Hé lộ con đường lách luật thâu tóm Sacombank
Nhờ quan hệ sở hữu với các công ty con, một số cá nhân có thể mua cổ phần chi phối ở doanh nghiệp khác mà không bị lộ diện trong quá trình thâu tóm.
>> Nghi án cơ quan quản lý tiếp tay thâu tóm Sacombank
>> Cổ đông lớn của Sacombank giàu thứ 12 sàn chứng khoán
Ba cổ đông lớn vừa lộ diện của Sacombank đều có liên quan đến liên minh Eximbank – Phương Nam Bank. Cơ chế nào để một ngân hàng không nắm cổ phần chi phối ở một doanh nghiệp vẫn có thể lái công ty phụ thuộc cùng đi thôn tính doanh nghiệp đó cho họ?
Thị trường vẫn chưa hết ngạc nhiên trước các cổ đông lớn vừa lộ diện ở Sacombank. Công ty cổ phần đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu sở hữu 5,01%; công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Exim sở hữu 5,17%; ông Trần Phát Minh, hiện là chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Kienlong Bank là cổ đông cá nhân lớn có 5,01% tỷ lệ sở hữu ở Sacombank.
Thông tin quan trọng này đến với các nhà đầu tư rất trễ qua văn bản xử phạt vi phạm hành chính do uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra.
Theo luật Các tổ chức tín dụng, một ngân hàng và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng đó không được góp vốn vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp. Trên thực tế, một số ngân hàng đã cùng các công ty liên kết tham gia góp vốn thành lập công ty cổ phần đầu tư tài chính, sau đó chuyển vốn qua hình thức uỷ thác đầu tư. Công ty cổ phần đầu tư tài chính nhận vốn uỷ thác đi đầu tư vào các doanh nghiệp, dần dần trở thành công ty chuyên đi nắm giữ sở hữu doanh nghiệp.
Chẳng hạn, theo báo cáo thường niên 2011, ngân hàng Eximbank đã có những khoản đầu tư vào các tổ chức kinh tế như 10,86% ở chứng khoán Rồng Việt; 10,99% ở Eximland; 9,45% vào công ty bảo hiểm Nhà Rồng; 10% vào quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long; 11% vào Sài Gòn Exim.
Các công ty này lại có sự đầu tư lẫn nhau, như trong cơ cấu cổ đông quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long có bảo hiểm Nhà Rồng, chứng khoán Rồng Việt, công ty cổ phần đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu. Rồi công ty cổ phần đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu lại là cổ đông lớn của chứng khoán Rồng Việt với tỷ lệ sở hữu 10,51%; Eximbank sở hữu 10,86%; quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long nắm giữ 2,06%.
Đồng thời, ở những công ty này có cổ đông là những công ty đã có mối quan hệ chồng chéo trước đó. Chẳng hạn, 16 thành viên góp vốn vào quỹ đầu tư Việt Long thì nhóm Eximbank đã chiếm bốn, cổ đông khác là Tanimex cũng do người của Eximbank lãnh đạo, các doanh nghiệp còn lại không loại trừ có mối quan hệ khác như tín dụng với Eximbank. Như vậy, các thành viên tham gia góp vốn có lợi ích tác động lẫn nhau. Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo cấp cao và cấp trung của các công ty này là lãnh đạo ở công ty mẹ.
Chẳng hạn ở Eximbank, ông Phạm Hữu Phú nguyên Phó chủ tịch HĐQT Eximbank, hiện là chủ tịch HĐQT Sài Gòn Á Châu, chứng khoán Rồng Việt, Eximland... Theo Tiến sĩ Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn Đầu tư tài chính trường đại học Kinh tế TP.HCM, với mối quan hệ chồng chéo, từ “nơi khác” họ có thể chi phối các doanh nghiệp liên kết này. Đồng thời, thường những công ty có sự đầu tư qua lại này có chung mục tiêu đầu tư, dễ dàng trở thành một nhóm, và không hoạt động theo quy định của cổ đông lớn. Theo diễn biến của vụ thâu tóm Sacombank, có thể họ đã bầu dồn phiếu cho Eximbank đại diện “nói chuyện” với Sacombank.
Theo Tiến sĩ Lê Đạt Chí, công ty đầu tư tài chính không phải là quỹ đầu tư, và hoạt động dưới luật doanh nghiệp. Theo GS.TS Nguyễn Vân Nam, về nguyên tắc, những công ty cổ phần đầu tư tài chính không bị chi phối bởi luật Các tổ chức tín dụng, dù có thể họ nhận vốn uỷ thác đầu tư từ tổ chức tín dụng. Pháp luật không cấm những hoạt động đi đầu tư doanh nghiệp như vậy.
Cũng theo ông Nguyễn Vân Nam, với những trường hợp thâu tóm, sở hữu qua lại này, không phải là không có luật điều chỉnh. Theo đó, nếu những đầu tư chồng chéo này có khả năng trở thành liên minh thâu tóm, sở hữu một tỷ lệ lớn trong một ngành hàng thì sẽ trở thành đối tượng của luật Cạnh tranh. Và không loại trừ có thể có sự bàn bạc nội bộ trước khi đưa ra chính sách kinh doanh, vô hình trung hạn chế tính cạnh tranh trong ngành ngân hàng. Quản lý và làm rõ điều này chính là nhiệm vụ của cơ quan quản lý và ngân hàng Nhà nước.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị