Hãy lấy lại niềm tin!
Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần sẽ "overnight", sẽ ngủ bụi. Người dân Việt Nam ai cũng chắc như đinh đóng cột rằng sẽ có 'bão', 'bão' xuyên màn đêm. Vậy mà...
Đó là một ngày đáng nhớ, không chỉ với riêng tôi, mà với mỗi trái tim Việt Nam.
Buổi chiều, tôi được nghỉ sớm, bước chân ra đường, kẹt cứng. Hầu như công sở, trường đại học nào ở Sài Gòn cũng cho nhân viên, sinh viên nghỉ sớm, mọi người ồ ạt đổ ra đường, người thì về nhà, người thì ra quán cafe, quán nhậu, hay tụ tập về các tụ điểm trực tiếp bóng đá. Khắp đường phố đỏ rực cờ và áo, tôi bỗng thấy giống cảnh nhân dân ta vui mừng đại thắng mùa xuân 1975 mà tôi được xem trên truyền hình.
Trên đường về, tôi nhận được điện thoại của mẹ ở quê. "Con trai hả? Đang ở đâu đấy? Tối nay con xem ở đâu, liệu có về kịp không?". Lúc ấy, tôi chợt xúc động, thoáng buồn, bởi vào những thời khắc quan trọng như thế này, tôi lại không được ở cùng bố mẹ. Không chỉ riêng tôi, mà tất cả người dân Việt Nam ai cũng đinh ninh rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Cờ, áo, băng đeo, trống kèn... được chuẩn bị sẵn từ mấy hôm, công việc cũng được sắp xếp để chờ thời khắc đổ ra đường ăn mừng chiến thắng. Chúng tôi chuẩn bị tinh tươm rồi, cả bạn gái tôi, dù không phải fan của môn thể thao này, nhưng vì yêu tôi, yêu Tổ quốc này, mà từ đầu SEA Games, cô ấy đã không bỏ lỡ trận đấu nào cùng tôi.
Là những sinh viên nghèo nên địa điểm chúng tôi chọn cũng thật khiêm tốn, chỉ là một quán ốc bình dân. Bạn gái tôi còn chuẩn bị cả một bộ váy đỏ để xem đá bóng, một bộ đồ thể thao cũng màu đỏ để... đi "bão". Chúng tôi còn chuẩn bị cả tinh thần đêm nay sẽ "overnight", sẽ ngủ bụi vì không thể nào bỏ về trước 23h - giờ đóng cửa nhà trọ. Người dân Việt Nam ai cũng chắc như đinh đóng cột rằng tối nay sẽ có bão, bão xuyên màn đêm. Vậy mà...
Tôi không nhắc lại toàn bộ diễn biến trận đấu, tôi chỉ muốn chia sẻ cảm xúc của tôi tại 4 thời điểm.
1. Khi thủ môn Tấn Trường bị chấn thương, nhìn anh đau đớn mà chúng tôi cũng đau. Khi anh gượng dậy thi đấu, cả quán ốc vui mừng, gởi sang Lào cho anh một tràng pháo tay, cùng những tiếng "dzô" nâng ly vui mừng. Nhưng sau đó, nhìn anh thi đấu, tôi lại thấy bất an, nhìn những lúc anh đau, tôi lại lo sợ.
2. "Tỉ số là 1 - 0", nghe câu nói ấy của bình luận viên, tôi như chết lặng. Nhìn lại đồng hồ, trận đấu còn 10 phút, và các cầu thủ chúng ta vẫn miệt mà tấni công, tôi cố gắng lấy lại tinh thần. Cũng kể từ phút ấy, tôi với bạn gái rời bàn, tiến sát đến chiếc ti vi, ngồi bệt dưới đất theo dõi những phút còn lại của trận đấu. Càng về cuối, chúng tôi càng hồi hộp chờ xem trận đấu được cộng thêm bao nhiêu phút. "Còn nước còn tát", tất cả chúng tôi đều nghĩ thế.
3. Pha chạm bóng của Tiến Thành, bóng đi vọt xà ngang, chúng tôi nhìn nhau như muốn nói "Thế là hết thật rồi!". Và sau đó là pha tấn công đáp trả của Malaysia, cũng khá nguy hiểm. Lúc ấy chợt có tiếng cất lên: "Sao không vào luôn cho nó thua luôn đi!". Quay lại, tôi tính tát cho cô gái tiếp thị bia ấy một cái, may mà bạn gái tôi ngăn cản. Bản tính tôi rất nóng, trước câu nói ấy, và trước tình thế của U23 lúc đó, tôi không thể nhịn nổi.
4. Trọng tài nhìn đồng hồ rồi tiếng còi cất lên. Thay vì như trận gặp Singapore, chúng tôi đồng loạt "tính tiền em ơi" và đổ ra đường, thì hôm nay, chúng tôi ngồi lại, để chia sẻ cùng các cầu thủ trên sân. Không khí lúc ấy yên lặng vô cùng, phải một lúc sau chúng tôi mới có thể nặng nề đứng dậy. Chúng tôi vẫn quyết định ra đường. Vừa ra khỏi quán, tôi nhận được điện thoại của mẹ, tôi đã cầm lòng lắm song khi nghe giọng mẹ nức nở, tôi cũng đã0 bật khóc. Tôi khóc cả vì đội tuyển Việt Nam, cả vì thương bố mẹ tôi nữa.
Bố tôi làm nghề lái xe đi giao hàng. 17h trận đấu bắt đầu, tôi gọi cho bố xem ông có xem bóng đá không. Bố buồn rấu bảo: "Con xem thay bố đi, bố vẫn còn trên đường, bố nghe Radio thôi". Bố tôi chỉ về tới nhà và được xem ti vi đúng vào lúc chúng ta bị thủng lưới. Còn mẹ tôi, bà ở nhà một mình, cũng lo việc bếp núc, gà qué từ chiều để được xem bóng đá. Nhà tôi ở vùng núi Bình Phước, không bắt được sóng VTV2 hay HTV2, mẹ phải xoay ang-ten mãi mới xem được đài địa phương.
Khóc cùng mẹ xong tôi cúp máy, quay lại thì thấy người yêu tôi đang ngồi ở một góc đường, có lẽ cô ấy không đành lòng đứng nhìn tôi khóc, nên đã lặng bỏ ra đó. Tôi bước đến, cô ấy ôm chầm lấy tôi, an ủi: "Mẹ con anh 'sến' quá, năm nay thua thì chúng ta còn năm sau". Cô ấy nói đúng, thất bại lần này là thất bại của niềm tin chiến thắng. Còn thực ra, một khi chúng ta vượt qua được Thái Lan thì chúng ta không nên tiếc dù chúng ta có thất bại trước Malaysia hay kể cả chủ nhà Lào nếu chúng ta gặp họ.
Lúc này trước mặt người yêu, tôi không còn "ướt" nữa, nhưng trong lòng tôi vẫn thấy hụt hẫng vô cùng. Nhìn những tốp người nhỏ lẻ kéo nhau ra về, nhìn những người bán hàng gom cờ xếp lại, bó những bó tre để bỏ đi... thật tội nghiệp, thật đau.
Một lúc sau tôi mới lấy lại cái gọi là "tinh thần Việt Nam" trong mình. Tôi nắm tay bạn gái bước tiếp trên những con đường mà chúng tôi đã đi sau trận thắng Singapore. Đưa cô ấy về trước phòng trọ, chúng tôi đứng lại một lúc nữa, lúc này trong đầu tôi chợt lóe lên suy nghĩ: Hãy chờ đợi thêm hai năm nữa, khi ấy chúng tôi đã ra trường, và về quê công tác, được xem trận chung kết (tất nhiên là trận đấu ấy sẽ có Việt Nam chúng ta) cùng với bố mẹ. Khi ấy, niềm vui của gia đình tôi sẽ tăng lên gấp ngàn lần khi Việt Nam vô địch. Và chứng kiến thời khắc lịch sử ấy sẽ có cả thằng cu tí của chúng tôi nữa, rồi nó sẽ yêu và hết lòng vì Việt Nam như ông bà, bố mẹ nó cũng như hơn tám mươi triệu trái tim Việt Nam. Mọi người ơi, hãy chờ đợi và nuôi niềm tin cùng gia đình nhỏ của chúng tôi nhé, hãy vững tin rằng, với lối chơi tiến bộ từng ngày, với tinh thần và niềm tin quyết thắng thì hai năm sau, chúng ta sẽ vô địch!
ngoc88ngoc@ovi.com