Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hellbound' và cú lội ngược dòng của đề tài tà giáo trên màn ảnh

Qua việc khai phá câu chuyện về những giáo phái kỳ lạ, các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo và truyền tải nhiều thông điệp cuộc sống.

Tôn giáo là một chủ đề nhạy cảm nhưng hấp dẫn với điện ảnh. Nhiều bộ phim ngợi ca vẻ đẹp của tín ngưỡng – đường hướng giúp con người tiến tới chân thiện mỹ. Số khác phác họa những câu chuyện rùng rợn, kỳ bí, núp đằng sau là những hội nhóm tôn giáo quái đản, còn gọi là “tà giáo”. Chúng gieo rắc nỗi kinh hoàng, ám ảnh, những tư tưởng trụy lạc đen tối và đẩy nhân loại tới khốn cùng, diệt vong.

phim kinh di anh 1

Trong Hellbound, các nhân vật nhân danh tôn giáo để thực hiện những hành động trái luân thường đạo lý.

Đây là mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim phát triển nhiều ý tưởng. Sự thành công của hai bộ phim Thái – Hàn The MediumHellbound đã chứng minh đề tài này chưa bao giờ lỗi thời.

Tôn giáo đồng hành cùng sự phát triển điện ảnh

Có thể thấy giữa tôn giáo và điện ảnh tồn tại sự tương đồng và mối liên hệ chặt chẽ. Điện ảnh củng cố kết nối tâm linh của mỗi người với thế giới xung quanh, đưa đến gần hơn với những bí ẩn của cuộc sống, soi sáng những điều vô hình. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời được tiếp sức bởi niềm tin của người sáng tạo.

Thế kỷ 20 chứng kiến nhiều thăng trầm của những bộ phim khai thác yếu tố tôn giáo. Tôn giáo và Kinh thánh là những chủ đề được mọi tầng lớp trong xã hội hưởng ứng từ đầu những năm 1920. Có thể kể đến 3 bộ phim từng thống trị màn bạc Mỹ như The Ten Commandments (1923), The King of Kings (1927) và The Sign of The Cross (1932).

Những năm 1990, các nhà làm phim không bị hạn chế về đạo đức hay luật pháp trong việc phê bình tôn giáo và mô tả các nhân vật tôn giáo. The Crucible (1996), Contact (1997) chỉ ra tôn giáo có thể là nguồn gốc của xung đột xã hội và phân biệt đối xử. Một số bộ phim vạch trần thói đạo đức giả và lạm dụng trẻ em do các giáo sĩ và linh mục gây ra, như The Boys of St. Vincent (1992).

phim kinh di anh 2

Trong The Crucible, niềm tin mù quáng mang đến cái kết bi cho các nhân vật.

Tất nhiên, những bộ phim đụng chạm tới tôn giáo luôn vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ các nhà chức trách tôn giáo và các tín đồ. Ví dụ như The Last Temptation of Christ của đạo diễn Martin Scorsese với nhiều cảnh nóng đã bị Giáo hội Công giáo Mỹ kêu gọi tẩy chay. Nhiều bộ phim bị cấm chiếu ở một số quốc gia, khu vực. Mâu thuẫn kìm hãm nhiệt huyết của các đạo diễn và dòng phim về tôn giáo chỉ thực sự bùng nổ trở lại trong 10 năm gần đây, tạo ra làn sóng mới trên diễn đàn điện ảnh.

Những trải nghiệm điện ảnh khó quên

Những giáo phái cuồng tín, lợi dụng sự yếu đuối để thao túng và gieo rắc kinh hoàng cho con người là đặc sản trong dòng phim kinh dị. Nhiều phim trong số đó kích thích thành công cả mặt thị giác lẫn tinh thần. Tác giả có thể thỏa sức xây dựng các tình tiết ly kỳ, giật gân và những hình ảnh đậm gây cảm giác mạnh, đưa người đi xem tới mọi cung bậc cảm xúc từ ái ngại, hoang mang, ngột ngạt tới ức chế, sợ hãi, tột cùng tuyệt vọng.

Ở bộ phim đầu tay Hereditary, đạo diễn Ari Aser mang đến cuộc cách tân cho thể loại kinh dị siêu nhiên khi những biến cố của một gia đình đều nằm trong tay của một giáo phái muốn hồi sinh ác quỷ hùng mạnh. Tới bộ phim kinh dị dân gian Midsommar, anh lại chiêu đãi người xem một bữa tiệc văn hóa rực rỡ nhuốm màu nắng và sắc hoa nhưng ám ảnh khi các nhân vật trở thành vật hiến tế cho nghi lễ chọn ra “Nữ thần mùa hè” của một bộ lạc.

phim kinh di anh 3

Nhiều khán giả nhận định Midsommar là phim về tà giáo "nhiều màu sắc nhất".

Không chỉ phương Tây, các nhà làm phim châu Á cũng nhìn ra tiềm năng của đề tài này và tận dụng chất liệu từ những hủ tục phong kiến và hiện trạng các dị giáo trong xã hội đương thời. Ở Hàn Quốc, đây là cảm hứng cho một số bộ phim cùng thể loại gây tiếng vang gần đây về đề tài dị giáo như The Wailing, The Guest, Save me, The Priest...

Hay Thái Lan, một quốc gia có thương hiệu về dòng phim bùa ngải đã nhiều lần khiến giới mộ điệu rùng mình. Trong The Medium, tác phẩm kết hợp giữa điện ảnh Thái - Hàn mang phong cách giả tài liệu, một nhóm làm phim đến vùng nông thôn gặp “bà đồng” Nim để tìm hiểu tập tục tâm linh. Bộ phim đề cập tới Shaman giáo với câu chuyện gay cấn và ghê rợn.

Mượn tà giáo kể chuyện đời

Ngoài cốt truyện kịch tính, tác phẩm chủ đề tà đạo thường đi sâu vào các câu chuyện triết học, những câu hỏi hàng thế kỷ và các diễn giải thời hiện đại. Mỗi bộ phim đều thể hiện niềm tin, quan điểm của đạo diễn về tín ngưỡng, phê phán những thói hư tật xấu, góc tối của con người đồng thời gửi gắm các bài học về cuộc sống. Ngoài ra còn có nhiều ẩn ý về lịch sử, xã hội, chính trị, tôn giáo kích thích người xem phải suy ngẫm để giải mã.

Hellbound là một tác phẩm giả tưởng đa nghĩa. Mượn các lực lượng siêu nhiên đại diện cho những nỗi ám ảnh của con người trong cuộc đời, phim phản ánh những bất công giai cấp và lối sống giả tạo, thờ ơ của xã hội hiện đại. Trong phim, tổ chức Chân lý mới rao giảng đạo đức nhưng lại lợi dụng nỗi sợ và đức tin của con người để thỏa mãn hư vinh và quyền lực. Phim còn gửi tới thông điệp “Con người cần làm chủ cuộc đời mình”.

The Medium, tác giả cũng đưa vào nhiều yếu tố tâm linh, tà thuật, ma quỷ để khẳng định góc nhìn về quy luật “gieo gió gặt bão”, đồng thời khẳng định chân lý “Con người mới là nguồn cơn của những tội ác”.

Phim về đề tài tà giáo còn được ưa chuộng vì ngân sách thấp và khả năng sinh lời cao. Dòng phim ngày càng mở rộng đối tượng khán giả và chứng minh được chỗ đứng trong giới điện ảnh.

Một thí dụ điển hình là bộ phim Get Out của Jordan Pele thu về 255 triệu USD, cao gấp 50 lần kinh phí sản xuất. Tới bộ phim thứ hai, Us, đạo diễn lại thắng lớn khi có doanh thu chào sân cao gấp đôi, đồng thời nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhà phê bình và khán giả. Chỉ với hai bộ phim, Peele đã định hình phong cách phim kinh dị độc đáo của mình.

Nội dung của dòng phim xoay quanh đề tài tà giáo vẫn đi theo công thức quen thuộc với kẻ cầm đầu phức tạp, hệ thống đức tin nửa vời và những tín đồ mù quáng, điên cuồng. Tuy nhiên, mỗi bộ phim lại chọn cho mình hướng tiếp cận riêng, cách kể mới nên để khuấy động sự khác biệt.

'Si dien' cua B Ray hinh anh

'Sĩ diện' của B Ray

0

Chia sẻ với Tri thức - Znews, B Ray nói việc học trò trở thành quán quân Rap Việt là niềm kiêu hãnh, "sĩ diện" của chính anh, và nam rapper sẽ tự hào đến hết cuộc đời.

Minh Hằng - Phúc Nguyễn

Bạn có thể quan tâm