mua hoa Tết vừa rồi giảm là do chất lượng hoa chưng Tết giảm đáng kể so với những năm trước. Anh Nguyễn Văn Mực ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long cho biết, những năm trước đây, hoa mua về chưng đến hết Tết vẫn tươi. Thậm chí, nhiều nhà mang trồng lại vẫn sống. Còn bây giờ chỉ mới mùng 3, mùng 4 Tết là hoa đã héo úa.
Vì thế, ở nhiều vùng tại miền Tây, nhiều hộ khá giả thì chọn hoa cao cấp, hộ bình dân thì tự trồng hoa chưng Tết để vừa tiết kiệm, vừa chọn được hoa đúng theo sở thích của mình.
Nhiều người bán hoa gần trung tâm thành phố Sóc Trăng cho biết, từ ngày 27 tháp chạp trở trở đi, trên xe gắn máy của người đi chợ thường chỉ vỏn vẹn 1 đến 2 chậu hoa vạn thọ, cúc mâm xôi... Trong khi đó, đến ngày cuối chợ Tết, xe gắn máy biến thành “xe tải”. Bởi, chiếc ít nhất cũng chở đến gần chục giỏ hoa. Đó không phải vì sức mua tăng mạnh mà vì giá bán quá thấp.
Theo một người chạy ghe thuê ở đây, mọi năm ghe chở thuê chỉ cần chưng dưa hấu là đủ. Năm nay, thấy giá hoa bán rẻ quá anh cũng mua vài chậu về để chưng cả ghe lẫn nhà. Khi đó, mỗi chậu hoa cúc chỉ có 2.000 đồng.