Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hệ thống nhà sách lớn thứ hai cả nước lãi hơn 1,5 tỷ mỗi ngày

Phần lớn lợi nhuận của Phương Nam lại không đến từ hoạt động bán sách và kinh doanh văn phòng phẩm mà chuỗi nhà sách này đang theo đuổi.

Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với khoản lợi nhuận cao đột biến. Tuy nhiên, số lãi đột biến này chủ yếu đến từ việc bán vốn tại cụm rạp chiếu phim CGV chứ không phải đến từ hoạt động buôn bán sách và văn phòng phẩm mà công ty đang theo đuổi.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất III của Phương Nam cho hay 3 tháng vừa qua công ty này ghi nhận 200 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% cùng kỳ. Số tăng này chủ yếu đến từ việc công ty đã khai trương thêm một số nhà sách mới trong kỳ và ghi nhận doanh thu tăng thêm.

Trong đó, doanh thu bán sách và văn phòng phẩm vẫn chiếm tỷ trọng rất cao, gần 98% tổng doanh thu, một phần nhỏ còn lại đến từ việc bán băng đĩa và chuỗi cà phê sách.

Giá vốn tăng tương ứng nhưng Phương Nam vẫn ghi nhận lãi gộp tăng 12% đạt hơn 75 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thay đổi đáng chú ý nhất trong kết quả kinh doanh quý vừa qua của chuỗi nhà sách này chính là việc thu về 145 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính. Đây chính là số tiền thu được từ việc bán vốn khỏi Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam- chủ sở hữu cụm rạp chiếu phim CGV Việt Nam mà đơn vị đã thực hiện cách đây không lâu.

nha sach phuong nam lai lon anh 1
 

Trong quý, Phương Nam đã 2 lần lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án bán lần lượt 12,5% và 7,5% vốn Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam với giá 160 tỷ và 101 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý, khoản giá gốc trị giá 30,7 tỷ đồng đầu tư vào CGV Việt Nam không còn ghi nhận trên bảng cân đối kế toán. Như vậy, sau khi trừ đi giá gốc góp vốn ban đầu, lợi nhuận Phương Nam thu về cho khoản đầu tư nhiều năm này của mình cũng đạt trên 200 tỷ đồng.

Chính nguồn thu này đã giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Phương Nam tăng hơn 23 lần so với cùng kỳ quý III năm trước, đạt 152 tỷ đồng. Kết quả, chuỗi nhà sách này thu về tới 138 tỷ đồng lãi ròng sau thuế trong 3 tháng qua. Tương đương, mức lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng mỗi ngày.

Lũy kế 9 tháng từ đầu năm, Phương Nam đạt 538 tỷ đồng doanh thu thuần và báo lãi sau thuế 145 tỷ, trong khi con số lợi nhuận cùng kỳ chỉ vỏn vẹn 237 triệu đồng. Khoản lợi nhuận đột biến này cũng giúp công ty gần hoàn thành kế hoạch cả năm đề ra trước đó.

Khoản lợi nhuận lớn đến từ việc thoái vốn CGV không chỉ giúp Phương Nam có kết quả kinh doanh ấn tượng mà còn khiến cơ cấu nguồn vốn của công ty biến động mạnh.

nha sach phuong nam lai lon anh 2
Tình hình tài chính của Phương Nam cải thiện rất nhiều nhờ nguồn tiền lãi từ việc thoái vốn khỏi CGV Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản – nguồn vốn công ty đã giảm 7% so với đầu năm đạt 476 tỷ đồng. Nhưng vốn chủ sở hữu công ty đã tăng lên 174 tỷ đồng sau khi khoản lỗ lũy kế 105 tỷ đồng được bù đắp hoàn toàn bằng lợi nhuận đột biến quý III. Từ con số âm, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Phương Nam nay đã tăng lên dương 39,5 tỷ đồng.

Công ty đã thanh toán hết khoản nợ vay 159 tỷ đồng ngắn hạn với Cross Junction Investment Pte Ltd, giúp nợ phải trả giảm từ 482 tỷ xuống 297 tỷ đồng.

Theo phương án kinh doanh điều chỉnh được thông qua mới đây, Phương Nam đặt kế hoạch doanh thu giảm từ 800 tỷ đồng xuống 741 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp bảy lần lên 144 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khóan, bất chấp đà giảm của thị trường trong phiên hôm qua, kết quả kinh doanh ấn tượng đã giúp cổ phiếu PNC của Phương Nam tăng kịch biên độ lên mức 14.950 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh cũng đạt trên 10.000 đơn vị, trong khi những phiên trước đó thanh khoản của cổ phiếu này chỉ ở mức vài trăm cổ phiếu giao dịch mỗi phiên. Tuy nhiên, PNC vẫn bị duy trì diện kiểm soát đặc biệt do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2016 và 2017 ghi số âm.

Phương Nam hiện là chuỗi cửa hàng sách có quy mô lớn thứ 2 cả nước sau Fahasa, đơn vị sở hữu hàng chục cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc cùng hệ thống book cafe. Riêng năm 2017, đơn vị này đã mở mới 11 nhà sách tại nhiều tỉnh thành phố.

Chuỗi nhà sách lớn nhất TP.HCM sắp lên sàn

Fahasa - chuỗi cửa hàng sách lớn nhất TP.HCM, đã chốt danh sách cổ đông để hoàn tất hồ sơ dự kiến đăng ký giao dịch chứng khoán trên sàn UPCoM từ ngày 24/10 tới.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm