Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãy học người Philippines về chuyện nhập tịch cầu thủ

Tiếp dòng tranh luận của độc giả quanh vấn đề "nhập tịch cầu thủ", độc giả Chí Minh đã gửi tới những góc nhìn sắc sảo về vấn đề cầu thủ ngoại ở Việt Nam, ở Philippines và trên thế giới.

Ý kiến độc giả gửi mục Nếu bạn là chuyên gia:

Hãy học người Philippines về chuyện nhập tịch cầu thủ

Tiếp dòng tranh luận của độc giả quanh vấn đề "nhập tịch cầu thủ", độc giả Chí Minh đã gửi tới những góc nhìn sắc sảo về vấn đề cầu thủ ngoại ở Việt Nam, ở Philippines và trên thế giới.

>>Có nên nhập tịch cầu thủ ngoại cho ĐTVN?
>>Người hâm mộ 'mách nước' cho ĐTVN trước trận gặp Singapore

Hãy học người Philippines về chuyện nhập tịch cầu thủ

Với những cầu thủ "chính gốc" Philippines, kết hợp đấu pháp hợp lý, đội bạn đã gây bất ngờ trước Việt Nam (Ảnh: Getty Images)

Trong thời đại của toàn cầu hóa, của thế giới phẳng, tất nhiên bóng đá cũng chẳng thể thoát khỏi vòng ảnh hưởng của xu thế chung ấy. Ngày càng có nhiều đội tuyển quốc gia trên thế giới sử dụng cầu thủ nhập tịch. Và ở vùng trũng nhất của thế giới bóng đá như khu vực Đông Nam Á thì điều này lại càng phổ biến.

Nếu như trước đây trong trong khu vực chỉ có đội tuyển Singapore là chú trọng đến việc nhập tịch cầu thủ ngoại (nhập ồ ạt với số lượng lớn, luôn thường trực một nửa đội hình trên sân là cầu thủ nhập tịch) thì ở AFF 2010 lần này đã có thêm vài đội bóng nữa theo bước chân của người Sing.

Có thể kể ra đây là Indonesia và Philippines. Ở giải đấu năm nay, HLV Afred Riedl đã cho "trình làng" khán giả Đông Nam Á 2 cái tên mới toanh trên hàng công là Cristian Gonzáles và Irfan Bachdim. Trong đó, Cristian Gonzáles chính là cầu thủ nước ngoài đầu tiên nhập tịch trong lịch sử bóng đá Indonesia. Cú "áp phe" này thậm chí còn chỉ hoàn tất chỉ đúng 1 tháng trước thềm AFF Cup (ngày 3/11/2010). Trường hợp của Irfan Bachdim có khác đôi chút, bởi anh này không hẳn là cầu thủ nhập tịch khi mang trong người 1/2 dòng máu Indo (cha là người Indo, còn mẹ là người Hà Lan). Nhưng thực ra, cầu thủ này cũng hoàn toàn sinh trưởng, trưởng thành tại Hà Lan (từng chơi cho đội trẻ của Ajax) và mới chỉ trở về nước chưa đầy 1 năm (từ tháng 3/2010 đầu quân cho CLB Persema Malang).

Tính đến nay cả 2 cầu thủ này đều mới chỉ có 4 lần khoác áo ĐTQG. Tuy nhiên, sự có mặt của bộ đôi này đã ngay lập tức giúp sức mạnh của đội tuyển xứ Vạn Đảo tăng lên đáng kể (đến mức HLV Reidl thản nhiên loại bỏ chân sút quen tên Boaz Salossa). Sự thăng tiến ấy đã được thể hiện rất rõ qua thành tích ghi tới 11 bàn sau 2 trận đầu tiên của Indonesia. Chính Cristian Gonzáles là người nâng tỉ số lên 2-1 trong trận gặp Malaysia, mở ra một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục cho đội chủ nhà. Còn Irfan Bachdim cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi đã ghi bàn vào lưới cả Malaysia lẫn Lào.

Nếu như Indonesia chỉ có một mình Irfan Bachdim, thì mẫu cầu thủ như anh này lại rất sẵn ở ĐT Philippines hiện nay, nhờ chính sách mà LĐBĐ nước này (FFF) đã ráo riết áp dụng suốt vài năm trở lại đây. Trong nỗ lực nâng tầm nền bóng đá nước nhà, FFF đã thực hiện một dự án "chiêu hiền đãi sĩ" trên toàn thế giới. Dù vậy, điều đặc biệt là thay vì nhập tịch người nước ngoài, FFF đã tổ chức lùng sục và mời gọi tất cả những cầu thủ mang dòng máu Phillippines trên toàn thế giới trở về khoác áo ĐTQG .

Anh em nhà Younghusband (Phillips và James) là những người tiên phong đáp lại cuộc hiệu triệu này với việc bắt đầu khoác áo ĐT U23 Philippines từ SEA Games 2005. Nhờ chính sách này mà cho đến nay, chất lượng của đội tuyển bóng đá nước này cũng đã được nâng lên trông thấy.

Với 11 cầu thủ Philippines “kiều” (hầu hết đều có mẹ là người Philippines) từ khắp nơi trên thế giới (Janson de Jong từ Hà Lan, thủ môn Etheridge, anh em nhà Younghusban, Greatwich… từ Anh, Anthony Jónsson từ Iceland…) góp mặt trong đội hình đội bóng của HLV McMenemy đã lột xác từ một đội chuyên lót đường trở thành thách thức lớn với ngay cả những ông lớn của khu vực như Singapore hay Việt Nam.

Hãy học người Philippines về chuyện nhập tịch cầu thủ

Deco, Oezil, Zidane và Podolski đều là những cầu thủ nhập tịch

Thực tế, ngay cả ở những nền bóng đá đỉnh cao chuyện nhập tịch cũng khá phổ biến. ĐT Pháp phần lớn là cầu thủ gốc Châu Phi (điển hình như huyền thoại Zidane là dân Algeria di cư), ĐT Đức có nhiều cầu thủ gốc Thổ hoặc Ba Lan (Scholl trước đây, Oezil, Podolski, Borowski, Klose… hiện nay), ĐT Bồ Đào Nha thì có Deco, Liedson… là gốc Brazil, ĐT Italy có Camoranesi là gốc Argentina, Amauri gốc Brazil, ĐT Hà Lan thì gồm nhiều dân Sumerian…

Do đó, hoàn toàn có thể coi đây là xu thế phát triển chung của bóng đá thế giới trong thời đại ngày nay. Nhập tịch không có gì là xấu. Song vấn đề là nhập bao nhiêu và nhập như thế nào?

Như các ví dụ đã kể ở trên, có thể thấy với các nền bóng đá lớn thì việc nhập tịch thường chỉ diễn ra ở những nước quan hệ gần gũi về mặt lịch sử, xã hội, chứ không phải nhập bừa bãi.

Pháp gồm nhiều cầu thủ gốc Phi do trước đây khu vực này là thuộc địa của họ. Tương tự như vậy là trường hợp của Hà Lan và Sumerian, Bồ Đào Nha và Brazil. Còn Đức, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ lại là những nước láng giềng và cộng đồng người Ba Lan, người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức cũng rất đông.

Trong khi đó ở Việt Nam thì lại rất khác. Chuyện nhập tịch thường chỉ mang tính chất "ăn xổi" của các CLB. Giống như Singapore, chúng ta nhập quốc tịch một cách vô tội vạ các cầu thủ từ mọi nơi trên quả đất (Thái Lan, Brazil, Châu Phi, CH Czech..) mà chẳng cần có một chút quan hệ về văn hóa hay truyền thống nào (thậm chí có người nói tiếng Việt còn khó khăn). Hiếm hoi lắm mới có trường hợp của Kesley Alves là có vợ người Việt.

Tất nhiên, mội tập thể hỗn mang như thế không thể là đại diện cho người Việt, tinh thần Việt trong các cuộc so tài quốc tế. Hơn nữa, bản thân chính các cầu thủ nhập tịch do không có sự tương đồng về mọi mặt như văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống…nên cũng khó có thể hòa nhập với các đồng đội khi được trao cơ hội (giống như trường hợp của Phan Văn Santos trước đây).

Nên nhớ rằng, người Sing khác chúng ta. Vì xã hội của họ vốn là một xã hội mở với nhiều thành phần, ngoài ra ngôn ngữ mà họ sử dụng là tiếng Anh thứ ngôn ngữ mang tính chất toàn cầu. Hơn nữa, với những nước có dân số quá ít kiểu như Singapore thì có lẽ việc nhập khẩu tài năng nước ngoài (cả về thể thao lẫn các lĩnh vực khác của đời sống) có lẽ là cách duy nhất để phát triển đi lên.

Có lẽ chúng ta nên học tập cái cách mà người Philippines đã làm. Đó là kêu gọi nguồn lực, tinh hoa Việt trên toàn thế giới. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, người Việt dù có ở bất cứ nơi đâu cũng vẫn là người Việt, dân tộc Việt Nam là một. Chúng ta cần giang tay, tạo điều kiện, chiêu hiền đãi sĩ đưa những tài năng gốc Việt ở nước ngoài về nước để cống hiến (trước đây LĐBĐ Việt Nam cũng đã từng thử việc vài trường hợp, song nó vẫn chỉ dừng lại ở dạng riêng lẻ, tự phát chứ chưa biến thành chủ trương thực sự).

Đây là điều không chỉ cần thiết với riêng môn thể thao vua mà là còn đối với bất kì lĩnh vực nào. Khi ấy chúng ta không chỉ có được một đội tuyển mạnh, mà còn thực sự tạo ra mối đoàn kết cả dân tộc, tạo ra sợi dây liên kết người Việt trên toàn thế giới.

HLV Calisto có thể không phục người Philippines về cách chơi của họ. Nhưng rõ ràng cách làm bóng đá của họ thì quả là rất đáng để ngẫm, học hỏi!

Phan Hà Chí Minh

Theo Bưu Điện Việt Nam

Hãy chia sẻ những cảm xúc của bạn về hành trình của ĐTVN ở vòng chung kết AFF Cup 2010, niềm vui, nỗi buồn, sự tự hào, khoảnh khắc ấn tượng hay cầu thủ bạn yêu thích. Gửi cho chúng tôi tại đây.

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và gửi bài viết từ 300 chữ trở lên.

Theo Bưu Điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm