Hé lộ thương vụ tiêm kích Mirage-2000 'hụt' của VN
Một cuộc thảo luận trên diễn đàn Defence Talk tiết lộ, vào những năm 1990 Việt Nam đã đàm phán mua tiêm kích Mirage-2000 từ Pháp nhưng thương vụ này không thành công.
Sau khi các chiến dịch bảo vệ biên giới kết thúc, Không quân Việt Nam thấy cần phải có một loại máy bay vừa đảm đương nhiệm vụ bảo vệ không phận vừa có khả năng tấn công mặt đất, hay nói cách khác là thiếu một tiêm kích đa nhiệm. MiG-21 thời đó là một tiêm kích xuất sắc nhưng nó không có khả năng đa nhiệm. Do đó, Không quân Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi trong việc chi viện hỏa lực đường không.
Bổ sung trang bị loại máy bay đa nhiệm có khả năng tấn công mặt đất là điều cấp thiết đối với Việt Nam để bảo vệ an ninh quốc gia. Trong những tiêm kích đa nhiệm thời đó, Mirage-2000 của hãng Dassault Aviation là một ứng viên xuất sắc.
Việt Nam đã từng chạm được một tay vào việc sở hữu 2 phi đội tiêm kích đa nhiệm Mirage-2000. |
Mirage-2000 là một tiêm kích đa nhiệm cánh tam giác rất nhanh nhẹn được sản xuất và đưa vào sử dụng trong Không quân Pháp vào năm 1982. Máy bay có thể đạt tốc độ tối đa gấp 2,2 lần tốc độ âm thanh (2.530 km/h).
Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hiện đại, khả năng mang tải trọng vũ khí tốt, đặc biệt, tiêm kích này tỏ ra xuất sắc trong nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Bên cạnh đó, năm 1990 nhà sản xuất Dassault đã giới thiệu biến thể nâng cấp Mirage-2000-5 với nhiều tính năng ưu việt, trang bị radar mới có khả năng phát hiện 24 mục tiêu, theo dõi đồng thời 8 mục tiêu, cung cấp kênh dẫn hướng cho tên lửa tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.
Mirage-2000 đã có màn trình diễn ấn tượng trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.
Nếu thương vụ này thành công, Mirage-2000 kết hợp với Su-30MK2 Không quân Việt Nam sẽ có được sức mạnh chiến đấu hàng đầu khu vực. |
Vào thời điểm đó, Việt Nam đã tiến hành đàm phán với Chính phủ Pháp và tập đoàn Dassault về việc mua bán 2 phi đội bao gồm 24 chiếc Mirage-2000, hợp đồng dự định sẽ được ký kết vào năm 1996.
Tuy nhiên, khi mọi chuyện gần xong xuôi thì Chính phủ Mỹ đã gây áp lực trong hợp đồng này. Dưới áp lực từ phía Mỹ, Chính phủ Pháp và Dassault từ chối ký hợp đồng bán tiêm kích Mirage-2000 cho Việt Nam.
Đó là do Việt Nam và Mỹ, dù đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, một năm trước khi Việt Nam tiến hành đàm phán mua Mirage-2000 nhưng Mỹ vẫn còn áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Về lý thuyết, Pháp vẫn có thể bán Mirage-2000 cho Việt Nam nhưng họ đã không làm điều đó vì lo ngại những áp lực của Mỹ.
Một số chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng, nếu thương vụ Mirage-2000 thành công, Việt Nam mua được Mirage-2000 kết hợp cùng với Su-27/30 của Nga sau này sẽ tạo ra cho Không quân Việt Nam sức mạnh chiến đấu hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Cần lưu ý rằng, Su-30MK2 xuất khẩu dùng rất nhiều thiết bị điện tử có nguồn gốc từ Pháp nên khả năng chia sẽ dữ liệu giữa Su-30MK2 và Mirage-2000 nhiều khả năng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
quốc việt
Theo Infonet