Khi một ngôi sao phải đối mặt với hậu quả tới từ hành vi được cho là sai trái của họ, việc hàng loạt người hâm mộ lên tiếng bảo vệ thần tượng là điều thường xuyên xảy ra tại nền giải trí Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiều người hâm mộ cực đoan sẵn sàng lan truyền thông tin giả, cố tình điều hướng dư luận để bảo vệ ca sĩ mình yêu thích một cách mù quáng.
Bảo vệ thần tượng một cách bất chấp
Seungri bị kết án 3 năm tù với 9 tội danh. Ảnh: Naver. |
Vào 12/8, nam ca sĩ Seungri (cựu thành viên Big Bang) bị kết án 3 năm tù dưới 9 tội danh, trong đó bao gồm đánh bạc trái phép, tham ô, sử dụng dịch vụ mại dâm, dàn xếp gái mại dâm cho các nhà đầu tư kinh doanh tiềm năng...
Tại phiên tòa, thẩm phán Hwang Min Je khẳng định: "Rất khó để khẳng định bị cáo hoàn toàn không biết gì về khoản tài chính được sử dụng để chi trả cho dịch vụ mại dâm. Dường như bị cáo đã thực hiện hành vi môi giới mại dâm có tổ chức".
Ngay sau khi Seungri bị tuyên án, trên mạng xã hội tràn ngập bài đăng khẳng định anh là nạn nhân của sự bất công. Những người ủng hộ - phần lớn không phải người Hàn Quốc - bắt đầu sử dụng biểu tượng cỏ bốn lá dưới bài đăng trên trang cá nhân của nam ca sĩ để chúc anh may mắn. Ngoài ra, họ liên tục chia sẻ những bài viết khẳng định tòa án đã mắc sai lầm lớn khi kết án, và Seungri hoàn toàn vô tội.
Trong mắt họ, Seungri đã trở thành "con tốt thí cho tội ác của kẻ khác". Trên thực tế, việc truy tố nam ca sĩ là một phần trong quá trình điều tra loạt vụ án xoay quanh bê bối hộp đêm Burning Sun. Trong số các cá nhân có liên quan tới vụ án, Seungri nằm trong số những người bị kết án nhanh nhất.
Chỉ vài ngày sau khi Seungri bị tuyên án, người hâm mộ của một thần tượng Kpop khác - cựu thành viên (g)i-dle Soo Jin - cũng tuyên bố nữ ca sĩ vô tội khi cô buộc rời nhóm sau nhiều tháng đối mặt với cáo buộc bạo lực học đường tại trường cấp hai.
Thậm chí, một số người hâm mộ quá khích quyết định tấn công nữ diễn viên Seo Shin Ae - bạn học cũ của Soo Jin. Nữ diễn viên là một trong số các nạn nhân đã công khai tố cáo hành vi bắt nạt bạn học của Soo Jin. Dưới các video Seo Shin Ae đăng tải, khán giả Hàn Quốc không khỏi giật mình trước hàng loạt bình luận mang tính thù ghét, đe dọa nhằm vào nữ diễn viên.
Phản ứng dữ dội tới từ sự nghi ngờ với luật pháp Hàn Quốc?
Nhiều người hâm mộ của nữ ca sĩ Soo Jin tấn công nạn nhân sau khi cô buộc rời nhóm dưới cáo buộc bạo lực học đường. Ảnh: Naver. |
Chia sẻ với SCMP, tiến sĩ Crystal Abidin khẳng định việc người hâm mộ cố gắng phủ nhận sự thật không phải hiện tượng hiếm gặp.
Theo Crystal, trong trường hợp thần tượng Kpop bị kết án vì vi phạm pháp luật như Seungri, một phần nguyên nhân đằng sau phản ứng dữ dội của người hâm mộ tới từ sự nghi ngờ của họ dành cho luật pháp Hàn Quốc.
Vào những năm gần đây, hệ thống luật pháp Hàn Quốc đã trở thành chủ đề gây tranh cãi đối với khán giả quốc tế. Bên cạnh đó, sự thiếu sót trong cách phương tiện truyền thông Hàn Quốc đưa tin về một số vụ án - điển hình như tội phạm lắp đặt camera quay lén - cũng khiến công chúng nước ngoài cảm thấy không hài lòng.
"Người hâm mộ tới từ mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội. Họ mang theo sự ngờ vực và tự hỏi liệu quá trình tố tụng này có giá trị không, có thể tin tưởng được hay không", Crystal chia sẻ.
Trên mạng xã hội, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Theo thời gian, sự chú ý của công chúng dành cho một sự kiện sẽ giảm dần. Do vậy, những người hâm mộ chịu trách nhiệm dịch thông tin từ phương tiện truyền thông đại chúng Hàn Quốc sang ngôn ngữ khác đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng người hâm mộ.
Việc nhiều người hâm mộ Kpop chỉ dịch tin tức có lợi cho thần tượng, dịch sai chi tiết trong các cáo buộc và lan truyền thông tin sai lệch là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên, chỉ sau khi tin giả trở thành vấn nạn và Kpop tiến vào giai đoạn toàn cầu hóa, công chúng mới bắt đầu chú ý tới hiện tượng này.
Tiếp cận thông tin một cách sáng suốt
Chia sẻ với SCMP, tiến sĩ Crystal Abidin khuyến khích người hâm mộ Kpop đặt câu hỏi về các sự kiện diễn ra trong nền giải trí một cách có chừng mực.
"Sự thật rằng nhiều người hâm mộ Kpop đang tham gia thảo luận bằng tư duy phản biện, thể hiện kỹ năng đọc viết một cách có hiểu biết, sử dụng các nguồn đã được chứng thực và kiểm tra thông tin là điều rất quan trọng", theo Crystal Abidin.
Tuy nhiên, tiến sĩ Crystal cảnh báo rằng nếu người hâm mộ Kpop tiếp xúc quá nhiều với thông tin giả, họ có thể gây nên hậu quả lớn khó lường. Mỗi khi truyền thông Hàn Quốc đưa tin về các vấn đề liên quan tới pháp lý, nhiều bản dịch giả bị lan truyền rộng rãi trong cộng đồng người hâm mộ.
Để bảo vệ thần tượng, một số người hâm mộ cực đoan sẵn sàng lan truyền thông tin sai lệch. Ảnh: Naver. |
"Một số trường hợp cho thấy người hâm mộ có thể trở nên cực đoan tới mức nào, và trong vài tình huống, họ còn gây ảnh hưởng tới người khác", Crystal tiết lộ.
Bên cạnh chuyện người hâm mộ bịa ra thông tin giả để bênh vực hay bao che cho thần tượng, nhiều khán giả cũng tỏ ra lo ngại về cách ngôi sao Kpop có thể gây ảnh hưởng lên người hâm mộ.
Esther Chan, biên tập viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức truyền thông chuyên xử lý thông tin sai lệch First Draft, tiết lộ: "Mối liên hệ tình cảm mạnh mẽ giữa người hâm mộ và thần tượng có nghĩa người hâm mộ có khuynh hướng tin tưởng người mình yêu thích, tin vào những thông điệp họ truyền tải".
Mặc dù hiếm khi ngôi sao Kpop tham gia vào các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề chính trị hoặc xã hội, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại về sức ảnh hưởng của họ, đặc biệt trong thời đại những quan điểm khác biệt đang trở nên phổ biến và được chú ý rộng rãi trên Internet.
Esther Chan chia sẻ: “Với lượng người theo dõi lớn cùng lợi ích nó đem lại, người nổi tiếng và người có ảnh hưởng phải nhận thức được trách nhiệm của mình, nhận thức được thiệt hại tiềm ẩn trong tin giả và hiểu rằng họ có thể khiến tin giả lan truyền nhanh chóng tới mức nào”.