Ngay sau khi đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét cử lực lượng đặc biệt đến bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Kyiv vào ngày 23/5, Wall Street Journal đã đính chính báo cáo này là không chính xác.
Hành động này làm dấy lên những hoài nghi về quyết định của chính quyền Mỹ. Nhà Trắng dường như đang đứng giữa hai lựa chọn khó khăn, một mặt là sự an toàn của các nhà ngoại giao, mặt khác là nguy cơ "khiêu khích" Điện Kremlin.
Ông Neil Melvin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI). Ảnh: RUSI. |
Chia sẻ với Zing về vấn đề này, ông Neil Melvin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định: “Trước những rủi ro khi hoạt động ở Ukraine, rất có thể Đại sứ quán Mỹ sẽ hoạt động với một lực lượng vũ trang đáng kể”.
“Các Đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới hoạt động trong môi trường an ninh khó khăn và thường có mức độ đảm bảo an ninh rất cao. Lực lượng (bảo vệ) có thể bao gồm nhiều nhóm khác nhau, từ bảo vệ thông thường đến các đơn vị quân đội và hải quân, và các vệ sĩ cho quan chức cấp cao”, ông nhận định.
Các nhà ngoại giao Mỹ đã trở lại Đại sứ quán tại Kyiv vào ngày 8/5, sau hơn 2 tháng rời đi kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine. Sau khi nhiều nhà ngoại giao Mỹ ở nước ngoài bị sát hại trong những năm qua, việc đảm bảo an ninh cho các đại sứ quán đã trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Không thể vượt qua giới hạn
“Với các mối đe dọa an ninh đặc biệt nghiêm trọng trong cảnh chiến sự, các binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt cũng có khả năng nhận nhiệm vụ bảo vệ đại sứ quán”, chuyên gia Melvin khẳng định, đề cập đến báo cáo trước đó của Wall Street Journal.
Quốc kỳ Mỹ hôm 18/5 đã được kéo lên tại Đại sứ quán Mỹ ở Kyiv, Ukraine lần đầu tiên kể từ khi các nhà ngoại giao trở lại. Ảnh: Reuters. |
Các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới thường được bảo vệ bởi Cảnh vệ Thủy quân Lục chiến Mỹ (MSG) dưới sự giám sát của Giám đốc Cơ quan An ninh Ngoại giao (DSS) trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Việc sử dụng lực lượng đặc biệt như một sự thay thế hoặc bổ sung cho lực lượng MSG có thể đẩy nhanh hoạt động truy quét và sơ tán nhân viên ngoại giao, công dân Mỹ hoặc các đối tác nước ngoài khỏi Ukraine trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, đó không phải là lợi ích duy nhất. Tờ Wall Street Journal nhận định sự hiện diện nhiều hơn của quân đội Mỹ ở Kyiv có thể nhằm “quản lý hàng chục tỷ USD vũ khí, đồng thời tiến hành các hoạt động huấn luyện và cố vấn cho quân đội Ukraine”. Trong bối cảnh chiến sự, một nhiệm vụ như vậy sẽ vượt xa phạm vi an ninh của đại sứ quán.
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại nếu Mỹ triển khai lực lượng đặc biệt tới Kyiv, đây sẽ không chỉ là là nỗ lực nhằm duy trì một sứ mệnh ngoại giao.
Đánh giá khả năng này, ông Melvin nhận định dù được cử đến Kyiv, các lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ chỉ hoạt động trong một phạm vi giới hạn.
“Việc triển khai lực lượng đặc biệt để bảo vệ Đại sứ quán Mỹ sẽ hạn chế. Nhiệm vụ của lực lượng này chỉ giới hạn trong việc đảm bảo an toàn và an ninh cho các nhân viên và cơ sở của đại sứ quán. Họ không thể can dự vào xung đột giữa Nga và Ukraine”, ông nói với Zing.
“Các lực lượng này có thể sẽ liên lạc với các lực lượng an ninh Ukraine về những vấn đề liên quan đến đại sứ quán, nhưng họ sẽ không thực hiện vai trò cố vấn vượt ngoài phạm vi này”, ông cho biết thêm.
Nga sẽ phản ứng ra sao?
Theo vị chuyên gia, nếu đề xuất điều lính đặc nhiệm đến bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại Kyiv thành hiện thực, bước đi như vậy không có khả năng làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Nga.
Đại sứ quán Mỹ tại Kyiv trong tháng 5. Ảnh: Wall Street Journal. |
Ông Melvin lý giải rằng lực lượng an ninh được triển khai trong khuôn khổ các mối quan hệ ngoại giao thông thường và để bảo vệ nhân viên, cũng như trụ sở ngoại giao. “Do vậy, việc triển khai sẽ không có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc chiến giữa Nga và Ukraine”, ông cho biết.
“Tôi tin rằng Quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ động thái này. Nó đã xảy ra ở các khu vực xung đột khác, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Phi”, ông cho biết thêm.
Theo ông, đây được coi là một biện pháp bình thường để bảo vệ cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài, đồng thời viện dẫn lại vụ sát hại đại sứ Mỹ tại Libya khi an ninh không được đảm bảo trong cuộc nội chiến Libya.
Cụ thể, trước đó, vào năm 2012, các phiến quân đã tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi Libya, khiến đại sứ Mỹ khi đó là ông Christopher Stevens và 3 người khác thiệt mạng. Điều này đã dẫn đến việc một đơn vị đặc biệt được thành lập để triển khai lực lượng MSG trong thời kỳ căng thẳng và rủi ro cao.
Phản ứng của Nga cũng là điều khiến Bộ Ngoại giao Mỹ quan ngại. Họ cho rằng việc có mức độ an ninh mạnh mẽ và hiển hiện tại đại sứ quán có thể khiêu khích Điện Kremlin. Tuy nhiên, theo ông Melvin, Nga có thể sẽ không phản đối động thái này.
“Tôi không tin rằng Nga sẽ phản đối điều này, mặc dù các phương tiện truyền thông Nga có thể tìm cách coi động thái này là lời xác nhận của việc Mỹ hỗ trợ quân sự trực tiếp đối với Ukraine”, ông cho biết.