Sau một thời gian thua lỗ triền miên, 2 năm qua, người nuôi cá sấu thắng đậm do đầu ra thuận lợi, hàng luôn có sức hút và giá bán ở mức cao, có khi lên đến 230.000 đồng/kg cá thương phẩm.
Từ đầu năm 2015 đến nay, giá cá sấu dù giảm, hiện ở mức 170.000-180.000 đồng/kg nhưng vẫn được xem là mức tốt nên chưa đủ “hạ nhiệt” sự háo hức của người nuôi. Vậy nên mới có chuyện giá cá sấu giống tăng liên tục, từ 350.000 đồng một con năm 2013 lên 500.000 đồng năm 2014 và hiện nay là 600.000 đồng.
Nhiều người hy vọng thời gian tới, giá loại cá dữ này có thể quay lại mức đỉnh, hoặc chí ít vẫn giữ được như hiện nay, vì “cảm giác” thị trường cung không đủ cầu, có bao nhiêu thương lái cũng mua sạch.
Dù đầu ra phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh, nhưng nông dân vẫn đổ tiền nuôi cá sấu, vì "cảm giác" thị trường cung không đủ cầu. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Gọi là “cảm giác” vì thực tế, cá sấu là mặt hàng điển hình cho sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, lại xuất khẩu chính qua đường tiểu ngạch và người nuôi hoàn toàn mù tịt về nơi tiêu thụ. Từ vựa nuôi Nam bộ, cá sấu sống được thương lái thu gom và xin giấy phép về một tỉnh phía Bắc. Từ đó, hàng được xuất ngoại như thế nào đã có đầu nậu lo.
Nhiều người gắn bó với nghề nuôi cá sấu còn nhớ những năm 2001, cá sấu từng có giá 200.000 đồng/kg rồi xuống dưới 60.000 đồng vào những năm 2007- 2008, khiến người nuôi phá sản hàng loạt. Khi ấy, nhiều giải pháp đã được đưa ra để giúp nghề nuôi cá sấu đi vào bền vững, như: liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến các sản phẩm mỹ nghệ, gia tăng xuất khẩu chính ngạch, thành lập hiệp hội cá sấu...
Thế nhưng, đến nay, các giải pháp ấy vẫn chỉ dừng ở thử nghiệm hoặc giai đoạn xúc tiến, còn giá cá sấu trên thị trường vẫn do thương lái Trung Quốc định đoạt.
Chính ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà (TP HCM), nơi làm ra các sản phẩm thời trang từ da cá sấu có tiếng trên thị trường, cũng thừa nhận nhiều lúc phải duy trì sản xuất để giữ uy tín và việc làm cho công nhân hơn là hiệu quả kinh tế. Vì giá nguyên liệu quá cao, trong khi bán cá sấu sống là lời nhất.
Do vậy, để chủ động sản xuất, doanh nghiệp phải “ôm” luôn phần chăn nuôi, dù muốn chuyển giao khâu này cho nông dân nhưng không được vì rủi ro về giá quá lớn. Vì vậy, khi nông dân cười thì doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến có giá trị gia tăng từ cá sấu không tổ chức chăn nuôi sẽ khóc, do giá nguyên liệu quá cao.
Không chỉ cá sấu mà nhiều loại nông sản khác đều như vậy. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, mới đây đã báo động tình trạng thương lái nước ngoài đến và điều khiển sản xuất bằng những chiêu bài đơn giản nhưng vẫn luôn hiệu quả. Đó là thu mua với giá thật cao để nông dân sản xuất thật nhiều rồi đè giá xuống.