Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Hậu trường 36 năm đấu trí ở Washington

Hai ông Joe Biden và Mitch McConnell đều chinh chiến qua nhiều năm bế tắc ở Quốc hội Mỹ. Giờ đây, khi đều là "đầu tàu" ở hai đảng, họ có thể thúc đẩy Washington vận hành tốt hơn?

Hai ông Joe Biden và Mitch McConnell đều chinh chiến qua nhiều năm bế tắc ở Quốc hội Mỹ. Giờ đây, khi đều là "đầu tàu" ở hai đảng, họ có thể thúc đẩy Washington vận hành tốt hơn?

Ông Mitch McConnell đắc cử thượng nghị sĩ vào năm 1984, muộn hơn ông Joe Biden đến 11 năm. 36 năm qua, hai ông trở thành cặp đôi điển hình cho thấy sự vận hành chính trị thâm sâu ở Washington, qua những màn đấu trí và thỏa hiệp.

Lần cuối mà ông Joe Biden và ông Mitch McConnell đối đầu, vào những ngày cuối tháng 12/2012, ông Biden là người “chớp mắt” trước.

Khi đó, hai chính trị gia lão luyện của Washington đứng ở hai phía đối nghịch, khi nước Mỹ phải đối mặt với “bờ vực ngân sách” (fiscal cliff).

Nếu không có thay đổi gì, ngày 31/12/2012 sẽ là ngày mãn hạn luật cắt giảm thuế của cựu Tổng thống George W. Bush, và một luật khác nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách.

Hệ quả là thuế sẽ tự động tăng và ngân sách buộc phải cắt giảm sâu, có thể khiến ngân sách năm sau đó giảm tới 700 tỷ USD. Đây đều là những thay đổi nghiêm trọng có thể làm chao đảo nền kinh tế Mỹ vẫn đang hồi phục sau suy thoái.

tinh ban giua ong joe biden va mitch mcconnell anh 1

Ông Biden (phải) ngồi cạnh các lãnh đạo hai viện Quốc hội, bao gồm ông Mitch McConnell (thứ hai từ trái) trong một buổi lễ năm 2013 ở Washington. Ảnh: Getty Images.

Đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Thượng viện nỗ lực đàm phán để tránh điều này. Thượng nghị sĩ Dân chủ Harry Reid, khi đó là lãnh đạo phe đa số, sẵn sàng để kịch bản thành hiện thực (để thuế tự động tăng), và sau đó có thể đàm phán ở “cửa trên” với ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa và chủ trương tiếp tục giảm thuế.

Nhưng Nhà Trắng thời Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden khi đó lại lo ngại kịch bản “gây sốc” như vậy có thể làm thị trường chứng khoán chao đảo, dẫn đến suy thoái kinh tế.

Cuối cùng, trong một nước cờ táo bạo, ông Biden thay mặt Tổng thống Obama đích thân đứng ra đàm phán với ông McConnell và đảng Cộng hòa, làm lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid tức giận.

Hai bên đi đến thỏa hiệp, trong đó các gói giảm thuế của thời Bush được duy trì, và chỉ tăng thuế nhẹ 1,8% đối với tầng lớp thu nhập cao nhất.

Đó là thỏa hiệp làm “đẹp lòng”, giữ được thể diện cho đôi bên.

Ông McConnell có thể tuyên bố đã đem về chiến thắng cho các nghị sĩ Cộng hòa, rằng “trong một chính phủ do đảng Dân chủ kiểm soát, mà chúng ta vẫn giữ được 99% gói giảm thuế của thời Bush”.

Còn ông Biden cũng cảm thấy vẻ vang. Sau này, tại một cuộc tranh luận tháng 6/2019, ông nói “tôi đã buộc Mitch McConnell phải tăng thuế 600 tỷ USD cho những người giàu nhất”.

Đó là những ngày “kịch tính” của Washington 8 năm về trước mà cả ông Biden và ông McConnell cùng đóng vai chính.

Giờ đây, một lần nữa họ tiếp tục là đầu tàu của đảng mình, và sẽ lại bước vào những ván cờ đấu trí mới trong mối quan hệ dài 36 năm trên chính trường Mỹ.

“Cán cân” quyền lực hiện giờ có phần tương tự năm 2012. Một lần nữa, đảng Dân chủ nắm quyền lực áp đảo, kiểm soát Nhà Trắng, Hạ viện và Thượng viện.

Nhưng theo bình luận của Politico, với thế đa số khá sát nút - Thượng viện có 50 nghị sĩ Dân chủ, 50 nghị sĩ Cộng hòa - đảng Dân chủ vẫn sẽ phải “đổi chác, thương lượng từng ổ bánh mì một” với đảng Cộng hòa, nhất là trong những vấn đề đòi hỏi ít nhất 60 phiếu để phá vỡ thế "câu giờ" ở Thượng viện.

Thành bại của Tổng thống Joe Biden sẽ phụ thuộc vào khả năng thuyết phục Thượng viện trở lại vai trò một cơ quan cố gắng thỏa hiệp, thông qua luật, tạo thay đổi tích cực, thay vì chỉ chống đối đảng phái như những năm qua.

tinh ban giua ong joe biden va mitch mcconnell anh 2

Các đồng minh của ông Biden đang lập luận rằng bản thân người dân Mỹ cũng đang trông đợi các nghị sĩ của họ thỏa hiệp với nhau, sau cả thập kỷ đấu đá đảng phái.

Họ cũng nói cử tri sẽ trừng phạt các nghị sĩ Cộng hòa vào bầu cử giữa kỳ 2022 nếu tỏ ra là phe ngáng đường, nhất là giữa khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.

Ông McConnell nắm “trong lòng bàn tay” các quy tắc vận hành của Thượng viện. Ông nổi tiếng với khả năng “dìm” nghị trình của Nhà Trắng (thời Obama), nên sẽ là nhân vật then chốt đối với tham vọng của ông Biden.

Dù giờ đây trở thành lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, ông McConnell vẫn như trụ cột của đảng Cộng hòa ở Washington.

Nhưng ông McConnell không có quyền lực tối thượng.

Ngay cả khi muốn đàm phán với ông Biden, ông có thể vấp phải phản đối từ phe trung thành với cựu Tổng thống Trump trong chính đảng của mình. Hiện ông McConnel cũng đối mặt chỉ trích vì lên án cựu tổng thống “kích động” bạo lực.

Trong thời đại “siêu chia rẽ” hiện nay, việc cố gắng thỏa hiệp, “tìm mẫu số chung” với đảng Dân chủ có thể khiến các thượng nghị sĩ Cộng hòa thất thế vào các năm bầu cử tới (2022 và 2024). Một số người ngay từ bây giờ đã thể hiện sự chống đối quyết liệt với nghị trình của chính quyền Biden.

Sau cùng, có những ý kiến cho rằng nên hạ thấp kỳ vọng.

Jason Furman, cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama và thỉnh thoảng góp lời khuyên cho ông Biden, nói với Politico: “Tôi không chắc là họ có thể đạt thành tựu lớn cùng nhau, nhưng tôi nghĩ họ có thể hợp tác để giữ cho chiếc xe vẫn chạy”.

Ông Furman cho rằng ông McConnell có thể là đối tác trong những vấn đề cơ bản: thông qua ngân sách đúng thời hạn, không lấy ngân sách hay trần nợ làm “con tin” để đàm phán, và các vấn đề khác liên quan tới điều hành chính phủ.

“Nhiều vấn đề có thể vượt trên sự chia rẽ đảng phái”, một cố vấn cao cấp trong Nhà Trắng của ông Biden nói với Politico, như chi tiêu cho hạ tầng hay bao phủ Internet băng thông rộng.

tinh ban giua ong joe biden va mitch mcconnell anh 3

Trái: Ông Mitch McConnell khi vừa đắc cử vào Thượng viện, ảnh chụp ngày 26/11/1984. Phải: Thượng nghị sĩ Joe Biden, ngày 29/4/1984. Ảnh: AP.

“Bạn bè” trong chính trị Washington không giống “bạn bè” bình thường. Những trường hợp đặc biệt như các thượng nghị sĩ Ted Kennedy và John McCain thực sự có quan hệ cá nhân xuyên đảng phái.

Nhưng đa phần, mối liên hệ lớn nhất giữa các thượng nghị sĩ lâu năm như ông Biden và ông McConnell là họ cùng thuộc một “câu lạc bộ” riêng, có những quy định riêng phải tôn trọng - mà người mới vào chính trường như ông Trump hay ông Obama (khi đắc cử) khó hiểu hết.

Ông Biden vào Thượng viện năm 1973. Ông McConnell vào Thượng viện sau chiến thắng bất ngờ ở Kentucky năm 1984, cùng năm ông Biden chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba.

Dù sinh ra chỉ cách nhau 9 tháng, và cùng đam mê với lịch sử của Thượng viện, hai ông không quá gần nhau trong 24 năm cùng làm thượng nghị sĩ, theo các cố vấn của hai người.

“Họ đều là các chính trị gia giỏi, nhưng họ là những chính trị gia khác hẳn nhau, ngay từ đầu”, Janet Mullins Grissom, quản lý chiến dịch năm 1984 của ông McConnell, một trong những nữ chánh văn phòng đầu tiên của ông, nói với Politico.

Ông Biden nói nhiều, trong khi ông McConnell ít nói. Ông Biden có phong cách thân mật và nụ cười của một người bán hàng giỏi, trong khi ông McConnell có sự nghiêm túc, toan tính của một người tham vọng leo nấc thang quyền lực.

Ông Biden là người muốn lấy lòng, làm người khác vui, trong khi ông McConnell đôi lúc còn thích thú khi bị chỉ trích, thậm chí trang trí văn phòng với tranh biếm họa tiêu cực trên báo chí về mình.

Ở trường, ông Biden như một “hot boy”, chơi thể thao, chủ tịch hội sinh viên, còn ông McConnell giống một người “mọt sách” hơn, theo Politico.

Nhưng các cố vấn cũng chỉ ra rằng hai ông đều khá linh hoạt trong lập trường. Cả hai đều tương đối trung dung trong đảng.

Chẳng hạn, năm 1984, ông Biden ủng hộ việc giới hạn mức nợ công (chủ trương “ưa thích” của người bảo thủ), còn ông McConnell muốn kêu gọi sự ủng hộ từ công đoàn và người ủng hộ quyền lựa chọn phá thai (vấn đề quan trọng của cử tri Dân chủ hiện nay).

“Họ đều dịch chuyển lập trường của mình”, bà Janet Mullins Grissom, quản lý chiến dịch năm 1984 của ông McConnell, nói với Politico.

"Như thể họ luôn dùng ngón tay để 'bắt mạch' xem trung tâm của đảng mình đang dịch về hướng nào - hai đảng đã dịch ngày càng xa nhau - và luôn chọn lập trường ở chính giữa đó", theo bà Mullins.

Giờ đây, ông Biden đang kêu gọi chi tiêu công mạnh tay, bất chấp thâm hụt ngân sách, để đối phó với khủng hoảng. Còn ông McConnell mạnh tay hơn bất cứ chính khách nào trong việc giảm quyền lựa chọn phá thai - bằng cách thúc đẩy phê chuẩn nhiều thẩm phán bảo thủ.

Một trải nghiệm chung nổi bật trong sự nghiệp của cả hai nghị sĩ là đấu tranh trong vấn đề tư pháp.

Thời kỳ ảnh hưởng lớn đến cả hai là năm 1987, khi cựu Tổng thống Ronald Reagan đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao Robert Bork.

Thời đó, các thượng nghị sĩ quan niệm mình chỉ có vai trò “cố vấn và chấp thuận” đối với đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao: chỉ dựa vào sự uyên bác, uy tín, liêm chính của người được đề cử trong ngành luật.

Họ quan niệm không thể đòi hỏi thẩm phán phải cùng tin theo chính kiến của họ - đây cũng là quan điểm của ông McConnell. Theo tiêu chí này, ông Bork là ứng viên tuyệt vời.

Nhưng nhiều người Dân chủ cho rằng Tổng thống Reagan đang muốn lợi dụng cơ hội để đưa thẩm phán bảo thủ vào Tòa Tối cao. Họ phản đối ông Bork, không phải vì trình độ, mà vì quan điểm của ông.

Nhận thấy vấn đề này dần “cháy lên” trong cử tri Dân chủ, các Thượng nghị sĩ Ted Kennedy và Joe Biden có những phần phát biểu và chất vấn kịch liệt dành cho ông Bork, mô tả ông Bork có quan điểm cực đoan về vấn đề phá thai và các biện pháp tránh thai.

Mục tiêu của ông Biden là giữ nguyên lập trường chung trong Tòa án Tối cao bấy giờ, là nghiêng về cánh tả, theo cố vấn pháp lý của ông thời đó.

Nỗ lực trên góp phần vào thất bại của ông Bork - và vi phạm hẳn nguyên tắc “chỉ cố vấn và chấp thuận” của Thượng viện đối với đề cử thẩm phán.

Điều đó làm ông McConnell nổi giận.

Ra trước Thượng viện tháng 10/1987, ông McConnell nói thẳng rằng nếu đó là cách mà Thượng viện đối xử với đề cử thẩm phán, thì “tôi cũng có thể chơi khá thực dụng”.

Ông Biden sau này nhìn lại, cũng nhận ra chính ông đã thay đổi cách mà Thượng viện tiếp cận các đề cử thẩm phán.

“Không có nhiều khoảnh khắc trong sự nghiệp Thượng viện 34 năm của tôi mà tôi cảm thấy mình đã thay đổi hẳn hướng đi của cơ quan này, nhưng khi kết thúc bài phát biểu đó (về ông Bork), tôi đã cảm giác như vậy”, ông viết trong hồi ký năm 2007.

Ông McConnell không nói suông. Sau này, chính ông làm tương tự mỗi khi có đề cử thẩm phán mới, và đấu tranh liên tục để những thẩm phán được xác nhận ở tòa án các cấp, bao gồm Tòa án Tối cao, là những người bảo thủ.

Đến nay, ông đã dịch chuyển toàn bộ hệ thống, cả Tòa án Tối cao, về hướng bảo thủ.

Hai thượng nghị sĩ kỳ cựu không “chạm trán” nhiều trong 20 năm sau đó. Ông Biden dần chuyển trọng tâm sự nghiệp thượng nghị sĩ của mình sang các vấn đề đối ngoại, sau trở thành chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ông tranh cử tổng thống không thành năm 2008.

Ông McConnell không tham gia nhiều về đối ngoại, trừ việc ủng hộ nữ lãnh đạo đối lập của Myanmar Aung San Suu Kyi.

Khi ông Obama đắc cử, ông McConnell, khi đó đã lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện, có câu nói nổi tiếng rằng tham vọng trên hết của ông là “biến Obama thành tổng thống một nhiệm kỳ”.

tinh ban giua ong joe biden va mitch mcconnell anh 4

Ông Mitch McConnell bắt tay Phó tổng thống Mike Pence trước mặt ông Brett Kavanaugh, người được đề cử làm thẩm phán Tòa án Tối cao lúc đó, ngày 10/7/2018. Ảnh: AP.

Ông McConnell không đạt được mục tiêu đó, khi ông Obama tái đắc cử năm 2012, và đảng Dân chủ vẫn giữ thế đa số ở Thượng viện.

Nhưng ông McConnell không coi đó là lý do để ngưng chống đối nghị trình của Nhà Trắng. Lãnh đạo phe Dân chủ Thượng viện Harry Ried cũng quyết “ăn miếng trả miếng” với ông McConnell với lập trường cứng rắn không kém.

Hai bên không thể thỏa hiệp, khiến nước Mỹ ngấp nghé trước “bờ vực tài chính” vào tháng 12/2012, nguy cơ làm nền kinh tế và thị trường chứng khoán chao đảo.

Ông McConnell gọi cho ông Biden, để lại lời nhắn trong hòm thư thoại: “Có ai ở đó biết cách đàm phán để đạt thỏa thuận hay không?” - chính ông McConnell sau này kể lại.

Ông Obama đồng ý để Phó tổng thống Joe Biden đứng ra phụ trách đàm phán. Ông Biden có lúc yêu cầu ông McConnell nói chuyện trực tiếp với ông Obama, nhưng ông Obama nhanh chóng mất bình tĩnh, thậm chí còn gọi cố vấn cao cấp Rohit Kumar của ông McConnell là “đồ xấu tính”.

Cuối cùng, ông Biden vẫn phải đứng ra đàm phán, thỏa hiệp, dẫn đến thỏa thuận giúp tránh “bờ vực tài chính” như đã nhắc tới ở trên, để cả ông Biden và ông McConnell đều trông vẻ vang trước đảng của mình.

Nhưng Lãnh đạo Phe đa số Thượng viện Harry Reid nổi giận vì ông Biden “bỏ qua” lập trường của mình.

Theo bình luận của Politico, câu chuyện này cho thấy sự khéo léo về chính trị của ông Biden, và việc ông luôn sẵn sàng nhường một bước để có thỏa thuận, thúc đẩy nghị trình, bất chấp phản ứng dữ dội từ đảng mình.

“Ông ta biết sau cùng thì sẽ có người bị đổ lỗi về những phần trong thỏa thuận khiến những người cùng đảng thất vọng”, ông Furman, cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama, nói với Politico.

“Ông Biden chịu đứng ra và sẵn sàng là người đó. Nhiều người khác còn vòng vo, nhưng ông sẵn sàng chịu chỉ trích, nếu đó là cái giá (của việc đạt được thỏa thuận)”, Furman cho biết.

Nhưng cũng có ý kiến nói câu chuyện trên cho thấy ông Biden không thể “so găng” với ông McConnell. Nhiều người bên phía ông McConnell cũng đồng ý - họ cho rằng sếp của họ chỉ đơn giản là thông minh, “ma mãnh” hơn.

tinh ban giua ong joe biden va mitch mcconnell anh 5

36 tiếng đàm phán căng thẳng đẩy nước Mỹ tới trước “bờ vực” vào cuối năm 2012 có lẽ là báo hiệu cho năm 2021, khi hai chính khách lão luyện lại đứng hai bên “chiến tuyến”, trong bối cảnh bế tắc và chia rẽ gay gắt ở quốc hội, và khủng hoảng chồng chất: đại dịch kèm suy thoái kinh tế.

Ông Biden hứa hẹn điều mà ông Obama không làm được: đàm phán với quốc hội, thúc đẩy được nghị trình và đổi thay, khôi phục văn hóa hợp tác hai đảng.

Nhưng cũng giống ông Obama, ông Biden sẽ cần ông McConnell hợp tác.

Nhiều ý kiến cho rằng ông McConnell lẽ ra đã hợp tác hơn nếu ông Obama chịu khó mềm mỏng, lấy lòng, “vỗ vai” ông McConnell hơn, như ông Biden. Nhưng nhiều ý kiến từ người trong cuộc, và cả ông Obama khi viết hồi ký, cho rằng thời Obama cũng không thiếu động thái mềm mỏng, lấy lòng ông McConnell.

“Vấn đề không phải là quan hệ cá nhân, tính cách, mà là chính sách” - Don Stewart, phó chánh văn phòng của ông McConnell thời Obama, cho biết.

“Bia hay rượu whiskey không có tác dụng gì. Nếu chính sách không hợp, thì bao nhiêu buổi chiêu đãi cũng như không (đối với ông McConnell)”, ông Stewart nói với Politico.

Một quan chức cao cấp của chính quyền Obama cũng đồng tình. Ông cho rằng quan niệm thường thấy là ông Obama không quan hệ tốt với các nghị sĩ Cộng hòa, nên bị họ ghét và bất hợp tác, là quan niệm không đúng.

Quan chức này cho rằng quan hệ tốt hay không tốt sẽ không tác động được tới ông McConnell, và ông Biden có thể cũng gặp trở ngại tương tự.

tinh ban giua ong joe biden va mitch mcconnell anh 6

Phó tổng thống Joe Biden và Lãnh đạo Phe đa số Thượng viện Mitch McConnell cùng tới Điện Capitol ngày 12/2/2013 khi ông Obama có bài phát biểu Thông điệp Liên bang. Ảnh: Getty Images.

Nhiều quan chức dưới quyền Obama cho rằng chủng tộc là một trở ngại lớn. Phản ứng chống đối của một bộ phận cử tri Cộng hòa với tổng thống gốc Phi đầu tiên trong lịch sử khiến một số nghị sĩ Cộng hòa ngại thỏa hiệp với tổng thống.

“Trong tính toán của ông McConnell, đàm phán với phó tổng thống không bị phản ứng mạnh từ cử tri Cộng hòa như khi tỏ ra hợp tác với Obama”, chính ông Obama viết trong hồi ký mới của mình.

Về phần mình, ông McConnell lại nhìn nhận ông Biden chỉ đơn giản là đàm phán với quốc hội giỏi hơn ông Obama.

Trong hồi ký 2016, ông không ngần ngại chỉ trích ông Obama là “ngạo mạn”, “bất hợp tác”, và “giống đứa trẻ trong lớp luôn cố hết sức để mọi người nghĩ mình là người thông minh nhất”.

Mặt khác, ông McConnell nói thích làm việc với ông Biden hơn, khen ngợi ông Biden hết lời.

“Tôi có thể nói thẳng với ông Biden là chúng tôi có thể nhường đến đâu, và ông sẽ đáp lại, không như ông Obama”, ông McConnell viết trong sách.

Ông McConnell cũng là thượng nghị sĩ Cộng hòa duy nhất dự đám tang của con trai cả của ông Biden, Beau Biden, năm 2015. Tháng 12/2016, ông McConnell ra trước Thượng viện và phát biểu cảm ơn ông Biden, phó tổng thống sắp mãn nhiệm.

“Tôi không phải lúc nào cũng đồng ý với ông ta, nhưng trong thâm tâm, tôi tin tưởng ông ta”, ông McConnell nói. “Ông ta không phí thời gian nói vì sao tôi sai hay đúng. Ông đi thẳng vào vấn đề chính, và luôn hiểu tầm quan trọng của vấn đề”.

Ở Washington hiện nay, những lời khen xuyên đảng phái như vậy đã có thể coi là “tình bạn”, có thể coi là gần gũi nhất có thể.

tinh ban giua ong joe biden va mitch mcconnell anh 7

Nhưng “tình bạn” đó có phá vỡ bế tắc hay không vẫn còn là chặng đường dài.

Hiện nay, nhiều đảng viên Dân chủ cấp tiến đòi bãi bỏ quy trình "câu giờ" ở Thượng viện, để họ chỉ cần thông qua nghị trình mà thậm chí không cần phiếu bầu nào của các nghị sĩ Cộng hòa.

Ông McConnell dĩ nhiên phản đối mạnh mẽ việc thay đổi điều lệ, cho rằng như vậy càng gây chia rẽ, càng khiến việc thông qua luật trở nên “đơn giản”, thiếu sự ủng hộ, đồng thuận nhất định của cả hai đảng.

Tất nhiên, đảng Dân chủ chưa hẳn muốn dùng “biện pháp mạnh” như thay đổi điều lệ, vì có thể làm gia tăng chia rẽ, và “phản tác dụng” nếu sau này đảng Cộng hòa giành thế đa số.

Về phần mình, đội ngũ của ông Biden coi việc ông McConnell lên án Tổng thống Trump là diễn biến tích cực, cho thấy ông McConnell vẫn coi trọng các quy tắc của thể chế. Hai ông cũng liên hệ thường xuyên từ sau ngày bầu cử, Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klein cho biết.

Ông Biden bắt đầu hành trình 'tìm lại linh hồn nước Mỹ'

Ngay sau khi đắc cử, ông Biden ngay lập tức bắt tay vào trọng trách hàn gắn để khép lại giai đoạn hỗn loạn của nước Mỹ sau 4 năm chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc cùng nhiều bất ổn.

'Tổng thống Joe Biden sẽ coi Việt Nam là đối tác rất quan trọng'

Trao đổi với Zing, doanh nhân Mỹ William Badger khẳng định Việt Nam đang có vị thế rất mạnh tại châu Á, và Tổng thống Mỹ tân cử Joe Biden sẽ rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.

Trọng Thuấn (Theo Politico)

Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm