Chinh phục nóc nhà Đông Dương là thử thách quen thuộc ở Zalo. Khi đã đứng trên độ cao 3.143 m, họ tìm thấy động lực lớn trên hành trình nỗ lực phát triển sản phẩm, phục vụ hàng chục triệu người dùng Việt.
Anh Nguyễn Viết Trung - Quản lý sản phẩm tại Zalo - cho biết cảm thấy hài lòng về chuyến trekking Fansipan vừa qua. Chuyến đi đã đáp ứng cùng lúc hai mục tiêu của anh là chinh phục thành công đỉnh núi cao nhất Đông Dương và được gắn kết với các thành viên trong đội ngũ.
Anh Trung là người quản lý sản phẩm có thâm niên gần một thập kỷ tại Zalo. Từ khi là sinh viên đại học, anh đã gia nhập Zalo với vị trí iOS developer (lập trình viên trên hệ điều hành iOS).
Sau 5 năm gắn bó, anh quyết định chuyển hướng sang mảng phát triển sản phẩm cho tới hiện tại. Anh cũng là người phụ trách tính năng mã hóa đầu cuối Zalo E2EE vừa được ra mắt trong tháng này - tính năng Zalo mất hơn một năm nghiên cứu, phát triển.
Gần 10 tiếng trekking, Viết Trung cùng các kỹ sư công nghệ Zalo trải qua nhiều dạng địa hình, từ đường mòn bằng đến dốc đá, dốc bậc thang... trong điều kiện thời tiết lạnh và nhiều sương mù để đến được đỉnh Fansipan. Giây phút đứng trên đỉnh núi cao chỉ ngắn ngủi nhưng đã phản ánh quá trình dài luyện tập thể lực, chuẩn bị tinh thần đón nhận thử thách của anh Trung nói riêng và những kỹ sư công nghệ Zalo nói chung.
Khác nhiều nhân viên văn phòng, anh Trung là người thích thể thao và luôn mong chuyến team building công ty hàng năm là các hoạt động thể chất, có tính thử thách như trekking, thể thao ngoài trời… Bởi theo anh, những giây phút “chịu khổ” cùng nhau sẽ giúp mọi người thêm gắn kết, từ đó làm việc hiệu quả hơn so với các chương trình du lịch, tham quan đơn thuần.
Để hết mình với chuyến trekking nhưng không ảnh hưởng tới quá trình sử dụng Zalo của hàng chục triệu người, anh Trung sắp xếp công việc kỹ lưỡng trước khi đi bằng cách nhờ nhóm hạ tầng và Zalo PC hỗ trợ, theo dõi chỉ số. Thời điểm này đang là lúc ra mắt phiên bản trải nghiệm E2EE - tính năng được Zalo đầu tư hơn một năm qua nhằm nâng cấp bảo mật, giúp bảo vệ nội dung trao đổi của người dùng.
Trải qua những thử thách trên cung trekking 3.143 m, sau gần 10 giờ đồng hồ, anh Trung và các kỹ sư Zalo đứng trên đỉnh Fansipan, phóng tầm mắt ngắm thiên nhiên từ trên cao mà anh ví như “tiên cảnh”. Suy nghĩ đầu tiên nam kỹ sư nghĩ tới là chiêm nghiệm về hành trình chinh phục đỉnh núi cũng tương tự chặng đường làm sản phẩm công nghệ gần 10 năm qua.
Anh cho hay: “Trước khi leo núi, tôi bị sự đồ sộ của ngọn núi làm choáng ngợp. Cũng như khi bắt đầu nghiên cứu để tích hợp công nghệ E2EE vào Zalo, tôi rất chần chừ vì thấy có quá nhiều thử thách”.
Tuy nhiên, vì quyết tâm đón nhận thử thách, anh chuẩn bị mọi thứ thật sẵn sàng. Nếu leo núi cần chuẩn bị sức khỏe, tinh thần và sắp xếp công việc, thì khi ra mắt tính năng E2EE, anh cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về mục tiêu, công nghệ, cách tiếp cận....
Cũng theo anh Trung, dù leo núi hay làm sản phẩm công nghệ, người chinh phục đều phải đối mặt với những thách thức liên tục. Nhưng sau cùng, khi đã chinh phục đỉnh núi hay ra mắt tính năng thu hút người dùng, mọi mệt mỏi đều tan biến, lúc này chỉ có một cảm giác là được đền đáp xứng đáng với công sức bỏ ra.
Là thành viên đội về đích đầu tiên, anh Viết Trung được nhiều người đoán là phải có sự chuẩn bị kỹ càng và quá trình leo núi thuận lợi. Thế nhưng ít ai biết rằng trước đó không lâu, nam kỹ sư bị chấn thương đầu gối phải. Anh không thể tham gia lớp rèn luyện thể lực do Zalo tổ chức mà chỉ tự tập luyện tại nhà.
Bị chấn thương nên trong quá trình trekking, anh phải dồn hết áp lực lên chân trái. Trải qua 2/3 quãng đường, anh bị căng cơ, chuột rút vì quá tải. Dù mỗi bước chân của anh đều rất đau đớn, suy nghĩ bỏ cuộc chưa bao giờ hiện hữu.
“Tôi không muốn bỏ cuộc vì thứ nhất đã đi 2/3 đoạn đường, quay về còn vất vả hơn. Thứ hai là mục tiêu chinh phục nóc nhà Đông Dương phía trước vẫn còn dang dở. Và đặc biệt, các thành viên trong đội không bỏ mặc mà nán lại chờ tôi giãn cơ, nghỉ ngơi rồi cùng nhau đi là điều tiếp thêm nhiều sức mạnh cho tôi nhất”.
Trong mắt anh Trung, tinh thần đồng đội hỗ trợ nhau suốt quá trình chinh phục đỉnh Fansipan giúp không khí chuyến đi ấm áp hơn nhiều, trái ngược hoàn toàn với cái lạnh, sương, gió ngoài trời.
“Ấm áp ở đây là tôi được chứng kiến cảnh mọi người hỗ trợ nhau để cùng vượt qua địa hình hiểm trở. Mọi người đợi nhau để cùng lên đỉnh núi, san sẻ miếng bánh và trò chuyện các mẩu chuyện dọc đường”, anh kể.
Văn hóa hỗ trợ đồng đội không chỉ có trong chuyến trekking ngắn ngủi. Hơn ai hết, gần 10 năm làm việc tại Zalo, anh Trung luôn cảm nhận được tinh thần đồng đội cùng nhau nỗ lực để tạo nên sản phẩm thân thiện với người dùng.
Anh Trung nhận xét leo núi một mình chưa chắc đã đủ sức để chinh phục đỉnh núi. Xây dựng tính năng E2EE cũng cần sự tham gia, nỗ lực của nhiều nhóm mới có thể đảm bảo đúng tiến độ và được người dùng đón nhận.
“E2EE là sự phối hợp của nhiều nhóm chuyên môn. Từ nhóm User Experience Research (nghiên cứu trải nghiệm người dùng) phỏng vấn người dùng để lấy insight, nhóm Designer (thiết kế) thiết kế giao diện, tới nhóm Quality Control (quản lý chất lượng) đảm bảo chất lượng đầu ra của tính năng… Và đặc biệt là nhóm Developer, Product với nền tảng công nghệ lõi và định hướng sản phẩm”, anh Trung chia sẻ.
Tại khoảnh khắc chinh phục Fansipan thành công và được đeo huy chương, tràn ngập trong anh là cảm giác tự hào. Tự hào vì bản thân đã làm được và tự hào vì mọi người đều tới đích cùng nhau.
Luôn nỗ lực với tâm thế của người dẫn đầu, các kỹ sư công nghệ Zalo khi đứng ở đỉnh núi cao nhất Đông Dương tiếp tục kỳ vọng có thể chinh phục nhiều đỉnh núi cao hơn, xa hơn. Tất cả sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để cải thiện sản phẩm công nghệ Zalo, phục vụ trải nghiệm người dùng ngày một tốt hơn.
Bình luận