Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu duệ phường săn hổ triều Nguyễn kể chuyện đấu Ông Ba mươi

Với lão Nguyễn Nãi - năm nay chỉ mới bước qua ngưỡng tuổi 86 nhưng xem ra ông vẫn còn khỏe mạnh như thanh niên tuổi đôi mươi.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tiên Phước (Quảng Nam), nơi được mệnh danh là xứ đất của “Ông Ba Mươi” nên lão được “tôi luyện” sức dẻo dai, cường tráng và khí phách oai hùng của những “chiến binh” thực sự.

Truyền thuyết hổ dữ bắt người

Cuốc bộ nhiều km đường rừng, khó khăn lắm chúng tôi mới đặt chân đến vùng đất Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) để được “diện kiện” dũng sỹ săn hổ. Ông chính là Nguyễn Nãi (86 tuổi), là người duy nhất còn lại của phường săn cọp triều Nguyễn, được thành lập theo chỉ dụ đặc biệt của vua Bảo Đại. Ông cũng được người dân nơi đây gọi là hậu duệ săn hổ cuối cùng của triều Nguyễn.

Ông gắn nửa đời mình cho những cuộc lần theo dấu vết, vượt núi băng rừng chiến đấu một mất, một còn với những chú hổ thành tinh dữ tợn.

Lúc ông còn nhỏ, quê ông hoang sơ với những rừng cây âm u rậm rạp, xa xa mới có một mái nhà. Ông gắn trọn cuộc đời mình nơi đây, chứng kiến bao cảnh quê hương phát triển từng ngày.

Ông còn nhớ như in hồi đó ông mới 15, 16 tuổi, dân làng ngày đêm chiến đấu với “Ông Ba Mươi” để bảo vệ xóm làng bình yên. Những cảnh tượng diễn ra mà chính bản thân ông cũng cảm thấy rùng mình khi nhớ lại.

Ông Nãi kể: “Hồi đó vào một đêm tối, chúng tôi rủ nhau sang làng bên chơi. Khoảng 9h tối mấy anh em rủ nhau về. Đi qua đoạn đường rừng rậm rạp, dốc cua cách làng khoảng 1km thì bất ngờ một con hổ dữ trong bụi rậm nhảy vọt ra gầm gừ. Con hổ quá to, gậy gộc dùng đi rừng trong tay của chúng tôi không thể áp đảo được con hổ. Lúc đó cả đám thanh niên xô nhau chạy tóan lọan.

Hổ dữ đã chọn anh Thành làm con mồi, lúc đó tôi cắm đầu chạy và chỉ nghe anh Thành á lên một tiếng. Theo quán tính tôi quay đầu nhìn lại thì thấy anh đã nằm bẹp dưới chân con hổ, hàm răng trắng toát lên trong đêm đang ghim vào vai anh Thành, tiếng gầm gừ cứ ầm ầm trong cổ họng.

Chúng tôi không nghĩ được gì nữa và chạy một mạch về làng báo cho dân làng biết. Khi cả làng chúng tôi kéo tới nơi thì con hổ cũng chén hết thân xác anh Thành, chỉ còn vài vết máu loang và một ít phần cơ thể còn sót lại”.

Dụng cụ để người dân tiến hành xua đuổi bắt cọp mỗi khi cọp về làng quấy nhiễu.

Vùng này xưa kia cây cối rậm rạp, rừng cây cổ thụ bao quanh với những con suối nhỏ chảy quanh co. Đó là điều kiện thuận lợi thu hút bọn cọp dữ tụ tập về sinh sống. Vào những đợt mưa kéo dài, sau mấy ngày ẩn nấp trong rừng sâu, lũ hổ thường tìm ra tới tận bờ suối để tìm mồi và uống nước. Có những lúc chúng kéo nhau đi mấy chục con. Những đôi mắt xanh biếc, loé sáng trong đêm cả một vùng khiến người dân ai cũng khiếp sợ. Vết tích để lại là những dấu chân, những vết nanh cào vào nền đất đá, những mẫu thịt nhỏ của con mồi rơi lác đác vài chỗ.

Nơi đây, tối đến ai cũng nằm im thin thít trong nhà không dám ra ngoài đường, cửa được cài cẩn thận vì sợ hổ dữ vào nhà. Người dân luôn trong tư thế chuẩn bị chiến đấu với hổ dữ. Có những lúc hổ dữ kéo về, vào trong vườn bắt hết gà, chó, trâu bò..., nhưng vẫn không ai dám ra đối phó với chúng. Rồi cứ thế dăm bữa, nửa tháng hổ dữ lại kéo về làng một lần. Dần dà, người dân cũng không còn con vật nuôi nào nữa, cũng không ai nuôi nữa vì sợ hổ lại bắt.

Dân trong làng ngày xưa chưa quá 30 hộ. Ai cũng lo bảo vệ tính mạng cho mình mà không muốn làm ăn, chăn nuôi gì hết. Vì vậy, làng đói lắm, có những lúc một ngày ông Nãi chỉ được ăn một bữa.

Xưng tụng “Ông Ba Mươi”

Theo ông Nãi, vùng đất này họ rất tôn trọng thần rừng. Bà con Tiên Cảnh xưa kia có phong tục cúng thần rừng vì rừng nắm giữ bổn mạng và cuộc sống của mọi người. Đại diện cho thần rừng để nắm giữ các lễ vật cúng kiếng là hổ dữ được người dân gọi là chúa sơn lâm. Mỗi lần cầu cúng như thế, dân làng đều mời những pháp sư đến lập đàn. Và trong mâm cúng không thể thiếu thịt sống, có thể là một con vật do dân làng săn bắn được, hay là vật nuôi như gà, chó, heo... năm nào cúng lớn thì là một con bò.

Cuộc sống bình dị của ông Nguyễn Nãi những ngày cuối đời.

Nếu việc cúng kiếng không được tổ chức chu đáo thì sẽ bị “Ông Ba mươi” về hành hạ và bắt phạt. Không biết đó có phải sự thật hay là quan niệm của người dân, thế nhưng ông Nãi kể một câu chuyện thật mà ông trải nghiệm.

Dòng họ nhà ông 7 đời bốc thuốc chữa bệnh bằng nghề gia truyền, đến đời cha của ông có hành thêm một nghề pháp sư. Vào những lần cúng “ông ba mươi” trong làng thì ông đứng ra làm lễ thần.

Lần đó ông cúng không chuyên tâm lắm, nên sau đó một con hổ tìm về tới tận nhà ông. “Nghe tiếng chó sủa ngoài hiên, cha tôi chạy ra xem thì thấy một con hổ, liền báo hiệu cho mọi người tìm chỗ nấp. Con hổ với đôi mắt sáng choang, đang lừ lừ chuẩn bị vồ con chó của nhà. Lúc đó tôi từ trong nhà phi ra dùng cái mác đâm nó một nhát trúng ngay dưới ngực, nhưng con hổ không chết mà bỏ chạy vào rừng.

Sau lần đó, “ông ba mươi” kéo về làng rất đông, có lúc đi hai con có lúc lên 5,6 con. Những lần ông cọp về sau đó như bị yểm bùa, giống như thần rừng xúi nó về đòi nợ. Nó không còn gầm rú và tinh nhanh như lúc săn mồi nữa. Người dân trong làng kéo nhau tới xem ông cọp rất đông”.

Nhiều lần cứ khoảng chập tối là ông hổ kéo nhau về làng có khi từng đoàn. Sự lộng hành ấy khiến những bô lão trong làng Tiên Cảnh quyết định họp lại tìm kế sách đối phó. Từ đây, ý tưởng thành lập Phường săn cọp ra đời, thậm chí được tri huyện trấn Thăng Bình tấu xin chỉ dụ của vua Bảo Đại.

Phường săn quy tụ các thanh niên trai tráng khỏe mạnh, tinh thông võ nghệ để sẵn sàng bảo vệ tính mạng dân làng. Phường săn ấy trải qua bao trận đánh sinh tử với để viết nên huyền thoại. Với những cuộc chiến sinh tử cùng với hổ dữ. Đã tạo cho ông một ý chí mãnh mẽ, tinh thần thép.

Ông kể tiếp: “Trong các cuộc chiến đó có một lần một thành viên trong Phường săn đã bị hổ vồ. Không chết nhưng vết thương rất nặng, đã mất đi một cách tay và một bàn chân phải. Thời đó, cuộc sống còn khó khăn, thuốc men không có nhiều và cũng không được cứu chữa kịp thời nên người bạn này qua đời sau đó một thời gian. Con hổ đó rất mạnh, rất hung dữ nhưng hôm đó nó cũng không thể thoát thân được”.

Chiến đấu là vậy, anh dũng là vậy nhưng khi đụng đến tình thương cũng thấy mủi lòng. Từ hôm đó, trong ông Nãi ý chí chiến đấu với chúa sơn lâm càng mạnh mẽ hơn nữa.

Thời đó vùng núi Tiên Cảnh và các vùng xung quanh như các xã Tiên Hiệp, Tiên Lộc, Tiên Châu được gọi chung là trấn Thăng Bình (nay là huyện Tiên Phước), sống dưới chế độ phong kiến cũ, nơi đây vẫn được biết đến là vùng rừng núi hoang vu, hoang dã. Người dân cũng đã từng chứng kiến nhiều trường hợp bị hổ dữ ăn thịt.

Nhằm ứng phó và chống chọi với sự quấy phá, đe dọa của loài cọp đối với trâu bò, súc vật, mùa màng và cả sự bình yên của xóm làng, theo thông lệ cứ mỗi năm người dân Tiên Cảnh lại chọn một dịp để tổ chức “hội vay” để tiến hành bắt cọp với sự thu hút hàng vạn lượt người tham dự. Điều đặc biệt là lễ hội thường tổ chức vào ban đêm cùng với những đống lửa cao ngút ngàn. Theo kinh nghiệm của những người cao niên trong làng, loài cọp rất sợ ánh sáng, chúng đi kiếm thức ăn vào lúc mặt trời lặng, bởi vậy, những người ở lại ban đêm trong rừng thường xua đuổi cọp, không cho cọp lại gần bằng cách đốt lửa lên để cọp sợ.

Theo Công Lý & Xã Hội

Bạn có thể quan tâm