QUYỂN SỔ GHI ƠN VÀ HÀNH TRÌNH TÌM LẠI MÀU DA CHO CẬU BÉ ĐẶC BIỆT
“Anh ghi quyển sổ để sau này Đà lớn lên mà trả ơn, để nó biết có nhiều người yêu thương nó đến như thế nào”, anh Thắng nghẹn ngào.
Ca phẫu thuật đầu tiên
13/10, anh Trần Văn Thắng có mặt tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để chuẩn bị cho ca phẫu thuật đầu tiên của cậu con trai 21 tháng tuổi. Từ khi chào đời, bé Trần Thế Đà đã mang những mảng da lấm lem gần như phủ trên khắp cơ thể. Đó là bệnh nevus hắc tố bẩm sinh, người dân hay gọi là bớt bẩm sinh.
Đây mới là lần thứ ba anh Thắng đến Hà Nội. Lần đầu từ những năm 80, khi anh còn nhỏ, lần thứ hai là đưa bé Đà xuống khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Sinh sống tại huyện miền núi Hải Hà (Quảng Ninh), vùng đất sát biên giới Trung Quốc, cách Hà Nội gần 300 km, nên người đàn ông 40 tuổi hiếm có cơ hội tới thủ đô.
Ấn tượng đầu tiên trong mắt các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đó là một ông bố người dân tộc, ít nói, trên lưng địu một cậu bé nhỏ và "nhem nhuốc". Cách anh Thắng bế ẵm, cõng cậu bé trên lưng thuần thục như một người mẹ. Khi bác sĩ hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, ông bố càng ngượng nghịu hơn: "Em đi làm thuê thôi. Mẹ cháu mất lúc mang bầu". Vợ anh, mẹ của Đà và ba cô con gái lớn đã mất trong một trận ốm cách đây không lâu. Từ đó, anh Thắng vừa nuôi con, vừa lo chạy chữa cho bé Đà với làn da không bình thường.
Bức ảnh của Đà lúc mới sinh được lưu giữ trong điện thoại của anh Thắng |
Ngoại hình đặc biệt nhất trong số bệnh nhân tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đà đi đâu cũng được mọi người chú ý. Phòng 406 - nơi Đà lưu trú khi phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - từ bệnh nhân đến người thân ai cũng yêu quý cậu bé. Các y tá, bác sĩ từ khoa khác lúc rảnh rỗi là đến chơi mang cho em sữa, bánh.
Đi cùng hai bố con là anh Trần Văn Thanh (chú ruột của Đà). Thương hai bố con vất vả nên anh Thanh đã gác lại việc nhà, lên Hà Nội giúp anh trai chăm cháu. Từ ngày chị dâu mất, họ hàng người thân ai cũng dành yêu thương cho gia đình anh Thắng nhiều hơn. "Đà ngoan lắm, chẳng quấy khóc, vì thế, tôi cũng đỡ lo toan", anh Thanh nói.
Sáng 15/10, ca phẫu thuật đầu tiên của bé Đà diễn ra. Đợi bên ngoài phòng mổ, anh Thắng ngồi bệt xuống bậc cầu thang với khuôn mặt thẫn thờ. Dường như chưa bao giờ người đàn ông này lo lắng đến vậy. Mỗi khi hỏi về Đà, câu chuyện cứ ngắt quãng bởi câu nói của anh về con "Chắc là đau lắm nhỉ". Anh kể, đây là lần đầu tiên Đà phải phẫu thuật. Từ lúc sinh đến giờ cậu bé thỉnh thoảng có bệnh, ốm nhưng chưa phải đi viện lần nào.
Giây phút anh mong chờ nhất nhất cũng đã đến, ca phẫu thuật của cậu bé kết thúc. Anh Thắng vội vã theo bác sĩ vào phòng mổ bế Đà về phòng, trên mặt cậu bé chằng chịt bông băng.
Giây phút đầu tiên anh Thắng bế Đà ra khỏi phòng phẫu thuật |
TS. Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, cho biết ca phẫu thuật đã diễn ra thuận lợi với phương pháp cắt bỏ các vết bớt, khâu các vùng da xung quanh. Vết mổ sẽ tự hồi phục bằng cách giãn da tự nhiên, mang hiệu quả thẩm mỹ tốt.
"Bé Đà cũng là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mà khoa từng tiếp nhận, tuy nhiên phẫu thuật sớm sẽ rất tốt vì thời gian điều trị kéo dài. Đà sẽ có khuôn mặt sáng, đẹp đẽ sớm nhất có thể và không mặc cảm khi bắt đầu nhận thức gương mặt khác biệt của mình", bác sĩ Dung hy vọng.
Cô điều dưỡng Hồng Nguyệt là người theo dõi tình hình hậu phẫu hàng ngày của Đà |
Cuốn sổ ghi ơn
Sau khi câu chuyện về bé Đà được bác sĩ Phạm Thị Việt Dung chia sẻ trên mạng xã hội ngày nào cũng có người đến thăm hai bố con bé Đà. Góc buồng bệnh luôn luôn đông đúc, tất cả họ đều vì lòng thương cảm cậu bé đặc biệt.
Nhiều đoàn thiện nguyện đến thăm từ tận các tỉnh khác đến như Thái Nguyên, Phú Thọ hay cả những bạn sinh viên Đại học Y Hà Nội vô tình bắt gặp hai bố con đang đi trong khuôn viên trường. Khi nhận một số tiền nhỏ từ đoàn thiện nguyện ở Thái Nguyên, anh Thắng lấy ra một quyển vở học sinh từ tủ đồ giường bệnh và ghi chép lại chi tiết.
Đây không phải là lần đầu tiên anh làm điều đó. Bìa quyển vở ghi rõ ràng dòng chữ “Sổ ghi tiền ủng hộ cháu: Trần Thế Đà âm lịch 26/8/2019”. Từ khi bắt đầu nhận được sự hỗ trợ của mọi người trong hành trình chữa bệnh cho con, anh Thắng đã tạo ra cuốn sổ đặc biệt ấy.
“Xe khách Hà Nội không lấy tiền”, “Có chị vào thăm chị cùng phòng: 100.000 đồng”… là những gì anh ghi trong quyển sổ đó. Đó là một trong hàng trăm nội dung trong quyển sổ anh ghi ơn của hai cha con.
Nhìn thấy con vui chơi hồn nhiên mỗi ngày, anh Thắng lại càng trăn trở bởi chỉ vài năm nữa, bé Đà sẽ nhận được sự khác biệt của bản thân. Khi đó, con sẽ vượt qua sự tự ti như thế nào? Bởi vậy, người cha này quyết định viết ra cuốn sổ ghi ơn không chỉ mong nhắc nhở con về sự giúp đỡ của mọi người, mà còn muốn bé Đà hiểu rằng có rất nhiều người dù không quen biết vẫn yêu thương em.
Tròn 12 ngày kể từ khi hai bố con bước lên Hà Nội phẫu thuật, ngày 25/10, bé Đà đã được xuất viện về nhà. Trước mắt, bé Đà phải đối diện với 3 lần phẫu thuật, mỗi lần cách nhau ít nhất 3 tháng. Đó sẽ là khoảng thời gian dài cho đến khi gương mặt của Đà không còn “lấm lem”.
Mặc dù mới là ca phẫu thuật đầu tiên nhưng gương mặt bé Đà đã "sáng" lên rõ rệt |
"Gà trống" nuôi bốn người con
Sau ca phẫu thuật đầu tiên, anh Thắng vượt gần 300 km trở về nhà. Căn nhà nhỏ của người cha và 4 đứa con nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng của thôn 1, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Nằm trên đường chính dẫn vào thôn nhưng không mấy ai có thể tìm được nhà anh nếu không dựa vào cây đào trước cổng. “Đi vào khoảng 200 mét, nhìn bên trái có cây đào”, đó là câu chỉ dẫn mà anh nói mỗi khi có cá nhân hoặc đoàn thiện nguyện nào muốn tìm đến thăm bé Đà.
Căn nhà chỉ vỏn vẹn có một phòng khách và một phòng ngủ. Những vách ngăn gia đình anh xây làm chuồng nuôi gia súc nay lại trở thành chính phòng ngủ của cha con anh Thắng. Một vài gian khác lại trở thành bếp, nhà tắm.
Phòng ngủ của cha con anh Thắng cũng chính là một trong những ô chuồng nuôi gia súc trước đây. |
Đầu năm 2019, hai vợ chồng anh Thắng dự định tháng 8 âm lịch sửa lại căn nhà vì những đứa trẻ đã lớn. Thế nhưng, chị qua đời đột ngột khiến mọi kế hoạch của gia đình bỗng chốc dang dở.
Hình ảnh ông bố tất tả, quanh quẩn bên mình lúc nào cũng có những đứa trẻ đã quá quen thuộc với những người hàng xóm vài tháng trở lại đây. Minh Hoài và Minh Thuận năm nay đều học cấp 2, đã phụ giúp cha nấu cơm, quét dọn. Còn cô bé 5 tuổi Minh Bạch năm nay mới học mẫu giáo, ngoài giờ ở trường, Bạch chơi cùng với em Đà.
“Nhà đông trẻ con nên chẳng bao giờ hết tiếng cười cả”, mẹ anh Thắng vừa nhìn mấy trẻ vừa nói. Căn nhà nhỏ với bao bộn bề lo toan của người lớn nhưng vẫn ấm áp bởi tiếng cười hồn nhiên của lũ trẻ.