Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu vận thê thảm của 'ông hoàng phong lưu' xứ Tiền Giang

Ăn chơi nhất xứ Nam Kỳ những năm 1920 - 1930 phải kể đến 2 nhân vật nổi đình nổi đám là Hắc Công Tử và Bạch Công Tử.

Nhưng trong khi Hắc Công Tử vẫn duy trì được cuộc sống phong lưu xa hoa cho tới lúc chết, chỉ đến đời hậu thế mới phải chịu cảnh khánh kiệt, thì Bạch Công Tử đã phải nếm trải cảnh “lên voi, xuống chó” từ khi còn khá trẻ. 

Những ngày cuối đời bên bàn đèn thuốc phiện cộng với hệ lụy từ đam mê tửu sắc đã khiến “ông hoàng phong lưu” một thuở rơi vào cảnh bi thảm, đến chết không mảnh đất chôn thây.

Ông hoàng giữa Paris tráng lệ

Thời ấy, cha của Bạch Công Tử là ông Đốc phủ Lê Công Sủng, người làng Điểu Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 3, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nổi tiếng giàu có tột bậc và có thế lực trong vùng. 

Năm 1909, ông Đốc phủ Sủng được cử đi dự hội chợ bên Pháp. Trong chuyến đi ấy, ông Sủng đã gửi gắm cậu con trai quý tử Lê Công Phước đi du học sang Pháp với mong muốn sau này trở về sẽ làm rạng danh dòng tộc. 

Nhưng ông không ngờ, khi sang bên kia trời Tây, cậu Tư Phước như “chim sổ lồng” chỉ lo thỏa chí ăn chơi, mải mê yêu đương. Vì thế, gần 40 năm sau ngày Đốc phủ Sủng qua đời, gia sản kếch xù ông để lại cho cậu thừa kế cũng lần lượt đội nón ra đi.

Ông Sáu Hiệp - con của ông Nguyễn Hoàng Phi (từng là tài xế cho cậu Phước.
Ông Sáu Hiệp - con của ông Nguyễn Hoàng Phi (từng là tài xế cho cậu Phước).

Trong dòng hồi ức qua những câu chuyện được cha là ông Nguyễn Hoàng Phi (từng là tài xế cho cậu Phước) kể, ông Sáu Hiệp còn nhớ: “Sau khi ông Đốc phủ Sủng mới mất, để thỏa chí ăn chơi, trong túi tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh, cậu Tư đã cùng với gánh hát Phước Cương qua Pháp biễu diễn. Cậu đem theo một đầu bếp riêng để qua bên đó nấu ăn cho cậu nhưng chỉ duy nhất bữa trưa. Bởi các bữa ăn còn lại đều được diễn ra ở những nơi sang trọng nhất Paris”.

Tại Paris hoa lệ, cậu Tư kết thân với giới quý tộc ở Pháp và nhờ đó, phong cách ăn chơi của cậu cũng rất “châu Âu”. Trong suốt hai năm từ 1931 - 1932, cậu Tư được giới ăn chơi quý tộc ở Pháp tôn sùng là ông hoàng và gọi bằng cái tên rất Tây: George Phước.

Tỏ ra là một tay chơi thời thượng và đẳng cấp, George Phước thuê một phòng đặc biệt tại khách sạn ở trung tâm Paris để ở dài hạn. Mỗi ngày, cậu Tư mặc một bộ quần áo khác nhau được may từ loại vải đắt tiền nhất ở Pháp lúc bấy giờ để không phải đụng hàng, phong cách rất đậm chất quý tộc với chiếc nón Flécher, tay cầm ba - ton bằng gỗ mun bịt vàng, điếu xì-gà và khoác lên mình chiếc áo choàng bằng da thú vào mùa đông. 

Tối đến, George Phước lại cùng những người bạn Việt tại Pháp và giới quý tộc đến nhà hàng Table des Mandarins danh tiếng ăn nhậu, rồi cùng nhau lả lướt trên từng bước nhảy đầm… George Phước là vị khách quen tại các hộp đêm khu Montmartre, Saint Germain des Pres, Champs Élysée…

Hai năm trên đất Pháp, những thắng cảnh nổi tiếng không một nơi nào thiếu vắng dấu chân của “ông hoàng”. Đó là dãy núi Alpes tuyết phủ trắng xóa hay những bãi biển tuyệt đẹp bên bờ Địa Trung Hải thuộc nước Pháp như Canne, Nice… 

Thời gian ăn chơi trên đất Pháp, những mảnh đất cả đời ông Phủ Sủng cất công gây dựng cũng theo gót chân Bạch Công Tử không cánh mà bay. Cuối năm 1932, sau những tháng ngày ăn chơi bạt mạng dường như đã thỏa chí, cậu Tư quyết định rời khỏi xứ Paris tráng lệ để quay về cố hương.

Kiểu bán đất có một không hai

Cho đến tận bây giờ không ai nhớ rõ có bao nhiêu mỹ nhân từng được Bạch Công Tử “sủng ái”, nhưng cái tên luôn được người đời nhắc đến song hành cùng với ông chính là cô đào Phùng Há. Bà cũng là người phụ nữ duy nhất có thể trói đôi chân của “ông hoàng phong lưu” Lê Công Phước suốt quãng thời gian chưa thể gọi là dài nhưng lại đủ sức nặng khiến ông suy sụp sau khi mối tình này tan vỡ.

Sau 2 năm ngao du trên đất Pháp trở về, Lê Công Phước đã phải lòng cô đào Phùng Há. Để có thể chiếm trọn trái tim của người đẹp, Bạch Công Tử đã bỏ tiền thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ mà Phùng Há làm đào chính, đi lưu diễn khắp miền lục tỉnh. 

Thời ấy, phương tiện đi lại giữa miền đất khắp bốn bề sông nước chủ yếu là bằng xuồng ghe. Nhưng khác với đám dân đen đi lại bằng ghe bầu, những đại điền chủ giàu có miền Tây sẵn sàng sắm chiếc ca nô để ngao du miệt sông. 

Chỉ riêng Tư Phước từng được đi du học ở bên Pháp nên ít nhiều có sự tiếp thu Tây hóa. Ông đã cho người đóng chiếc ghe bầu loại lớn giống như chiếc du thuyền, di chuyển bằng động cơ nhập từ Pháp, cao hai tầng, có phòng ngủ riêng của từng người, gian ăn uống, khu câu cá giải trí, nhà vệ sinh. Ở trên “du thuyền” còn được lắp đèn điện sáng cả một vùng mỗi lần chiếc ghe đi qua.

Vốn là người phóng khoáng, nên trong chuyện tiền bạc Bạch công tử lại chưa bao giờ có sự “cân đong đo đếm” thiệt hơn. Trong việc kinh doanh gánh hát cũng không ngoại lệ, khi cậu phó thác chuyện lời lỗ mỗi đêm diễn cho người quản lý. Chỉ cần kẻ hầu thưa chuyện, vé diễn bán ế ẩm không đủ tiền trả cho gánh hát, cậu Tư về nhà bán đất, lấy tiền bù lỗ. 

Cách bán đất của Bạch công tử có lẽ “trần đời có một”: Không bao giờ đo diện tích mà bán theo “mớ”. Người mua chỉ cần đem tiền đến rồi lấy đất, nếu cảm thấy chưa vừa lòng thì cậu Tư sẽ cho thêm một “mớ” nữa. Chính vì vậy, người mua thường lời 4 - 5 lần sau mỗi lần giao dịch với Bạch Công Tử.

Chết không có đất chôn

Chỉ vì quá tin tưởng người quản lý của gánh Huỳnh Kỳ mà đến chuyện lời lãi thế nào, Bạch Công Tử cũng không hề hay biết. Sau này, cậu Tư không còn đất bán để lấy tiền bù lỗ như trước đây. Dần dần, vì không có tiền trả cho gánh hát, mọi người lần lượt ra đi, duy chỉ có cô đào Phùng Há là ở lại với cậu Tư. 

Thế nhưng, dù thời thế có xoay chuyển thì Bạch Công Tử vẫn mải mê bên những người đẹp, để mặc Phùng Há lúc này đã có con chung với cậu một mình chơ vơ trên chiếc ghe mỗi đêm.

Tài sản trong nhà đã hết, nhưng nhờ những người bạn được đối đãi tốt trước đây giúp đỡ, cậu Tư vẫn có thể vùi mình thâu đêm trong những trò ăn chơi trác táng. Vì không chịu đựng được thói ăn chơi vô độ của Bạch Công Tử, Phùng Há dứt tình ra đi. 

Nhờ ông Nguyễn Hoàng Phi - người em nuôi và cũng là tài xế chở cậu Tư đi khắp miền lục tỉnh ngày ấy - thương tình đã lên tận Sài Gòn tìm đến căn nhà trọ nơi Bạch Công Tử nằm chờ chết đem về nhà chăm sóc. 

Năm 1950, cậu Tư qua đời tại Chợ Gạo (Tiền Giang). Lúc sinh thời, cậu nổi đình nổi đám, lúc nằm xuống thì lặng lặng u sầu. 

“Đám tang của cậu Tư ngày ấy chỉ có gia đình tôi và một vài người bạn thân cận lúc còn sống của Bạch Công Tử, không có sự xuất hiện của người tình hay giai nhân nào. Hồi đó, cha tôi có ý định đem xác về bên ngoại cậu Tư để chôn cất, nhưng người ta bảo không chấp nhận đứa cháu phá gia nên không còn cách nào khác, cha về đem cậu Tư chôn ở trên phần đất nhà tôi”, ông Sáu Hiệp bùi ngùi nhớ lại.

Bây giờ về ấp Thạnh Khiết, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hỏi thăm mộ phần của Bạch Công Tử ai cũng biết. Mộ của cậu Tư nằm lọt thỏm, khiêm tốn giữa những rặng dừa bạt ngàn, xung quanh lác đác vài tán lá khô càng gợi lên nỗi hiu quạnh.

Nhìn nấm mộ ghi “Bạch Công Tử - George - Lê Công Phước”, ít ai ngờ rằng đây là nơi an nghỉ của một con người từng vang danh ông hoàng ở Paris tráng lệ, nổi đình nổi đám ở vùng đất trù phú bên bờ sông Tiền ngày ấy.

http://khampha.vn/tin-nhanh/hau-van-the-tham-cua-ong-hoang-phong-luu-xu-tien-giang-c4a178966.html

Theo Khám Phá

Bạn có thể quan tâm