Không thể phủ nhận việc smartphone liên tục giảm giá góp phần mang đến cơ hội cho nhiều người tiêu dùng có thể sở hữu những sản phẩm mà mình khao khát, đồng thời tạo thêm hấp lực để đẩy thị trường tăng trưởng. Tuy nhiên, nó cũng gây ra không ít hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của không ít người.
Đang có nhu cầu đổi sang iPhone 5S, anh Quyết (Đống Đa, Hà Nội) bèn lên mạng tìm mối để đổi lại chiếc Xperia Z1 mới dùng được khoảng hơn 2 tháng. Tuy nhiên, ngay cả khi chấp nhận bù thêm 3 triệu đồng, anh vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu từ phía người muốn đổi.
“Cùng là siêu phẩm công nghệ, nhưng chiếc Z1 của mình mất giá quá nhanh. Khi mua máy hồi giữa tháng 9, mình phải bỏ ra 17 triệu đồng, trong khi bây giờ bán đi chưa chắc được 11 triệu. Bù thêm 3 triệu để đổi lấy iPhone 5S đã qua sử dụng mà không ai chịu. Tính ra, mình mất trắng vài triệu đồng mỗi tháng”, anh Quyết ngán ngẩm cho biết.
Smartphone cao cấp liên tục mất giá mang lại lợi ích cho người này nhưng cũng gây ra hệ lụy với người khác. Ảnh: Thành Duy. |
Trong khi đó, anh Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) lại tỏ ra khá bình thản khi mất trắng hơn 1 triệu đồng chỉ trong hai tuần. Anh vừa mua một chiếc iPhone 5S xách tay bản màu vàng champagne hai tuần trước với giá 16,8 triệu đồng. Cho đến thời điểm hiện tại, giá bán của model này chỉ còn khoảng 15,6 triệu đồng.
Anh Minh chia sẻ: “Thị trường di động bây giờ nó thế. Dám chơi, dám chịu. Smartphone, tablet bây giờ giảm giá cả triệu đồng trong một tuần là chuyện bình thường”.
Không chỉ ảnh hưởng đến người dùng, việc smartphone giảm giá quá nhanh còn khiến nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại nhiều phen “lấm lưng trắng bụng”. iPhone 5C là ví dụ tiêu biểu nhất thời gian gần đây. Nhiều cửa hàng quyết tâm “ôm” một lượng lớn iPhone 5C ngay từ đợt đầu với hy vọng bán được giá cao (thực tế, họ cũng phải nhập với giá khá cao). Tuy nhiên, sản phẩm này lại quá kén khách, dẫn đến việc giá bán liên tục giảm. Chỉ trong khoảng hơn một tháng từ khi bán ra, giá của iPhone 5C đã giảm từ mức 16 - 18 triệu xuống chỉ còn gần 12 triệu đồng. Khi đó, cửa hàng không còn cách nào khác đành phải chấp nhận bán lỗ để quay vòng vốn.
Anh S., chủ một cửa hàng xách tay tại Xã Đàn (Hà Nội) cho biết, kinh doanh điện thoại xách tay bây giờ khó hơn ngày xưa rất nhiều. “Nếu như trước đây, chủ hàng chỉ việc nhập máy về bán thì hiện tại, chúng tôi phải thường xuyên nhìn trước ngó sau. Thậm chí, một vài cửa hàng nhỏ giờ không dám nhập máy về sớm để bán, bởi chỉ cần hàng tồn khoảng 1-2 tuần là chắc chắn bị lỗ. Hiện tại, chỉ một số cửa hàng lớn dám nhập máy số lượng lớn về bán sớm, đôi khi chấp nhận lỗ để tạo dựng thương hiệu”.
Theo nhận định chung của các cửa hàng, những năm trước iPhone thường mất giá chậm hơn so với điện thoại Android. Tuy nhiên hiện tại, tốc độ mất giá của iPhone đã nhanh hơn rất nhiều. Từ những model cũ như iPhone 4, 4S đến những model mới nhất như iPhone 5S, 5C đều đang được bán với mức giá khá cạnh tranh so với các đối thủ Android.