Chuyên gia
Ca sĩ, rapper Hà Lê gửi đến Zing bài viết bàn về sự phát triển của rap và câu chuyện rapper từ underground (thế giới ngầm) lên mainstream (thị trường chính thống).
Khi thấy King of Rap và Rap Việt lên sóng, là người gắn bó nhiều năm với cộng đồng hip hop, tôi thực sự rất vui mừng. Như nhiều nghệ sĩ cùng lứa, tôi đã chứng kiến quá trình du nhập của văn hóa hip hop vào Việt Nam. Đầu tiên chỉ là breakdance (nhảy đường phố) từ 1992, sau đó mới đến các nhánh khác, trong đó có rap.
Đến nay nhạc rap đã có lịch sử ít nhất là 20 năm trên thị trường, với nhiều thế hệ rapper. Nhưng có lẽ, tất cả đều đồng tình rằng rap đã trải qua không ít thăng trầm, cũng đã nhận về không ít điều tiếng trước khi có được vị thế của hôm nay, khi những rapper tài năng có cơ hội nổi tiếng và giàu có. Trong khi, những bạn trẻ yêu rap cũng có sân chơi để thể hiện sức mình.
LK được đánh giá là tượng đài của rap Việt. |
Rap bằng tiếng Việt là thành công của nhiều thế hệ
Nhạc rap, theo tôi, là nơi quy tụ những bộ óc tuyệt vời và đầy sáng tạo. Thị trường âm nhạc nhiều năm qua rõ ràng đa sắc hơn nhờ rap. Nhưng rap không phải thể loại khởi sinh ở Việt Nam, thay vào đó, rap đúng nghĩa là một sản phẩm du nhập.
Sự manh nha của rap Việt đến từ những người có điều kiện tiếp xúc với môi trường nước ngoài. Hay nói đúng hơn, rap đã được cất lên đầu tiên bằng tiếng Việt không phải ở thị trường trong nước. Khanh Nhỏ có thể được coi là rapper Việt đầu tiên, một người truyền cảm hứng cho rap. Nhưng người đặt nền móng và giữ vị trí như một huyền thoại của rap Việt phải là LK.
Cùng thời với LK hay sau đó, rap Việt có nhiều gương mặt nổi bật như Đạt Maniac, Việt Dragon, DSK, Wowy, Suboi… Tiếp đó là Blacka, Phúc Du hay mới hơn nữa là Ricky Star, Lăng LD.
Trải qua các thế hệ, giới rapper đã nắm bắt được sự tinh tế của bộ môn nghệ thuật. Tất cả đã cùng đưa rap từ một thể loại không sinh ra ở Việt Nam nhưng vẫn có chất Việt. Việc sử dụng tiếng Việt trôi chảy trong rap chính là thành quả của sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ các thế hệ anh em.
Rap Việt giờ đã vươn khỏi nền móng ban đầu, cả về kỹ thuật, cách xây dựng hình ảnh lẫn môi trường. Các rapper trẻ hiện nay không còn là rapper đơn thuần trong cộng đồng underground. Họ thực sự đã có đủ khả năng để trở thành một nghệ sĩ tiệm cận quốc tế. Mỗi người đều có những màu sắc riêng, không còn bị ảnh hưởng lẫn nhau nặng nề.
Hơn cả, nhiều rapper đã có đời sống tốt. Họ có những show diễn, có những hợp đồng quảng cáo, là đại sứ của nhãn hàng. Họ cũng có những MV đầu tư, có các đơn vị muốn tài trợ. Họ biểu diễn trên truyền hình, họ ngồi ghế nóng game show. Ngắn gọn, là nổi tiếng và kiếm được tiền từ nghề.
Đen Vâu thành công sau khi từ underground chuyển sang thị trường chính thống. |
Đừng trách khi Đen Vâu, Binz kiếm được tiền và giàu có
Không thể phủ nhận là rap đang phát triển và các rapper có nhiều điều kiện về thu nhập và cuộc sống tốt. Nhưng có một thực tế ở nhạc Việt là một bộ phận khán giả underground vẫn khó chấp nhận sự nổi tiếng của những rapper nói riêng và nghệ sĩ xuất thân underground nói chung.
Karik từng bị phản ứng khi đi lên mainstream cũng xuất phát từ nguyên nhân ấy. Nhiều rapper khác cũng bị cho là mất chất khi “lấn sân” showbiz. Không ít fan ruột của underground mong muốn các rapper chỉ tồn tại trong “thế giới ngầm”. Khi nghệ sĩ underground chọn ra “biển lớn”, đồng nghĩa họ bị tẩy chay.
Nhưng có thể nhiều người quên mất rằng không ít huyền thoại âm nhạc thế giới cũng đi lên từ underground, rapper Eminem là một ví dụ. Và ở Mỹ, có những rapper xuất thân underground đã trở thành tỷ phú USD. Họ trở thành những gương mặt mainstream và thương mại hơn bất cứ ai trong showbiz. Đó là điều mà các rapper Việt cần thiết học hỏi.
Đẳng cấp nghệ sĩ không nằm ở việc bạn ở underground hay mainstream. Không có sự hợp lý nào để giải thích cho khái niệm “mất chất” khi thay đổi môi trường. Mà thực tế, underground hay mainstream cũng không hẳn là môi trường.
Đúng hơn, đó là câu chuyện của tư duy âm nhạc. Underground là khi bạn thích gì làm ấy, bạn hài lòng với công việc và đời sống của mình, đôi khi bạn không phải nghĩ quá nhiều.
Nhưng mainstream thì khác. Khi bạn đến với thị trường chính thống, bạn phải làm việc chuyên nghiệp, bạn phải tạo ra những ý tưởng. Thậm chí nếu muốn trở thành tỷ phú, bạn cần phải có cả đầu óc thương mại. Nhưng không đồng nghĩa bạn thay đổi phong cách, bạn cần duy trì đẳng cấp rap của mình và kiên định với đường hướng đã chọn.
Underground là thị trường tự phát, không có trao đổi mua bán chất xám. Nhưng khi lên thị trường chính thống, bạn cần có ê-kíp để hỗ trợ những giao dịch thương mại. Hơn cả, ê-kíp là cách giúp bạn đi xa hơn.
Thị trường nhạc Việt sẽ không thể phát triển nếu vẫn cố hữu tạo ra khoảng cách giữa underground và mainstream. Hãy để các rapper như Đen Vâu, Binz có cơ hội được nổi tiếng và giàu có, trở thành tỷ phủ bằng âm nhạc. Đừng trách họ khi họ kiếm được tiền, có cuộc sống tốt. Chỉ nên trách họ khi âm nhạc của họ tệ đi. Còn khi họ giàu có, tiếng tăm, đó là niềm tự hào của cộng đồng âm nhạc.
Sơn Tùng M-TP cũng từng là một rapper, cũng từng đi lên từ underground. Nay, Sơn Tùng đã trở thành nghệ sĩ giải trí và nghệ sĩ thương mại số một của thị trường. Thành công của Sơn Tùng rõ ràng là minh chứng cho sự hiệu quả của hoạt động âm nhạc trong thị trường chính thống.
Đánh giá một rapper, một nghệ sĩ nên xem họ đi đường dài bao lâu, có những sản phẩm như thế nào thay vì soi xét chuyện họ đang là underground hay mainstream. Underground bơm chất cho thị trường và ngược lại, thị trường cũng đẩy underground lên. Đó mới chính là bản chất của hai khái niệm.
Hà Lê nhận định rap sẽ đạt đỉnh vào 3 năm tới. Ảnh: Tùng Đoàn. |
King of Rap và Rap Việt không phản ánh toàn bộ thị trường
King of Rap và Rap Việt là những sân chơi tốt để đưa các rapper từ “thế giới ngầm” đến với thị trường chính thống. Việc nhiều rapper đã được cộng đồng underground biết đến nhưng vẫn tham gia cuộc thi cũng cho thấy thực tế là không ít tài năng trẻ muốn có cơ hội nổi tiếng và hoạt động mạnh mẽ trên thị trường. Đó là tín hiệu tích cực.
Những màn dự thi ở cả hai game show cũng phản ánh giá trị rất nguyên thủy của văn hóa rap. Bởi lẽ, rap lúc đầu là những câu chuyện của hòa bình, của đoàn kết, của tình yêu, niềm vui và hạnh phúc. Người da màu đã tạo ra giá trị như vậy cho rap.
Tất nhiên, sau đó, rap có hình ảnh của rượu, của cả băng đảng, của chất cấm, của súng. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác của rap Mỹ.
Các rapper Việt nhìn chung cũng có những đại diện của rap tăm tối. Nhưng suy cho cùng, rap là sự chân thật. Giới trẻ Việt hiện nay được sống trong môi trường lành mạnh, trong tình yêu và cuộc sống. Rap do vậy cũng phản ánh những điều đó, qua góc nhìn đa dạng của từng rapper trẻ.
Cũng có người than là Rap Việt và King of Rap chủ yếu xoay quanh chủ đề tình yêu, tình yêu và tuổi trẻ nhiều quá mà thiếu vắng đi sự gai góc thường thấy của rap. Nhưng việc gì phải cố gắng tạo ra sự gai góc, tăm tối khi mà tình yêu cũng là những câu chuyện rất hấp dẫn và có thể đưa rap đến với số đông khán giả.
Tất nhiên, cả Rap Việt hay King of Rap đều không phản ánh toàn bộ diện mạo rap của thị trường. Khi rap lên truyền hình, buộc các rapper phải tạo ra những sản phẩm phù hợp với thuần phong mỹ tục, với đa dạng khán giả thuộc nhiều lứa tuổi xem tivi. Ngôn từ do vậy không thể quá tự do, thoải mái hay công kích lẫn nhau.
Bên cạnh sóng truyền hình, khi đi vào sâu trong môi trường rap, giới rap vẫn tồn tại những rapper theo đuổi battle (rap chiến) hay rap diss (rap công kích). Đó cũng là một phần trong rap không thể phủ nhận và vẫn tồn tại theo cách riêng.
Nhưng cũng phải nói rằng rap diss thời gian gần đây cũng không còn phát triển như trước. Các anh em rapper nhìn chung đang thực sự tập trung phát triển sự nghiệp của mình hơn là sa đà vào những tranh cãi, công kích.
"Diss" vẫn là câu chuyện muôn đời trong rap nhưng những hiềm khích đã ít dần trong sự trỗi dậy mạnh mẽ của rap/hip hop trên thị trường chính thống. Dù vậy, phải công nhận rằng có một thời công kích và sôi động trong "thế giới ngầm" như thế, rap mới có cơ hội phát triển và tung hoành như hiện tại.
Sau thời gian ươm mầm, thành cây, ra nụ, năm 2020, rap như bông hoa đang nở. Sự thành công của nhiều rapper và sự lan tỏa của hai cuộc thi rap cho thấy rất rõ điều đó. Nhưng theo tôi, vẫn phải đợi thêm một vài năm nữa để rap thực sự đạt đỉnh và định hình rõ nét sức ảnh hưởng trên thị trường.
Hà Lê, tên thật là Lê Vĩnh Hà, sinh năm 1984. Anh là một trong những gương mặt nổi bật của cộng đồng hip hop Việt. Hà Lê là một rapper chuyên kết hợp rap với nhảy tự do khi biểu diễn.
Từ năm 2019 đến nay, Hà Lê đặc biệt thành công và được giới chuyên môn đánh giá cao với dự án làm mới nhạc Trịnh. Với album Ở trọ, anh đưa nhiều chất liệu âm nhạc như hip-hop, R&B, world music, reggae, dream-pop... vào các sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Đầu tháng 9 vừa qua, Hà Lê vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký như Phan Mạnh Quỳnh, Hoàng Thùy Linh, Erik... khi chiến thắng hạng mục Ca sĩ ấn tượng của năm tại VTV Awards 2020.