Giới chức trách Hawaii kêu gọi người dân hạn chế sinh hoạt ngoài trời trong những khu vực có hiện tượng mây acid được sinh ra khi dung nham núi lửa Kilauea gặp nước biển.
Núi lửa Kilauea tại Hawaii bắt đầu phun trào từ ngày 3/5. Hơn 40 căn nhà và các công trình công cộng đã bị dung nham thiêu rụi. Ảnh: AP.
Chất lượng không khí tại các khu vực xuất hiện khe nứt địa chất đang trong tình trạng báo động. Mức độ khí lưu huỳnh dioxide tăng gấp 3 lần kể từ khi núi lửa Kilauea "bùng nổ" gần 2 tuần trước. Ảnh: AP
.
Hiện tượng hơi nước sinh ra khi dung nham tiếp xúc với nước biển được gọi là "mây mù dung nham", gồm khí acid hydrocloric
và các tinh thể thủy tinh trộn lẫn vào không khí. Giới chức Hawaii ngày 20/5 đã cảnh báo người dân tránh tiếp xúc với mây acid để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: AP.
Trong thời gian tới, hiện tượng mây acid sẽ lan rộng trong phạm vi 15 km về hướng tây nam tính từ điểm dung nham đổ ra biển, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Các nhà khoa học cho biết khí acid và các tinh thể thủy tinh trong hơi nước có thể gây dị ứng da, viêm mắt và suy hô hấp. Ảnh: Getty
.
Khu dân cư Leilani Estates là một trong những nơi đầu tiên có khe nứt địa chất và dung nham phun trào. Một số người dân địa phương ngày 9/5 đã quay trở lại khu vực để khảo sát thiệt hại sau khi dòng dung nham đi qua. Ảnh: Getty.
Greg Chunn, một người dân tại Leilani Estates, ghi lại hình ảnh dòng dung nham chảy qua sân nhà hàng xóm. Ảnh: USA Today.
Người dân tại những nơi chưa xuất hiện dung nham vẫn sinh hoạt bình thường. Sân golf ở khu dân cư Volcano, giữa quận Puna và quận Ka'u thuộc Hạt Hawaii, ngày 15/5 vẫn mở cửa hoạt động. Ảnh: Getty.
Doug Ralston, một người dân địa phương, vẫn bình thản chơi golf vào sáng 22/5 khi tro bụi phun trào từ đỉnh núi lửa Kilauea. Cơ quan du lịch Hawaii nhấn mạnh phần lớn diện tích đảo chính không chịu ảnh hưởng bởi núi lửa và các hoạt động vui chơi giải trí vẫn mở cửa đón du khách như bình thường. Ảnh: AP.
Chuyên gia Wendy Stovall của USGS cho biết mây acid sản sinh bởi dung nham có mức độc hại không kém gì acid trong pin. Chính quyền Hawaii đã cấm tàu bè hoạt động trong bán kính 300m quanh địa điểm dung nham đổ ra biển. Ảnh: Getty.
Trong những ngày qua, dung nham từ sườn phía đông miệng núi lửa bắt đầu chảy với tốc độ nhanh hơn và lưu lượng lớn hơn. Các nhà khoa học cho biết, đợt dung nham đầu tiên là phần còn sót lại từ lần phun trào núi lửa năm 1955, bị tích tụ lại dưới lòng đất hơn 6 thập niên qua. Ảnh: AP
Chính quyền địa phương đã di tản hơn 2.000 người. Hiện USGS chưa rõ khi nào núi lửa mới ngưng hoạt động. Ngày 22/5, núi lửa Kilauea lại có thêm một đợt phun trào nhỏ tạo ra một cột tro bụi cao đến 2.134 m. 20 khe nứt địa chất xuất hiện trong khu vực gần ngọn núi lửa, gồm 4 khe nứt đã "hợp dòng".
Ảnh: Getty.
Thống đốc Hawaii David Ige cho biết các cơ quan chức năng đang giám sát chặt chẽ mọi diễn biến, đảm bảo an toàn cho người dân. 300 dân thường vẫn còn ở trong các khu tị nạn. Ảnh: Getty.
Trong tuần qua, quần đảo Hawaii hứng chịu hàng loạt vụ động đất và phun trào núi lửa xảy ra liên tiếp. Hàng trăm người đã phải sơ tán khỏi nơi cư trú dưới tác động của thiên tai.
Một trận động đất mạnh 6,9 độ vừa xảy ra tại Hawaii, chỉ một ngày sau khi núi lửa Kilauea phun trào. Hòn đảo hiện trong trạng thái báo động cao và người dân được yêu cầu đi sơ tán.