Chiều 7/2, trao đổi với Zing.vn, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết từ chiều qua (6/2) mục lấy ý kiến về loa phường Hà Nội bắt đầu không truy cập được.
"Trước đó một ngày, số liệu về người cho ý kiến về loa phường trên cổng điện tử Hà Nội thay đổi một cách nghiêm trọng. Từ chỗ chỉ có mấy nghìn người bình chọn bỗng chốc con số này tăng đột biến, nhảy lên hàng chục nghìn", bà Tú nói và xác nhận hệ thống "đã bị tấn công".
Sau khi nhận được thông tin, bà Tú đã yêu cầu bộ phận kỹ thuật rà soát và khóa hệ thống. Vị nữ giám đốc thông tin: "Hiện tại chúng tôi chỉ tập trung vào việc khắc phục hệ thống. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, chúng tôi sẽ mời cơ quan công an vào cuộc".
Theo tìm hiểu, sự cố tấn công trang trang web lấy ý kiến về loa phường Hà Nội xảy ra từ sáng 6/2. Khi đó, số lượng người vào trả lời câu hỏi "Ý kiến của ông/bà về hoạt động của đài truyền thanh cơ sở?" từ khoảng hơn 3.000 bình chọn tăng lên hơn 178.000 (gấp gần 60 lần).
Đặc biệt, trước đó, khoảng 80% ý kiến cho rằng không cần thiết duy trì loa phường thì vào thời điểm 11h25 cùng ngày có đến hơn 85.000 ý kiến (tương đương 48%) nói rằng cần thiết, duy trì loa phường.
Hệ thống lấy ý kiến người dân về loa phường trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội bị tấn công.
|
Về việc xử lý, bà Tú cho hay các kỹ thuật viên của Sở dự tính mất hơn một ngày, đến chiều 8/2, hệ thống mới trở lại vận hành bình thường.
Trong thông báo phát đi chiều cùng ngày trên Cổng giao tiếp điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng xác nhận dấu hiệu bất thường về số lượng người tham gia bình chọn từ ngày 5/2. Vì thế, mục “Lấy ý kiến về hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội” đang tạm dừng để bảo trì và bổ sung biểu mẫu.
"Trong thời gian này, hộp thư điện tử pbcxbtt_sotttt@hanoi.gov.vn vẫn tiếp tục ghi nhận ý kiến của người dân. Ngay sau khi hệ thống hoàn tất việc cập nhật biểu mẫu mới, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ thông tin rộng rãi và mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp", thông báo nêu.
Trước đó, ngày 25/1, UBND Hà Nội bắt đầu tiến hành tổ chức lấy ý kiến người dân về loa phường trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố (https://hanoi.gov.vn), cổng thông tin điện tử, trang Facebook của Sở Thông tin và Truyền thông.
Việc lấy ý kiến người dân về loa phường được thực hiện thông qua 4 câu hỏi trắc nghiệm khá đơn giản: Người dân cập nhật thông tin qua các hình thức nào? Nội dung thông tin trên đài truyền thanh cơ sở có thiết thực, hữu ích? Ý kiến về việc nên dừng hay hoạt động đài truyền thanh cơ sở và người dân thường nghe loa phường vào thời điểm nào?
Theo UBND Hà Nội, việc lấy khảo sát về loa phường dự kiến kết thúc vào ngày 17/3. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo kết quả rà soát hệ thống loa phường toàn thành phố và kết quả lấy ý kiến để UBND xem xét quyết định.
Khảo sát này được tiến hành sau chỉ đạo vào đầu tháng 1 của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông. Ông Chung nhận định, loa phường ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng nhưng trong thời đại công nghệ như hiện nay, thành phố đã có nhiều phương thức phục vụ nhân dân. Hệ thống này chỉ còn dành cho người già và trẻ em.
“Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Ngày 6/2, tại cuộc họp giao ban các sở, ban, ngành ông Chung tiếp tục nhắc lại nội dung trên và giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan sớm có đánh giá về sự cần thiết của hệ thống loa phường.
“Việc duy trì hệ thống truyền thanh cơ sở rất tốn kém, một phường nói thế thôi nhưng một năm mấy trăm triệu. Trong khi, chất lượng thông tin phát hành rất thấp”, Chủ tịch UBND Hà Nội nói.
Ông Chung cho rằng các cơ quan chức năng liên quan, nhất là Sở Thông tin và Truyền thông cần sớm có đánh giá khách quan, xem xét cơ chế nếu duy trì thì làm thế nào hay là bỏ hệ thống loa phường đi.
TP Hà Nội hiện có 584 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 386 xã, 177 phường, 21 thị trấn.