Sống khổ bên chồng ngoại quốc
Sau gần 1 năm sống tủi nhục ở xứ người, đầu tháng 7/2015, Nguyễn Thị Mỹ (19 tuổi) đã trở về, đoàn tụ cùng gia đình tại thị trấn Định Quán (huyện Định Quán, Đồng Nai).
Trong ngôi nhà cấp 4, Mỹ ôm con gái 4 tuổi tâm sự: "Khi em rời quê sang Trung Quốc, con bé chưa biết gì. Em cứ tưởng sẽ không bao giờ được gặp con nữa".
Mỹ gặp lại con gái sau gần 1 năm xa cách. Ảnh: Ngọc An |
Mỹ lớn lên trong một gia đình nghèo có 3 anh em. Năm lên 15 tuổi, cô yêu một thanh niên lớn hơn tuổi tại huyện Long Khánh (Đồng Nai). Dù chưa thành niên, nhưng 2 người được nội ngoại chấp thuận cuộc sống vợ chồng không hôn thú.
Cuối năm 2011, Mỹ sinh con gái đầu lòng và cuộc sống ly tán cũng bắt đầu từ đó. Cô kể, gia cảnh càng thêm nghèo khi có thêm cháu nhỏ. Chồng buồn chán, không chăm lo làm việc, thường xuyên đánh mắng vợ nên Mỹ quyết định ôm con về sống cùng cha mẹ.
Để kiếm tiền, người mẹ trẻ phải gửi con gái cho ngoại chăm sóc rồi sang tỉnh Bình Dương xin làm công nhân. Tại đây, Mỹ gặp một phụ nữ tên Linh, bị người này dụ dỗ, bán sang Trung Quốc.
Thiếu phụ kể, Linh nói có quen một người đàn ông Trung Quốc giàu có, muốn lấy cô gái Việt Nam làm vợ. Nếu Mỹ làm vợ người đó thì sẽ được sống trong giàu sang, sung túc. Hơn nữa, khi qua khỏi biên giới Việt - Trung, họ sẽ cho cô 25 triệu đồng để gửi về gia đình.
"Cô ấy còn bảo, sau một tháng chung sống bên đó, em sẽ được chồng đưa về Việt Nam thăm gia đình, họ hàng và tổ chức đám cưới", Mỹ nói.
Muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn, Mỹ chấp nhận lời giới thiệu của người phụ nữ lạ. Giữa tháng 9/2014, cô được Linh đưa sang Trung Quốc qua một cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn. Khi sang địa phận nước này, Linh giao Mỹ cho một nữ Việt kiều tên Hoa (42 tuổi).
Ngày 27/9/2014, sau hành trình 3 ngày bằng ôtô trong nội địa Trung Quốc, Mỹ và Hoa đến TP Bằng Tường. Tại đây, Hoa giao Mỹ cho người đàn ông trung niên.
"Cô Hoa chỉ tay vào người đàn ông cao 1,6 m và nói 'người này là chồng con, đi theo ông ta đi'. Em cùng người đàn ông lạ tiếp tục đi ôtô về tỉnh An Huy, còn Hoa biến mất và sau đó tắt điện thoại", Mỹ cho biết.
Theo Mỹ, người đàn ông lạ đưa cô về một vùng nông thôn. Tại đây, cô nhận ra người chồng ngoại quốc của mình không giàu có như Linh giới thiệu.
Nghĩ về những tháng ngày cơ cực nơi đất khách, thiếu phụ nước mắt ngắn dài tâm sự, gia đình chồng làm nông và rất nghèo. Họ không làm đám cưới, không cho về Việt Nam như Linh nói.
Họ bắt cô ở nhà và luôn cử người theo dõi mọi hoạt động. Chồng không cho vợ đi đâu, thậm chí nhốt vào phòng tối, cấm gọi điện thoại về Việt Nam.
"Những lúc em đề cập chuyện về nước thì bị chồng chửi mắng, đánh đập thậm tệ. Ông ta nói 'tao mua mày hàng chục ngàn tệ, muốn về thì trả lại tiền cho tao. Toàn bộ giấy tờ tùy thân của em bị gia đình chồng giữ", cô kể.
Bà Bùi Thị Hương, mẹ Mỹ cho biết, trước khi sang Trung Quốc, Mỹ chỉ nói đi làm công nhân ở Bình Dương để kiếm tiền nuôi con. Bà và mọi người trong gia đình chỉ biết sự việc khi con gái đã trở thành vợ người đàn ông ngoại quốc, lén lút liên lạc về nhà cầu cứu.
"Hay tin con bị lừa, bán sang nước ngoài, tôi đã suy sụp. Gần 1 năm trời, tôi ngủ không ngon giấc vì lo cho con. Bị bệnh tim nhưng tôi phải cố gắng đi nhặt ve chai, bán để kiếm tiền nuôi cháu. Khi hay tin con lên kế hoạch trốn về, tôi lại sống trong hoang mang, lo lắng. Tôi sợ chồng nó biết được hành hạ nó đến chết", bà Hường tâm sự.
Từ khi con gái bị lừa bán sang bên kia biên giới, ông Nguyễn Minh Sinh, cha của Mỹ phải lặn lội ngược xuôi, gửi đơn cầu cứu các ngành chức năng.
Ông nói: "Sau khi biết con gái bị bán qua Trung Quốc, tôi đã gửi đơn lên Công an huyện Định Quán nhờ giúp đỡ. Họ thụ lý đơn và vào cuộc điều tra suốt nhiều tháng liền".
Hành trình trốn chạy
Không chịu nổi cuộc sống khổ cực, Mỹ tìm cách liên lạc với gia đình và lên kế hoạch trốn về Việt Nam. Cô cho biết, khu vực cô ở cũng có nhiều phụ nữ người Việt chung cảnh ngộ. Họ thường xuyên bị chồng bạo hành, nhốt trong nhà và bắt làm việc như nô lệ.
Mỹ cho hay: "Bọn em không thể liên lạc được với nhau vì nhà chồng quản thúc rất chặt. Riêng em được chồng cho sử dụng điện thoại nhưng ổng cài đặt chế độ chặn cuộc gọi quốc tế. Do vậy, em phải kết nối liên lạc với gia đình, bạn thân bằng hệ thống Zalo".
Theo thiếu phụ, nhà chồng không cấp dưỡng tiền nên mỗi lần đi chợ, cô phải bớt một ít để dành dụm. Sau nhiều tháng, tích góp được 1.000 tệ (tương đương 3,5 triệu đồng) Mỹ liên lạc với người phụ nữ tên Khuê ở Việt Nam để bàn kế hoạch trốn chạy.
Ông Kim Hường kể lúc cháu ngoại mất tích. Ảnh: Ngọc An |
Ngày 19/6, nhân lúc chồng đi làm xa, Mỹ dùng xe đạp điện chạy đến bến xe Hợp Phì (tỉnh An Huy), bắt ôtô về Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây).
"Hôm đó, em được người quen của chị Khuê mua vé xe và hướng dẫn lịch trình. Trong quá trình chạy trốn, chồng liên tục gọi điện, nhắn tin cho em. Để tránh sự truy đuổi, em tắt điện thoại và di chuyển bằng nhiều chuyến xe khác nhau", người phụ nữ đang mang thai tháng thứ 7 với người chồng ngoại quốc cho biết.
Ngày 22/6, Mỹ đến Nam Ninh, vào Tổng lãnh sự quán Việt Nam nhờ giúp đỡ. Tại đây, tổng lãnh sự biết thiếu phụ là nạn nhân của vụ buôn người nên đã nhanh chóng làm các thủ tục để Mỹ sớm nhập cảnh về Việt Nam.
Đầu tháng 7, Nguyễn Thị Mỹ trùng phùng gia đình trong nước mắt. Ông Kim Hường, ông ngoại của Mỹ cho biết: "Đoàn tụ gia đình, song Mỹ vẫn phải sống trong cảnh giác, hạn chế ra ngoài, không dám tiếp xúc người lạ. Gia đình tôi đang sợ những người trong đường dây buôn bán người tìm, bắt Mỹ đưa trở lại Trung Quốc".
Liên quan đến việc Nguyễn Thị Mỹ bị lừa bán sang Trung Quốc, ông Trần Hữu Hợi, Chủ tịch UBND thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) cho biết, ngành chức năng đang vào cuộc điều tra, truy tìm tung tích người đã tổ chức, bán cô gái ra nước ngoài.
Vị này cũng xác nhận, trên địa bàn có nhiều cô gái là nạn nhân của các vụ buôn người. Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.