Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình đi tìm cái nhìn tích cực cho cộng đồng

Nhân dịp ra mắt tác phẩm “Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm”, nhà văn Võ Diệu Thanh vừa có buổi trò chuyện với các sinh viên của trường Đại học Sư phạm TP HCM.

Buổi tọa đàm với chủ đề “Nhận diện chính mình giữa thói tật đám đông” có sự tham gia của diễn giả khách mời là PGS.TS Bùi Thanh Truyền. 

Truyền cảm hứng cho những thầy cô giáo tương lai

Chào đón những độc giả của mình bằng món “nước thốt nốt” ngọt lành cùng câu chuyện thú vị về cây thốt nốt quê mình, nhà văn Võ Diệu Thanh đã mở đầu cuộc gặp gỡ với phong thái dung dị và thân tình. Chị chia sẻ lý do chọn trường ĐHSP TP HCM làm địa điểm ra mắt sách là vì muốn góp phần mang đến cho các đồng nghiệp tương lai một góc nhìn thấu đáo hơn về công việc “trồng người”, thông qua những trải nghiệm tâm huyết của bản thân tác giả trong quá trình dạy học và viết sách.

nha van vo dieu thanh ra sach moi anh 1
Nhà văn Võ Diệu Thanh ký tăng độc giá. Ảnh: NVTPHCM

Là nhà văn nhưng đồng thời, Võ Diệu Thanh cũng đang là một nhà giáo. Sau Lần đầu thấy trăng, Siêu nhân cua, một lần nữa chị lại đem bối cảnh trường học, trường đời vào tác phẩm của mình một cách chân thật và sống động. Qua bút pháp linh hoạt, mỗi tác phẩm mang đến một sức sống riêng biệt. Nếu Lần đầu thấy trăng phô bày sự thật phũ phàng của môi trường giáo dục, Siêu nhân cua kể lại những câu chuyện vui tươi nhẹ nhàng, thì trong Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm, Võ Diệu Thanh dẫn người đọc vào một xứ sở tưởng tượng vừa kỳ lạ vừa quen thuộc, khiến người đọc mộng mơ lẫn trăn trở.

Cuốn sách là câu chuyện về một cậu bé học dốt tên là Dưa Leo ở xứ Bìm Bìm. Cậu bé Dưa Leo phát hiện ra xứ sở Bồ Câu treo bảng đỏ không cho cư dân xứ Bìm Bìm vào khu vườn trái đỏ quý giá. Dưa Leo mong sao tấm bảng đỏ đáng xấu hổ đó được dỡ bỏ, nên đã cùng bạn mình là Mèo Ma kiên trì vận động mọi người bỏ thói xấu ăn cắp; tuy rằng đám đông xứ Bìm Bìm vẫn hoài dửng dưng trước những nỗ lực của cậu.

Một cậu bé khó đào tạo, học lực yếu thuộc hàng cá biệt như Dưa Leo nhưng bên trong lại mang những phẩm chất rất đáng quý, và luôn giữ được thiên lương trong sáng của mình trước sự vùi dập của đám đông ô nhiễm nhiều thói tật. Đây là bài học đầy nhân văn của nhà văn Võ Diệu Thanh, một cô giáo tiểu học đã lâu năm tiếp xúc với trẻ con, dồn nhiều tâm huyết tìm hiểu, nắm bắt tâm lý học sinh. Tác phẩm mới của chị giúp độc giả có một cách nhìn đa chiều tích cực đối với cái xấu: không quy chụp sự xấu xí lên tổng thể, để từ đó tìm được hoa thơm mà lấn át đi cỏ dại.

Nhận diện chính mình giữa thói tật đám đông

Câu chuyện về tấm bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm được Võ Diệu Thanh kể lại bằng ngôn ngữ trẻ thơ thường tình, tưởng như một tình huống gay cấn nào đó trong những cuốn phim hoạt hình thiếu nhi, cuối cùng cũng được giải quyết ổn thỏa. Nhưng không phải thế, vì đến cuối truyện, Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm vẫn chưa được gỡ bỏ. Không ai giúp được cậu bé Dưa Leo làm cho xứ Bồ Câu không còn tấm bảng bêu xấu dân Bìm Bìm nữa. Chính điều đó tạo nên sự day dứt trong lòng người đọc, đồng thời lay đông nỗi niềm trăn trở về cách ứng xử của mỗi cá nhân trong phạm vi ảnh hưởng của cộng đồng. Và buổi tọa đàm “Nhận diện chính mình giữa thói tật đám đông” nhằm giúp mọi người giải tỏa phần nào nỗi niềm đó.

nha van vo dieu thanh ra sach moi anh 2
Nhà văn Võ Diệu Thanh cũng là một nhà giáo. Ảnh: T.L

Với sự dẫn dắt thú vị của hai MC Minh Triều, Hạ Tuyên cùng sự tương tác phản biện tận tình từ tác giả Võ Diệu Thanh và các khách mới khách mời: PSG.TS Bùi Thanh Truyền, nhà văn Nguyễn Trí, nhà báo Lam Điền,… nhiều sinh viên và độc giả được thoải mái trình bày ý kiến của mình. Buổi giao lưu càng lúc càng nóng lên khi có rất nhiều điều được đem ra mổ xẻ xung quanh chủ đề “Nhận diện chính mình giữa thói tật đám đông”: Đám đông có những lợi ích và tác hại gì đối với mỗi cá nhân? Chúng ta ứng xử thế nào trước một đám đông có nhiều thói hư tật xấu? Tại sao những kết quả đem đến khi đi ngược lại đám đông lại rất khác nhau? Khi thoát khỏi một đám đông nào đó, phải chăng ta cũng đang gia nhập vào một đám đông khác? Những vấn đề đó gắn liền với thực tế, với công việc và cuộc sống của mỗi người, khiến ai cũng phải suy tư.

Nhà văn Võ Diệu Thanh nhấn mạnh: “Thoát khỏi thói tật đám đông không nhất thiết phải đi ngược lại đám đông đó, nhưng cần có tư duy riêng để hành động khác với đám đông và mang lại hiệu quả hơn”. Công cuộc chỉnh đốn đám đông bao hàm cả việc hòa nhập nhiều cá thể có bản sắc khác nhau để cùng phát triển, con đường đó không hề dễ dàng nhưng cũng chưa bao giờ là ngõ cụt, một khi bài học về ý thức và lòng tự trọng còn mang theo bên mình.

Qua câu chuyện của cậu bé Dưa Leo ở xứ sở Bìm Bìm, độc giả dễ dàng hình dung đến những vấn đề nhức nhối mang tính thời sự đang diễn ra trong chính xứ sở của chúng ta, giúp chúng ta có thể nhìn nhận lại bản thân mình đang đứng ở đâu giữa những đám đông. Thêm vào đó, con người dần sẽ chai lì nhận thức, nếu càng lúc càng ít người muốn gỡ “bảng đỏ” như cậu bé Dưa Leo. Vì như lời Mèo Ma nói: “Cái nhục dễ chịu nhất là nhiều người cùng nhục. Nó thành ra bình thường”. Càng ngày lại có thêm nhiều rào cản khiến chúng ta ì mình giữa đám đông, trong đó tâm lý xem thường ảnh hưởng của cá nhân đến cộng đồng là một thói tật lớn.

Từ những nhận định bức xúc trên, đã có nhiều hướng đi mới mở ra cho độc giả và các bạn sinh viên sư phạm. Trong mỗi người đang dần hình thành những cái “bảng đỏ” ấn tượng để tự mình cảnh tỉnh, tự biết xấu hổ, để có được khao khát tạo ra ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng bằng những cách thức riêng. Đây cũng là thông điệp đáng trân trọng mà tác giả quyển sách “Bảng đó cho xứ Bìm Bìm” muốn truyền tải trong buổi ra mắt sách.

 



Hồ Thúc An

Bạn có thể quan tâm