Với nỗ lực không ngừng cùng hậu phương vững chắc, tài năng trẻ Việt đã ghi tên mình vào danh sách top đầu cuộc thi Tin học văn phòng thế giới, góp phần nâng cao vị thế nước nhà.
Những ngày đầu năm 2012 tại Las Vegas (Mỹ), Trần Đình Vỹ hân hoan niềm vui chiến thắng. Cú “lội ngược dòng” của nam sinh tại cuộc thi Tin học văn phòng thế giới (MOS World Championship - MOSWC) mang về tấm huy chương vàng (HCV) đầu tiên cho Việt Nam sau hai năm tham dự, góp phần đặt dấu mốc mới trên chặng đường khẳng định bản lĩnh Việt tại đấu trường quốc tế.
9 năm sau, trí tuệ Việt một lần nữa được khẳng định mạnh mẽ bằng tấm HCV thứ hai của Nguyễn Quốc Huy (cựu học sinh THCS - THPT Nguyễn Tất Thành) cùng loạt thành tích đáng nể từ các thí sinh tại MOSWC 2021. MOSWC quy tụ đội tuyển đến từ nhiều quốc gia nhất nhưng lại có bộ huy chương ít nhất, người chiến thắng phải thực sự chứng minh tài năng trước bạn bè thế giới.
“Tấm HCV cùng chiếc cúp vô địch MOSWC là giải thưởng lớn nhất và khó tưởng tượng nhất mà tôi từng đạt”, Nguyễn Quốc Huy vẹn nguyên cảm xúc khi nhớ lại khoảnh khắc được xướng tên ở ngôi vị đầu.
Còn Nguyễn Đức Phát (sinh viên ĐH Hàng Hải Việt Nam) dùng hai từ “đứng hình” để miêu tả giây phút cầm trên tay tấm huy chương bạc (HCB) đầu tiên mang tầm cỡ quốc tế mà trong suốt những năm tháng ngồi ghế nhà trường, cậu không nghĩ sẽ có cơ hội đạt được.
Dù bất ngờ, cả hai nam sinh hiểu rõ thành quả này xứng đáng cho chuỗi ngày nỗ lực hết sức vì màu cờ sắc áo và để bản thân không phải nuối tiếc.
Huy và Phát yêu thích công nghệ, tin học từ lâu, cả hai thường thực hành các thao tác trên máy tính. Song chỉ đến khi tiếp xúc với chương trình giảng dạy MOS (Microsoft Office Specialist - bài thi về kỹ năng tin học văn phòng triển khai bởi Tập đoàn Khảo thí Tin học danh tiếng Certiport của Mỹ, được áp dụng trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới), được thầy cô động viên, hướng dẫn, cả hai mới quyết định thử sức ở đấu trường MOSWC.
Năm nay, hai nam sinh tham gia đấu trường tin học văn phòng quốc tế đúng thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đây cũng là năm đầu tiên cuộc thi tổ chức hình thức trực tuyến với cấu trúc đề hoàn toàn mới so với trước. Việc làm quen ban đầu mang đến cho Huy và Phát chút hồi hộp.
“Những lo lắng trong tôi dần xua tan khi được thi đấu trên sân nhà, ban tổ chức chuẩn bị điểm thi chu đáo. Tôi có cơ hội tham gia nhiều hoạt động giao lưu, giúp tinh thần thoải mái trước khi bắt đầu. Hơn nữa, chút trở ngại trong bối cảnh nhiều thách thức càng tạo động lực để cả đội cố gắng mang vinh quang về cho nước nhà”, Nguyễn Quốc Huy khẳng định.
Lợi thế sân nhà cũng củng cố sự tập trung, tự tin của toàn đội. Mang theo sức trẻ, bản lĩnh cùng sự hỗ trợ từ ban tổ chức, hai nam sinh cùng 4 thành viên khác trong đội tuyển tự tin bước vào cuộc thi. Bài toán MOSWC 2021 đặt ra khiến các thí sinh “toát mồ hôi”. Trong đó, phần thi thực hành kéo dài 3 tiếng được đánh giá khó nhằn.
Huy nhận định phần thi tương tự bài tiểu luận về vấn đề xã hội thực tiễn. Thời gian 3 tiếng có vẻ dài nhưng lại khá ngắn để kịp hoàn thiện và chỉn chu cả nội dung lẫn hình thức, việc tập trung cao độ vô cùng cần thiết.
Đồng suy nghĩ ấy, Phát cho rằng: “Đề thi năm nay yêu cầu kỹ năng và kỹ thuật, cũng như tính sáng tạo lẫn quyết đoán. Đây thực sự là phần thi hóc búa. 3 tiếng trôi qua rất nhanh nếu không định hình được bản thân muốn và nên làm gì”.
Hiểu và giải quyết đúng yêu cầu của đề ra, Huy cùng Phát đã đạt kết quả ngoài mong đợi, góp phần tạo nên bảng thành tích tốt nhất của Việt Nam trong 12 mùa tham gia MOSWC thế giới. Ngoài hai tấm huy chương, 3 thí sinh khác của đội tuyển Việt Nam ghi tên vào top 10 thành tích cao nhất. Những gì các bạn mang về không chỉ có tấm huy chương, cả hai đã mở rộng giới hạn bản thân, củng cố bản lĩnh, trau dồi kỹ năng và khẳng định vị thế nước nhà.
Tấm HCV như “vé thông hành” đưa Nguyễn Quốc Huy vào hành trình phát triển đam mê công nghệ đầy hứa hẹn phía trước. “MOSWC là cơ hội quý giá để học hỏi, thử sức, khẳng định bản thân. Tôi sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thi khác phù hợp, mong muốn lan toả niềm hứng thú với công nghệ, tin học đến các bạn trẻ”, Huy trải lòng.
Còn theo Nguyễn Đức Phát, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc nắm bắt kiến thức cơ bản về tin học văn phòng không chỉ cần thiết cho học tập tại trường mà còn cho môi trường làm việc về sau. “Học thêm kiến thức, tích luỹ trải nghiệm không bao giờ thừa. Đó cũng là tính cách cần có ở mỗi người”, Phát chiêm nghiệm.
Suốt 9 năm kể từ tấm HCV đầu tiên tại sân chơi tin học toàn cầu MOSWC, Việt Nam liên tục góp mặt trong top đầu, thu hút ngày càng nhiều thí sinh tham gia. Điều đó đồng nghĩa cuộc thi đã hoàn thành “sứ mệnh” thúc đẩy thế hệ thanh niên Việt Nam tự tin thể hiện bản lĩnh, “cháy” hết mình với đam mê công nghệ để chinh phục giải thưởng danh giá.
Cũng trên hành trình trải nghiệm đậm dấu ấn ấy, những người trong ban tổ chức MOSWC cấp quốc gia đã trở thành “bạn đồng hành”, cầu nối, hậu phương cho tài năng trẻ Việt khẳng định năng lực.
Đức Phát chia sẻ suốt thời gian thi, các thầy cô khoa Công nghệ thông tin cũng như nhà trường luôn theo dõi, tạo điều kiện học tập và trang thiết bị thi. Đến vòng thi quốc tế, Ban chấp hành TW Đoàn, Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam cùng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) luôn đồng hành hỗ trợ, cổ vũ tinh thần cả đội tuyển.
Chứng kiến và theo sát các em từ những vòng đấu trong nước đến chung kết thế giới, ông Đoàn Hồng Nam, Trưởng ban tổ chức cấp quốc gia không giấu nổi niềm vui: "Tôi vô cùng xúc động, tự hào với thành tích của các thí sinh đội tuyển Việt Nam tại vòng chung kết thế giới năm nay. Sự nỗ lực, bản lĩnh của các em đã giúp nước nhà một lần nữa ghi tên vào bảng thành tích quốc tế. 9 năm sau tấm HCV đầu tiên, chúng ta lại được tận hưởng cảm xúc của nhà vô địch. Tôi tin thành công hôm nay sẽ đặt nền móng để các em phát huy lợi thế, chinh phục mục tiêu cao hơn trong lĩnh vực tin học và cuộc sống”.
Những kiến thức và kỹ năng về tin học văn phòng là chìa khóa mở ra thế giới tri thức về công nghệ - cốt lõi của mọi sự phát triển trong xã hội hiện đại. Công nghệ sẽ nhanh chóng biến đổi, không ngừng cải tiến, đòi hỏi khả năng bắt kịp xu thế để thích nghi và phát triển.
Hiểu rõ tầm quan trọng của công nghệ, bà Nguyễn Hà Thành - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) khẳng định qua hoạt động tài trợ cuộc thi, tập đoàn mong muốn nhiều bạn trẻ Việt có cơ hội tiếp cận công nghệ số, tận dụng lợi thế từ cuộc cách mạng 4.0 để phát huy năng lực, làm chủ tương lai.
“Thành tích của đội tuyển Việt Nam là minh chứng chân thực cho sự nỗ lực trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng tin học theo chuẩn quốc tế một cách nghiêm túc, bài bản. Tôi hy vọng những trải nghiệm quý báu cùng kết quả cao tiếp thêm động lực để khi bước ra khỏi cuộc thi, các em tiếp tục phát huy tinh thần, bản lĩnh vững vàng”, bà Nguyễn Hà Thành tự hào trước “quả ngọt” mà các bạn trẻ đã gặt hái.
Đại diện Viettel cũng khẳng định việc đầu tư cho giáo dục luôn được tập đoàn quan tâm. Trong hơn một thập kỷ, tập đoàn cung cấp kết nối Internet tốc độ cao miễn phí đến hơn 30.000 cơ sở giáo dục. Ở thời điểm diễn ra dịch bệnh, Viettel tặng hàng chục nghìn máy tính bảng cho học sinh, sinh viên khó khăn trên toàn quốc. Đồng thời, nhiều chương trình hợp tác được xây dựng để thúc đẩy, tạo điều kiện cho thế hệ tương lai tiếp cận công nghệ, thể hiện tài năng .
Mùa giải MOSWC 2021 vừa khép lại, nâng tổng số huy chương của đội tuyển Việt Nam trong 12 năm qua lên cột mốc 13, trong đó có 2 HCV, 2 HCB và 9 HCĐ. Thế nhưng, hành trình tâm huyết đưa tin học văn phòng, công nghệ vào sâu hơn đời sống, khơi gợi niềm đam mê trong thế hệ trẻ của Ban chấp hành TW Đoàn, Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam cùng Tập đoàn Viettel vẫn tiếp tục và hứa hẹn tạo ra nhiều giá trị, trải nghiệm hơn cho thí sinh cũng như nước nhà.