Với tư cách người đứng đầu Ủy ban Quốc vụ, ông Kim sẽ được trao quyền ban hành luật và bổ nhiệm hoặc triệu hồi các đại diện ngoại giao ở nước ngoài, theo hiến pháp sửa đổi.
Một trang web tuyên truyền của Triều Tiên hôm 21/9 tiết lộ toàn văn bản hiến pháp sửa đổi của nước này, cho thấy hiến pháp mới sẽ giúp củng cố địa vị pháp lý của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Theo Yonhap, trang web có tên Naenara đã công khai bản hiến pháp mà Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức quốc hội Triều Tiên) khóa 14 đã sửa đổi trong kỳ họp thứ hai vào cuối tháng trước.
Trong lần sửa đổi mới nhất, Điều 104 quy định trách nhiệm mới đối với chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, cơ quan hành chính cao nhất của Triều Tiên, như ban hành luật và bổ nhiệm hoặc triệu hồi các đại diện ngoại giao ở nước ngoài.
|
Ông Kim Jong Un trong một sự kiện tại Bình Nhưỡng hôm 7/9. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Cơ quan lập pháp của Triều Tiên trước đây có thẩm quyền ban hành luật và bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm các nhà ngoại giao. Do đó, bản hiến pháp sửa đổi cho thấy địa vị pháp lý của ông Kim Jong Un với tư cách chủ tịch Ủy ban Quốc vụ đã được nâng cao.
Hiến pháp sửa đổi cũng đưa vào một điều mới, quy định chủ tịch Ủy ban Quốc vụ sẽ không được bầu làm đại biểu quốc hội. Các nhà quan sát cho rằng đây là biện pháp để nhấn mạnh rằng chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là một vị trí đặc biệt, không ngang hàng với các đại biểu quốc hội khác.
Ông Kim Jong Un lên nắm quyền tại Triều Tiên sau cha mình là lãnh đạo Kim Jong Il qua đời vào tháng 12/2011. Nhà lãnh đạo trẻ đã ghi dấu ấn trên trường quốc tế với hai hội nghị thượng đỉnh cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên gặp gỡ trực tiếp một nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng.