Chanel Miller. Nguồn: theguardian |
Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM và Hải Đăng Books vừa mua bản quyền, xuất bản tiếng Việt cuốn hồi ký Hãy gọi tên tôi (Know my name: A Memoir) của Chanel Miller - nạn nhân vụ án hiếp dâm gây rúng động nước Mỹ năm 2015.
Cuốn sách được giới phê bình đánh giá cao ngay khi ra mắt ở Mỹ và nằm trong danh sách Những cuốn sách đáng chú ý và Sách bán chạy nhất của tờ New York Times.
Cuốn sách cũng giành giải thưởng của Hội Phê bình sách Quốc gia Mỹ, đồng thời được bình chọn là hay nhất năm 2019 trên tờ TIME, Washington Post, Chicago Tribune, NPR và People…
Hồi ký Hãy gọi tên tôi của Chanel Miller. Ảnh Minh Châu. |
Tháng 1/2015, Chanel Miller, khi đó 22 tuổi, tham dự buổi tiệc tại trường Stanford. Cô bị tấn công tình dục trong tình trạng ngất xỉu và say xỉn, phía sau một thùng rác.
Sau đó, vì không muốn kết thúc giấc mơ viết sách cho trẻ em, Chanel Miller quyết định giấu tên thật và được tòa án bảo vệ danh tính dưới tên giả là Emily Doe.
Thủ phạm được xác định là Brock Turner, khi đó 19 tuổi, sinh viên năm thứ nhất của trường. Hắn bị bắt giam ngay sau đó.
Brock Turner bị tuyên án vào tháng 6/2016 với mức án 6 tháng tù giam, 3 năm quản chế. Nhưng chỉ sau 3 tháng, hắn ta đã được trả tự do vì cải tạo tốt.
Ngay sau khi vụ án được tuyên bố, Emily Doe - tên giả của nạn nhân - đã cho đăng Lời tuyên bố tác động của nạn nhân Emily Doe trên phương tiện truyền thông. Ngay lập tức, lời tuyên bố đó được lan truyền chóng mặt, gây choáng váng cho hàng triệu người.
Chanel Miller tại nhà riêng ở San Francisco. Nguồn: The New York Times. |
Chưa đầy 4 ngày, nó thu hút hơn 11 triệu lượt xem, được dịch ra nhiều ngôn ngữ.
Thông điệp đó cũng ảnh hưởng luật pháp liên bang California, khi thống đốc Jerry Brown ký hai dự luật, trong đó có án tù bắt buộc, cũng như mở rộng định nghĩa về tội hiếp dâm.
Thẩm phán xét xử vụ án sau đó đã bị bãi nhiệm chức vụ.
Không dừng lại ở đó, Chanel Miller còn công khai danh tính thật của mình và viết hồi ký Hãy gọi tên tôi, kể lại toàn bộ sự việc.
Mặc dù Chanel Miller có nhân chứng, vật chứng rõ ràng, cuộc đấu tranh của cô bị cô lập, áp bức, đầy tủi nhục. Thậm chí, nạn nhân phải đối mặt những tình huống xấu nhất.
Chanel Miller không chỉ đấu tranh cho bản thân, mà còn góp phần thúc đẩy sự thay đổi, đặc biệt là #Metoo - phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục tại Mỹ.
Cuốn hồi ký Hãy gọi tên tôi của Chanel Miller cũng góp phần làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về tấn công tình dục, thấu cảm với những nỗi đau của nạn nhân và gia đình, khi nói lên sự thật, cũng như quá trình tự chữa lành những tổn thương tâm lý của họ.
Nó cũng giúp những nạn nhân của tấn công tình dục tìm thêm được tiếng nói, sự đồng cảm, chia sẻ để vượt qua nỗi đau, sự tổn thương và đứng lên đấu tranh.