Francesca Cartier Brickell trưởng thành cùng những câu chuyện ông nội cô kể về công việc kinh doanh trang sức của gia đình và những bức ảnh đen trắng rải rác quanh nhà. Là người cuối cùng trong gia đình Cartier điều hành một chi nhánh trang sức của hãng này, ông nội cô, Jean-Jacques Cartier, đã tiếp quản chi nhánh ở London từ người cha Jacques Cartier.
Francesca Cartier Brickell, cháu gái của Jean-Jacques Cartier, đã hiểu được nhiều điều từ những câu chuyện trong gia đình và cô đã tái hiện lại lịch sử đầy đủ của gia tộc kim hoàn huyền thoại Cartier trong cuốn The Cartiers: The Untold Story of the Family Behind the Jewelry Empire, xuất bản ngày 26/11.
Cuốn sách mới ra mắt ngày 26/11. Ảnh: thejewelleryeditor. |
Niềm cảm hứng viết sách của Francesca xuất hiện rất tình cờ. Trong khi vào hầm rượu để tìm một chai rượu sâm banh lâu đời nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 90 của ông cô, Francesca đã phát hiện ra một chiếc vali cũ chứa đầy những bức thư, hình ảnh gia đình và nhiều giấy tờ kinh doanh. Những tài liệu quý giá này đã làm cô nảy sinh ý định cho công chúng hiểu thêm về một gia đình với hơn bốn thế hệ đã tạo dựng nên một tên tuổi lớn trong ngành kim hoàn nhân kỷ niệm 200 năm thành lập thương hiệu Cartiers.
Thăng trầm của một đế chế kim hoàn
Với xuất thân nghèo khó, Pierre Cartier đã phải tham chiến trong các cuộc chiến dưới thời Napoleon. Ông đã bị bắt và nhốt trong nhà tù khét tiếng ở Portsmouth. Năm 1815, ở tuổi 28, ông Pierre trở lại Paris không một xu dính túi và không có kế hoạch gì cho cuộc đời. Sau khi tìm được công việc ở một xưởng kim khí, ông kết hôn với một người phụ nữ làm việc giặt giũ và có với nhau 5 người con. Ông Pierre đã gửi đứa con lớn nhất của mình, Louis-François, lúc đó vừa ra trường, đi học việc và làm tại một xưởng kim hoàn. Luôn chăm chỉ trong công việc đã giúp Louis-François nắm được những kĩ năng và có kinh nghiệm cần thiết trong nghề. Và quyết định táo bạo mua lại xưởng kim hoàn lúc đó đã đưa cả gia đình đi lên con đường xây dựng đế chế Cartiers.
Sau những nỗ lực của hai thế hệ đầu, chính những người cháu của ông Pierre, được gọi là anh em nhà Cartiers: Louis, Jacques và Pierre, đã tạo ra phong cách của Cartiers mà chúng ta biết ngày nay. Từ xưởng kim hoàn nhỏ của ông nội và cha họ, thương hiệu này đã phát triển thành một doanh nghiệp nhỏ ở địa phương và sau đó là một cái tên tầm cỡ quốc tế. Cartiers đã cung cấp trang sức cho cả hoàng gia châu Âu, maharajahs (các hoàng tử Ấn Độ), các công chúa Nga và những triệu phú mới nổi của Mỹ.
Vương tử Ấn Độ Maharaja Yadavindra Singh đeo bộ vòng cổ quý giá của nhà Cartiers. Ảnh: thejewelleryeditor. |
Với phương châm: Không bao giờ sao chép mà chỉ sáng tạo cái mới, ba anh em đã hỗ trợ nhau, giúp Cartiers vừa có sự nhạy bén trong kinh doanh, vừa có những thiết kế táo bạo và am hiểu sâu sắc về đá quý.
Louis là người có tài năng về thiết kế. Ông phụ trách tuyển dụng các nhà thiết kế và đưa ra những ý tưởng vượt ra khỏi thế giới trang sức cổ điển. Cởi mở và có tầm nhìn tuyệt vời, Louis là một miếng bọt biển hấp thụ mọi điều mới mẻ ông nhìn thấy. Anh em nhà Cartiers cũng đã mạo hiểm đến Ấn Độ để mời chào hoàng gia Ấn Độ thử trải nghiệm trang sức châu Âu. Các ông sau đó đã quay trở lại với những cuốn sách thiết kế tràn ngập những bản phác thảo kỳ lạ và những viên đá quý thú vị.
Jacques Cartier (giữa) tại Bahrain trong chuyến đi đầu tiên đến Vịnh Ba Tư để mua kim cương năm 1911. Ảnh: thejewelleryeditor. |
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động và Paris hoa lệ có nhiều thay đổi chóng mặt, gia đình Cartier đã cố gắng duy trì công việc kinh doanh của họ và phát triển nó vượt xa những điều thế hệ sáng lập từng nghĩ tới. Các thành viên Cartiers đã có những cuộc hôn nhân khôn ngoan, sử dụng tiền một cách có tính toán và sẵn sàng đi khắp thế giới, từ St Petersburg, Mumbai tới New York để mở ra những con đường lợi nhuận mới.
Và Cartiers đã đi đến thành công. Tài năng của anh em Cartiers cùng tầm nhìn thiết kế độc đáo của họ đã khiến thương hiệu này trở thành một thỏi nam châm thu hút những người phụ nữ vĩ đại của thời kì lúc bấy giờ. Cartiers đã đi vào cuộc sống của Gabrielle Chanel, Grace Kelly, Elizabeth Taylor, Maria Callas hay Maria Félix. Những khoảnh khắc tuyệt vời của họ cùng những viên kim cương Cartiers sang trọng đã để lại dấu ấn trong dòng chảy lịch sử.
Elizabeth Taylor đeo bộ trang sức của nhà Cartiers năm 1957. Ảnh: Premium Archive Films/Getty Images. |
Cuốn sách của Francesca cuốn hút người đọc không chỉ vì những ghi chép và phân tích hết sức tỉ mỉ, mà còn là những yếu tố lãng mạn, phiêu lưu và một chút may mắn được lồng vào lịch sử phát triển đầy hấp dẫn của một doanh nghiệp. Nằm ngoài sự sang trọng của Paris đầu thế kỷ 19, thương hiệu Cartiers đã đi lên bằng sự kiên trì và quyết tâm của nhiều thế hệ trong gia đình.
Tác giả Francesca mở ra một hành trình truy tìm lại khởi nguồn của thương hiệu Cartiers. Ảnh: Thejewelleryeditor. |
Trong suốt 600 trang của cuốn sách, Francesca cũng có rất nhiều ghi chú về các tác phẩm quý giá của Cartiers và những lời trân trọng giá trị các thế hệ trước mang lại. Những lời giãi bày đầy cảm xúc và những chi tiết, sắc thái, dù là nhỏ nhất của câu chuyện mà Francesca mang tới cũng là điều mà chỉ một hậu duệ trực tiếp của gia đình kim hoàn nổi tiếng người Pháp này mới có thể mang lại cho độc giả.
Rất tiếc rằng thương hiệu Cartiers hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Richemont và gia đình Francesca không còn có bất kỳ mối liên hệ nào với đế chế này. Tuy nhiên, nếu mỗi thương hiệu huyền thoại có được một nhà sử học tận tụy như Francesca thì thế giới thời trang và nghệ thuật sẽ có nhiều câu chuyện hấp dẫn hơn để chia sẻ với công chúng.