HDBank đang đóng góp lớn vào công cuộc hội nhập kinh tế toàn cầu của đất nước bằng các ký kết hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hay sáng kiến “Chính sách khí hậu Việt Nam” cùng Đại học Harvard nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đến Mỹ,… cùng nhiều chương trình thiết thực khác.
Các ký kết toàn cầu nổi bật
Trong tháng 5, nhân chuyến thăm Mỹ và tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN của Thủ tướng Chính phủ tại Washington D.C, IFC và HDBank đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác chiến lược, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm tài trợ chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ký kết giúp HDBank xây dựng danh mục tài trợ chuỗi cung ứng tới 1 tỷ USD trong 3 năm tới; phát triển danh mục tài trợ chuỗi (SCF) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; tài trợ cho nhà cung cấp và nhà phân phối. Sự hỗ trợ này hứa hẹn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội mới trong giao thương và cải thiện tính liên kết với những chuỗi cung ứng chính thức, góp phần vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
IFC, HDBank ký kết hợp tác chiến lược, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: TTXVN. |
Cũng tại chuyến thăm, HDBank và Tập đoàn Sovico đã có cuộc họp chính thức với đoàn công tác của ông John Kerry - đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden - về biến đổi Khí hậu. Bên cạnh đó, lãnh đạo Đại học Harvard cũng thông báo hợp tác Sovico xây dựng và tài trợ chương trình “Sáng kiến Chính sách Khí hậu Việt Nam”. Dự án tập trung vào nghiên cứu, đào tạo khả năng phục hồi của các thành phố Việt Nam trước những biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.
Trước đó vào tháng 4, HDBank và IFC đã ký kết thỏa thuận khung tài trợ thương mại GTFP (Global Trade Finance Program) trong nỗ lực chung về tăng cường tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2021, IFC đã giải ngân khoản vay dài hạn 70 triệu USD để hỗ trợ HDBank tài trợ lĩnh vực năng lượng tái tạo. IFC cũng đầu tư 95 triệu USD vào trái phiếu quốc tế chuyển đổi do HDBank phát hành, với mục đích tạo nguồn hỗ trợ để ngân hàng tăng cường cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Hiện tổng giá trị giải ngân hợp tác giữa IFC và HDBank đạt hơn 200 triệu USD và tiếp tục gia tăng.
Ngân hàng xanh ổn định nền kinh tế
Xác định chuỗi nông nghiệp là ngành mục tiêu quan trọng trong năm 2022, HDBank tiếp tục trở thành ngân hàng thương mại dẫn đầu trong tín dụng xanh, phát triển bền vững với nhiều ưu đãi thiết thực.
Ngày 29/5, tại hội nghị “Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam” lần thứ 4 tổ chức tại Sơn La, HDBank và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách về vốn tín dụng cho lĩnh vực tam nông. Trước đó, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước đến các tỉnh miền Tây, ngân hàng này cũng triển khai các hoạt động đẩy mạnh công nghệ số và nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nam Bộ.
Cụ thể, ngân hàng đã trao tặng kinh phí xây dựng thư viện số và quỹ học bổng khuyến học tại các cơ sở giáo dục của tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ với tổng giá trị 5,2 tỷ đồng. Hoạt động nhằm khuyến khích, đào tạo, phát triển nhân lực kỷ nguyên số; phát huy tiềm năng vùng nông sản lớn nhất nước; ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương.
Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện, HDBank luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Với mạng lưới hơn 40 điểm giao dịch, ngân hàng tập trung hỗ trợ các nhóm khách cá nhân và doanh nghiệp; thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của địa bàn; góp phần thúc đẩy phát triển nhanh nền kinh tế địa phương; mang đến những sản phẩm dịch vụ tài chính văn minh và tiện lợi.
HDBank tài trợ phát triển bền vững tại miền Tây Nam bộ. Ảnh: Đ.H.Đ. |
Từ nhiều năm nay, HDBank đã xây dựng, phát triển sản phẩm cho vay dành riêng cho nông nghiệp, với thời hạn vay và phương thức trả nợ linh hoạt, phù hợp nhu cầu kinh tế gia đình. Đặc biệt, nhằm giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận dễ dàng các sản phẩm dịch vụ, gói vay ưu đãi, ngân hàng này đã triển khai dự án website tại 63 tỉnh, thành, giúp khách hàng dễ dàng kết nối, giao dịch mọi lúc mọi nơi.
Ngoài ra, HDBank cũng tiên phong phát động thực thi chính sách của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng xanh, xây dựng mô hình ngân hàng xanh với việc tài trợ hàng trăm triệu USD cho nhiều dự án năng lượng tái tạo, hàng chục nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài những chương trình ưu đãi cho nông nghiệp, trong năm nay, HDBank triển khai nhiều gói tín dụng chuyên biệt cho các đối tượng: Khách hàng có nguồn thu nhập từ hoạt động kinh tế biển, các doanh nghiệp vay trả lương cho cán bộ nhân viên, các doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ...