Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Helmut Kohl, cha đẻ của nước Đức thống nhất, qua đời ở tuổi 87

Cựu thủ tướng Helmut Kohl, người lèo lái sự thống nhất của nước Đức và đóng vai trò quan trọng trong thành lập EU, vừa qua đời ở tuổi 87.

Chính trị gia bảo thủ Helmut Kohl là thủ tướng lâu năm nhất của nước Đức (1982-1998) kể từ thời Otto von Bismarck. Ông được nhìn nhận như kiến trúc sư trưởng của Liên minh châu Âu, của đồng euro và là nhà lãnh đạo lèo lái nước Đức thống nhất sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.

Helmut Kohl qua doi anh 1
Cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl . Ảnh: Alcheron.

Tượng đài chính trị lớn 

Một tượng đài chính trị lớn của thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong nhiều thập niên, ông lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU), chính đảng của đương kim Thủ tướng Angela Merkel.

Sau tin ông mất, đảng CDU ngay lập tức đăng hình ông trên Twitter cùng dòng chữ, "Chúng tôi đau buồn". Tờ Bild cho biết ông Kohl qua đời tại nhà riêng ở Ludwigshafen, bang Rhineland-Palatinate, phía tây nước Đức.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel gọi ông Kohl là "nhà lãnh đạo, một chính trị gia lớn của nước Đức, và trên hết là một người châu Âu vĩ đại, người không chỉ đem lại nước Đức thống nhất mà cũng dẫn dắt châu Âu trở thành một".

"Đây là di sản lớn của ông ấy. Đây là điều chúng ta sẽ nhớ về ông," ông Gabriel nói. 

Cùng với Tổng thống Pháp François Mitterrand, ông Kohl cũng được coi là kiến trúc sư của Hiệp ước Maastricht năm 1992 thành lập Liên minh châu Âu (EU). Kohl từng được các tổng thống Mỹ George H.W. Bush và Bill Clinton mô tả là "nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của châu Âu nửa sau của thế kỷ 20".

Helmut Kohl qua doi anh 2
Ông Kohl (giữa) và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong một hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng châu Âu EC vào năm 1988. Ảnh: Reuters. 

Ông "bắp cải" tỉnh lẻ

Ông cũng nổi tiếng bởi những tranh cãi với cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, một chính trị gia nổi tiếng khác của thế kỷ 20. 

Helmut Joseph Michael Kohl sinh ra ở Ludwigshafen, vùng Palatinate, gần biên giới Pháp vào ngày 3/4/1930. Bố ông là một viên chức nhỏ và là một chuyên gia về thuế. 

Khi Hitler xâm lược Ba Lan năm 1939, cha ông Kohl tham gia quân đội và chỉ trở về với gia đình khi Thế chiến kết thúc năm 1945. Ông Kohl buộc phải gia nhập Đoàn thanh niên của Hitler vào năm 1940 khi mới 10 tuổi và bị buộc phải làm những việc như đào xác từ những đống tro tàn. Giai đoạn sau, ông nạp đạn cho các súng phòng không ở dạy Alps ở Bavaria. 

Khi ông Kohl (họ của ông tiếng Đức có nghĩa là “bắp cải”) lên làm thủ tướng Tây Đức năm 1982 ở tuổi 52, người đàn ông cao 1m93 đến từ tỉnh lẻ và thích món thịt heo trở thành chủ đề của vô số câu chuyện phiếm. 

Ông thắng cử 4 lần liên tiếp, 2 lần với tư cách là Thủ tướng Tây Đức, hai lần khi nước Đức đã thống nhất. Ông thất bại trong cuộc đua thứ 5 vào năm 1998 trước Gerhard Schröder của đảng Xã hội Dân chủ SDP. 

Khi bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11/1989, Kohl đã “nắm lấy vai trò lịch sử” để tạo thành vị thế chính trị to lớn giống như chiều cao của chính ông. 

Ông Kohl coi thủ tướng đầu tiên của Tây Đức sau Thế Chiến, Konrad Adenauer, như tấm gương về mặt lý tưởng của mình. Ông Adenauer là người lèo lái nước Đức tái thiết sau khi thất bại sau Chiến tranh Thế giới II.

“Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Kohl hành động như thể tinh thần của Konrad Adenauer đột nhiên thấm vào ông”, giáo sư sử học Stanley Hoffman của Đại học Harvard viết. 

Helmut Kohl qua doi anh 3
Ông Kohl phát biểu ở quốc hội Tây Đức ở Bonn năm 1982. Ảnh: AP.

Thách thức thống nhất: Anh sợ Đức hùng cường trở lại

Năm 1989, sau 4 thập kỷ chia rẽ, Tây Đức lúc đó đã phát triển hơn rất nhiều so với phần còn lại ở phía Đông.

Thống nhất nước Đức khi đó là nhiệm vụ rất khó khăn khi người Tây Đức không muốn hy sinh đời sống chất lượng cao của mình trong khi người Đông Đức dù muốn thống nhất nhưng lo sợ mình bị đối xử như công dân hạng hai. 

Chính trường thế giới lúc này cũng xuất hiện nhiều thách thức mới. Ông Kohl kể lại trong hồi ký của mình ông đã phải vật lộn rất nhiều với Tổng thống Pháp Francois Mitterrand cũng như là với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher để thúc đẩy nước Đức thống nhất.

“Tôi nhận ra là Bà đầm Thép (Thatcher) muốn giữ nguyên trạng... Tất cả đều bởi một điều – rằng nước Đức sẽ trở nên hùng mạnh trở lại”, ông viết. Trong hồi ký, ông trích bà Thatcher nói ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989: "Hai lần chúng ta đánh bại người Đức! Giờ thì họ lại đang trở lại". 

Helmut Kohl qua doi anh 4
Ông Kohl (phải) với Tổng thống Pháp Jacques Chirac (giữa) và Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong lễ ký thoả thuận hoà bình cho Bosnia ở Điện Elysee Palace ở Paris, Pháp, năm 1995. Ảnh: Reuters. 

Ông đã phải cam đoan với cả hai rằng nước Đức sẽ tôn trọng biên giới năm 1945 và sẽ “vai kề vai” với các đồng minh phương Tây. Ông Kohl, một người bảo thủ, sau này có mối quan hệ gần gũi với ông Mitterand, người phe Xã hội. Quan hệ hợp tác đặc biệt này giúp châu Âu hiện thực hoá việc tạo ra đồng tiền chung euro vào tháng 1/1999. 

Ông Kohl cũng thuyết phục được Tổng thống Mỹ George H. W. Bush chấp nhận một nước Đức thống nhất và rộng lớn hơn, thuyết phục được Liên Xô rút quân.

Nước Đức mới trở thành trái tim của Liên minh EU mở rộng – kế hoạch mà ông tin sẽ giúp đảm bảo cho hoà bình – và là thành viên nòng cốt của NATO. Với những vấn đồng gai góc của hệ thống ngân hàng, ông đảm bảo đồng Mark của Đông Đức và Tây Đức có cùng giá trị.

11 tháng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ngày 3/10/1990, nước Đức chính thức thống nhất nhưng quá trình này cũng dẫn tới những trả giá nhất định.

Helmut Kohl qua doi anh 5
Ông Kohl là người dìu dắt bà Angela Merkel trong bước đường chính trị ban đầu. Ảnh: Reuters. 

Cái giá đắt của thống nhất 

Với tỷ lệ thất nghiệp cao, phía đông nước Đức vẫn nghèo hơn so với phần còn lại của đất nước, điều khiến nhiều người Đông Đức luyến tiếc quá khứ. Sự tức giận này giúp Gerhard Schroeder của đảng Dân chủ Tự do (SDP) lật đổ ông Kohl vào năm 1998.

“Cái giá chính trị - và kinh tế  - của việc trì hoãn thống nhất sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều so với gánh nặng tài chính chúng tôi chấp nhận khi đẩy nhanh thống nhất”, ông Kohl nói vào năm 1996. Khi đó, 480 tỷ USD đã được đổ vào miền Đông của nước Đức.

“Kể cả nếu tôi thấy những con số đó vào năm 1990, tôi cũng sẽ không hành xử khác đi”, ông nói. 

Một năm sau khi Kohl thất bại trước Schroeder, công tố viên phát hiện một loạt các tài khoản bí mật và cáo buộc ông dùng chúng để nhận các khoản đóng góp cho đảng. Dù hối hận với những "sai lầm", ông Kohl từ chối không tiết lộ người đóng góp. Tới đầu 2001, ông chấp nhận nộp phạt hơn 100.000 USD để chấm dứt vụ án hình sự này. 

Cuộc lật đổ của người học trò Merkel

Bà Merkel được coi như là người kế tục ông Kohl và thường được ông gọi là das Mädchen (cô gái của tôi). Trong những năm tháng còn trẻ, ông Kohl là người dìu dắt bà. Ông cũng chỉ định bà cho chức vụ bộ trưởng đầu tiên. 

Cuối năm 1999, Angela Merkel đã thấy cơ hội và viết trên nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng đã đến lúc ông Kohl rút lui để "nhường đường cho những người kế tục, thế hệ trẻ hơn". Bà Merkel dành quyền lãnh đạo CDU từ năm 2000 và trở thành thủ tướng nữ đầu tiên của nước Đức kể từ năm 2005 tới nay. 

Ông Kohl rời khởi chính trường vào năm 2002. Khi về hưu, ông Kohl thường xuyên chỉ trích bà Merkel, đặt dấu hỏi với cách bà xử lý các vấn đề của châu Âu. Năm 2016, ông kêu gọi bà kiềm chế khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU.  Sau một lần ngã vào năm 2008, ông gặp khó khăn trong giao tiếp và buộc phải dùng xe đẩy. 

Bà Angela Merkel năm 2012 khi kỷ niệm 30 năm ông Kohl trở thành thủ tướng vẫn dành cho ông những lời khen ngợi khi nói châu Âu đã “may mắn đoàn kết” nhờ vào nỗ lực của ông Kohl. 

Người vợ đầu của ông, bà Hannelore, tự sát vào năm 2001 vì một chứng bệnh lạ là dị ứng với ánh sáng khiến bà phải sống thời gian dài trong bóng tối. Ông bà có một người con trai, Walter. 

Ông lập gia đình lần thứ 2 vào năm 2008 với bà Maike Richter, trợ lý kinh tế ở phủ thủ tướng và kém ông 35 tuổi. Bà Richter bị coi là người hạn chế công chúng và những cố vấn cũ tiếp cận ông Kohl trong những năm cuối đời. 

Năm 2012, Der Spiegel viết về sức khoẻ yếu cùng việc khó tiếp cận ông đã biến những năm cuối đời ông trở thành "một bi kịch mà nước Đức chăm chú theo dõi". 

Đánh giá về ông, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton viết trong hồi ký "My Life" của mình rằng: "Vượt ngoài tầm vóc, ông là nhân vật lớn nhất của châu Âu trong nhiều thập kỷ". 

Cha dùng dao đâm chết hai con ở Đức

Một người đàn ông ở Đức đã dùng dao đâm 3 đứa con của mình, khiến 2 người trong số đó thiệt mạng.

Cướp súng và tấn công cảnh sát tại ga tàu ở Đức

Ngày 13/6, một người đàn ông cướp súng từ một nữ cảnh sát ở Munich và tấn công cô này trước khi xả súng vào nhiều người khác.


Tuyết Mai - Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm