HÀNH TRÌNH CẢM XÚC CỦA NGƯỜI HÂM MỘ VỚI TUYỂN OLYMPIC VIỆT NAM
Người hâm mộ xuống đường đâu phải để ăn mừng cho một chiếc cúp nào. Người ta "đi bão" đơn giản vì không thể bỏ lỡ một dịp vui đến thế.
Thật ra người hâm mộ ào xuống đường cổ vũ không phải vì Olympic Việt Nam đã thực sự vô địch, mà bởi vì thứ bóng đá mạnh mẽ, hết mình và không vụ lợi của những chàng trai trẻ ấy đã tiếp thêm năng lượng, khiến người ta mỉm cười, tạm gạt đi cái vất vả thường trực để thấy cuộc đời còn nhiều lắm những niềm vui giản đơn và trong sáng. Người ta xuống đường đâu phải để ăn mừng cho một chiếc cúp nào. Họ "đi bão" đơn giản vì không thể bỏ lỡ một dịp vui đến thế.
Những ai có mặt ở trung tâm Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ... trong những ngày diễn ra hai trận đấu gần đây nhất của Olympic Việt Nam rất dễ nghĩ rằng thầy trò ông Park Hang-seo vừa lên ngôi vô địch ở một giải bóng đá danh tiếng tầm quốc tế.
Đó là những ngày mà chỉ cần kết thúc trận đấu, bất kể kết quả, bất chấp giờ giấc, mặc kệ cơn mưa nặng hạt rơi khắp nơi, những trái tim nhiệt thành vẫn cuồng nhiệt đổ ra đường để "đón bão".
Dòng người cứ thể lấp kín các con đường, tay cầm lá quốc kỳ, trái tim đỏ dán trên trán, băng đô cổ vũ buộc trên trán, miệng hô vang "Việt Nam vô địch". Chẳng cần biết họ là ai, làm công việc gì, đến từ đâu, chỉ cần có cùng tình yêu bóng đá, cùng xuống phố để ăn mừng thì giữa người với người chẳng còn gì xa lạ nữa.
"Bóng đá là thứ ngôn ngữ toàn thế giới và hành động yêu nước nhất mà nhiều người có thể cùng thể hiện là ủng hộ đội bóng nước nhà", phóng viên thể thao Tim Vickery từng viết.
Hành trình lịch sử tại ASIAD 2018 của Olympic Việt Nam
Rơi vào bảng đấu được đánh giá là vừa sức tại ASIAD 2018, thầy trò HLV Park Hang-seo được nhận định sẽ giành một trong hai tấm vé đi tiếp của bảng D.
Đúng như phán đoán của các chuyên gia, Công Phượng và đồng đội dễ dàng đè bẹp Olympic Pakistan, lấn lướt Nepal và chiến thắng Nhật Bản. Kết quả, các chàng trai kết thúc vòng bảng với 3 trận toàn thắng, ghi được 6 bàn và không phải nhận một bàn thua nào.
Vào tới vòng 1/8, trong trận đụng độ với Olympic Bahrain, Olympic Việt Nam tiếp tục giữ sạch lưới nhà và bàn thắng của Công Phượng đã giúp chúng ta lần đầu tiên trong lịch sử góp mặt ở tứ kết một kỳ ASIAD.
Mang theo rất nhiều kỳ vọng, trong trận tiếp theo, Olympic Việt Nam đụng độ Olympic Syria, đối thủ được đánh giá là mạnh nhất từ đầu giải.
Những diễn biến ở trên sân cũng phần nào cho thấy sức mạnh của đại diện Tây Á khi họ tận dụng rất tốt lợi thế về thể hình, thể lực và kỹ thuật để tạo ra nhiều tình huống sóng gió lên khung thành của Olympic Việt Nam.
Đây là trận đấu mà các cầu thủ chơi đầy quyết tâm, họ không ngại va chạm và tranh chấp quyết liệt. Thế rồi với tinh thần, cách phân phối thể lực, lối chơi, tính kỷ luật, kết hợp với chiến thuật thay người đúng lúc và vào thời điểm chính xác của thầy Park, cầu thủ vào sân từ băng ghế dự bị Văn Toàn đã ghi bàn, đưa Olympic Việt Nam vươn lên dẫn trước ở phút 88, và ấn định tỷ số 1-0 cho trận đấu.
Chiến thắng lịch sử này giúp bóng đá Việt Nam lần đầu tiên được góp mặt ở vòng 4 đội mạnh nhất tại Đại hội Thể thao châu Á. Hơn cả vậy, khung thành của "người gác đền" Bùi Tiến Dũng vẫn chưa phải nhận bàn thua nào kể từ đầu giải.
Thế nhưng đổi lại niềm vui cho các khán giả nơi quê nhà, hàng loạt cầu thủ của Olympic Việt Nam đã gặp chấn thương. Duy Mạnh căng cơ cả người và phải để đồng đội dìu vào phòng nghỉ. Quang Hải rách mí mắt. Hùng Dũng chấn thương phải về nước. Văn Hậu lãnh hai thẻ vàng và không thể tham gia trận bán kết...
Và rồi trước đối thủ Hàn Quốc được đánh giá cao hơn trong khi thể lực bị bào mòn ở trận tứ kết, kết cục của trận đấu không khó đoán. Olympic Việt Nam ngậm ngùi nhìn đội bạn vào chung kết
Từ thành phố tới vùng quê: Cơn sốt bóng đá
Có lẽ không sai nếu nói người Việt đã được sống trong những ngày lễ hội bóng đá suốt gần một tháng qua. Từ sau cơn địa chấn ở Thường Châu, những cái tên như Bùi Tiến Dũng, Đức Chinh, Duy Mạnh, Đình Trọng trở thành thần tượng mới của nhiều người, kể cả những người không hiểu nhiều về chuyên môn bóng đá.
Trước các trận đấu dễ dàng bắt gặp trên mạng xã hội những lời thông báo "nghỉ làm cổ vũ đội tuyển", "trường cho sinh viên nghỉ để cổ vũ bóng đá", "yêu cầu toàn công ty tập trung xem bóng đá". Đường phố bỗng rộn ràng biết bao bởi những chuyến xe chở đầy cờ hoa. Từng góc phố, mỗi con đường, là quốc kỳ và dòng chữ "Việt Nam vô địch" bay phấp phới.
Tình yêu bóng đá sục sôi ấy khiến cả những người thờ ơ với môn túc cầu nhất cũng phải dành vài tiếng để xem bóng. Từ nhà ra phố, từ cơ quan đến trường học, thậm chí ở bệnh viện, ai ai cũng cùng nhau ngồi lại, để nín thở theo dõi từng giây từng phút chiến đấu của những chàng trai can trường.
Trước giờ bóng lăn, dường như "cả nguồn sống bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một Olympic Việt Nam", ai ai cũng hướng về trấn đấu sắp diễn ra. Tiệm cà phê, quán nước, ký túc xá, văn phòng, bàn làm việc, trong căn bếp, trên mâm cơm, đâu đâu cũng là những câu chuyện về các chàng trai áo đỏ.
Người trẻ, các cụ già, từ những chàng trai say mê môn thể thao vua, các cô gái từng phát sốt lên với "hiện tượng U23" hồi đầu năm, bệnh nhân đang nằm viện, cô nhân viên của công ty môi trường, anh thợ xây đang ở công trường... ai ai cũng hứng thú hòa mình vào biển người tụ tập quanh chiếc màn hình.
Ngôi nhà của Bùi Tiến Dũng, Văn Toàn, hậu vệ Bùi Tiến Dũng, Văn Thanh... được bà con làng xóm tới, dựng rạp, nấu ăn, chờ trận đấu diễn ra để cổ vũ. Những người cùng quê với các cầu thủ, ai ai cũng tự hào với con em của quê hương mình.
Cổ động viên Việt Nam lại ùn ùn khởi hành tới Jakarta để tiếp lứa cho các cầu thủ. Riêng sáng 29/8, có tới 6 chuyến bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hạ cánh xuống sân bay Soekarno-Hatta (Indonesia). Mọi người mặc áo cờ đỏ sao vàng, mang theo băng rôn, khẩu hiệu, bay thật sớm và cũng bắt chuyến bay trở về ngay sau khi trận đấu kết thúc.
Các cổ động viên được quyền mơ mộng, bởi đội tuyển của chúng ta đã tạo ra những chiến thắng thần kỳ còn đẹp hơn mơ.
Việt Nam không giành HCV nhưng đã làm được tất cả những điều còn lại
Làm sao quên được cảm giác hạnh phúc vỡ òa khi Công Phượng lao vào lấy bóng rồi dứt điểm tung lưới thủ thành Ahmed Ammar, hóa giải thế bế tắc trọng trận gặp U23 Bahrain, giúp chúng ta có chiến thắng, tiến thẳng vào trận tứ kết.
Hay giây phút chàng trai Văn Toàn với mái tóc bạc rực rỡ đỡ quả bóng vừa bật ra từ xà ngang, tiếp thẳng vào khung thành trống của Syria, và Olympic Việt Nam trở thành 1 trong 4 đội bóng mạnh nhất của giải.
Nhớ lắm chứ giây phút thầy Park ngậm ngùi tiễn cậu học trò Hùng Dũng về nước vì bị chấn thương, hay khi ông tự tay xem vết thương trên mắt của Quang Hải.
Sẽ có người sẽ rưng rưng khi chứng kiến cảnh trung vệ Bùi Tiến Dũng đổ gục sau trận thua Hàn Quốc, hay gương mặt chán nản của Minh Vương khi anh giơ tay lên đến ngang chừng rồi lại hạ xuống vì thất bại trong trận bán kết.
Chắc chắn sẽ nhớ mãi câu nói của đội trưởng Văn Quyết khi thấy các đồng đội quỳ xuống sân vì thất vọng sau trận thua: "Đứng hết lên anh em, chúng ta không được gục ngã. Đứng hết lên, phía trước còn trận tranh huy chương đồng".
Ừ, có buồn, có tiếc nuối, nhưng Olympic Việt Nam chẳng có gì phải xấu hổ khi thất bại trước nền bóng đá hàng đầu châu lục như Hàn Quốc.
Và đúng như lời hứa "Thắng hay thua cũng đi bão", kết thúc trận đấu, người hâm mộ ùa ra đường. Làm sao nỡ trách những chàng trai trẻ đã cố gắng tới cùng để đem tới cho người hâm mộ xúc cảm tuyệt vời trong gần 1 tháng vừa qua.
Là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thắp sáng lên bằng những cây pháo sáng trong đêm mưa, các cô gái đội mưa diễu hành hô vang "Việt Nam Việt Nam", những em bé theo cha mẹ "đi bão" dù chưa thực sự hiểu ý nghĩa của trận đấu ngày hôm nay.
Là phố đi bộ Nguyễn Huệ người với người cố gắng vươn tay để chạm vào nhau chúc mừng, những ông bà già cuồng nhiệt nhảy múa ăn mừng, các nhóm bạn miệt mài phóng xe đi quanh thành phố chỉ để thể hiện niềm vui sướng.
Là Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế... hàng dòng người cứ thế đổ ra chật kín những con đường, quốc kỳ cầm trên tay, dán trên má, trên trán... và hô vang khẩu hiệu "Việt Nam vô địch!".
Không ai thấy phiền khi hòa và một con đường tắc nghẽn, đứng chôn chân trong đám đông ồn ào tới tận nửa đêm. Có người gặp ai cũng ôm chầm lấy. "Việt Nam vô địch" trở thành câu thần chú giải quyết mọi va chạm. Rừng quốc kỳ, biển cờ đỏ sao vàng sau mỗi trận đấu bỗng trở thành một thứ "đặc sản" của người Việt, khiến khách du lịch nước ngoài phải trầm trồ.
Niềm vui như sờ đếm thấy được, nó hiển hiện sáng bừng trên tất cả những gương mặt, trên nụ cười, ánh mắt, lời nói của tất cả mọi người. Sau mỗi trận đấu, người hâm mộ đã bớt coi trọng kết quả mà trân trọng hơn thêm nỗ lực của những chàng trai đang ở tuổi 20. Dường như ai cũng sẵn sàng ăn mừng như thể chúng ta đã vô địch dù kết quả như thế nào.
Học cách yêu điều không hoàn hảo
Sẽ là miễn cưỡng nếu nói chúng ta không hụt hẫng. Sẽ là sai nếu nói chúng ta không hy vọng giơ cao tấm huy chương vàng, nhưng những chàng trai ấy đã tặng cho thể thao Việt Nam một cúp vàng danh giá hơn cả.
Đầu tiên là những cung bậc cảm xúc, khóc cười, hạnh phúc, bùng nổ, hy vọng của người hâm mộ. Giá trị tinh thần kỳ diệu, sự kết nối thần kỳ ấy có lẽ chỉ có thể có được nhờ bóng đá.
Sau đó, là củng cố hy vọng của cổ động viên vào một nền bóng đá sạch - đẹp - được đầu tư bài bản. Còn nhớ sau giải đấu U23 Châu Á, rất nhiều người đặt câu hỏi: tương lai nào cho môn thể thao vua tại Việt Nam? Liệu sẽ chỉ là một ánh sáng chợt lóe lên rồi vụt tắt, hay trở thành ngôi sao khơi dậy cảm hứng cho những thế hệ sau?
Nếu nói ký ức Thường Châu là sự may mắn của thầy trò Park Hang-seo, thì đấu trường ASIAD thật sự đã khẳng định bóng đá của Việt Nam sẽ làm được những điều kỳ diệu, bằng sự quyết tâm, đầu tư nền móng vững chắc, và những cầu thủ tài năng, kỷ luật, chuyên nghiệp.
Tiếp theo, là khiến người hâm mộ biết rằng họ có thể đặt lòng tin vào thế hệ cầu thủ này. Khi các em trở về từ vòng chung kết U23 hồi tháng 1, Xuân Trường, Văn Đức, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải... liên tục bị đặt câu hỏi về phong độ thi đấu và săm soi đời sống riêng tư.
Thế nhưng đấu trường ASIAD đã chứng minh một điều: Các cầu thủ mà chúng ta từng tung hô trong đêm Thường Châu vẫn ở đó, họ vẫn là những người hùng xứng đáng được ngưỡng mộ và cảm ơn, vẫn là những người đã giúp bóng đá Việt Nam có tên tuổi tại đấu trường khu vực, không còn loay hoay trong "ao làng" Đông Nam Á.
Ngay sau trận đấu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi lời biểu dương tinh thần thi đấu kiên cường của các cầu thủ, huấn luyện viên Đội tuyển Olympic vì màu cờ sắc áo, mong các cầu thủ trẻ chúng ta “bại không nản”, tập trung hồi phục sức lực để thi đấu trận tới với quyết tâm cao nhất, giành được huy chương đồng đáp ứng sự mong mỏi của cổ động viên nước nhà.
Còn nhớ sau trận chung kết trên tuyết trắng hồi tháng 1, tiến sĩ Trần Vinh Dự từng viết:
"Sẽ là dối lòng mình nếu không thừa nhận cảm thấy trái tim tan vỡ khi đội tuyển chịu thất bại ở những giây cuối cùng. Nhưng kết quả này cũng dạy cho chúng ta cách yêu những điều không hoàn hảo. Yêu cả trong những lúc đau lòng. Trân trọng và nhìn nhận sự cống hiến, chứ không đặt điều kiện tình yêu của mình vào sự tuyệt đối - một thứ quá mong manh.
Niềm vui dựa vào chiến thắng cũng giống như một chất nghiện, nó liên tục cần những thứ lớn hơn, to tát hơn để tiếp tục vui. Nếu không biết kiểm soát nó, nó biến chúng ta thành những người đòi hỏi vô lý. Nó cũng làm chúng ta quên lý do nên vui".
Hãy để cả thắng lợi và thất bại ngày hôm nay làm nền tảng của niềm tin và hy vọng mai sau, để một ngày việc chiến thắng ở tầm châu lục không còn là điều bất ngờ, phép màu, kỳ tích, mà là kết quả của nhiều năm đầu tư bài bản.
Hãy để những Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn ngày hôm nay đang chiến đấu với lá cờ in trước ngực, đằng sau lưng là sự ủng hộ của 90 triệu người dân, sẽ có một ngày làm được những điều kỳ diệu và vẽ được nên kỳ tích thật sự.
Hãy chờ tới một ngày người hâm mộ khi hô vang "Việt Nam vô địch" là khi bóng đá của chúng ta là những nhà vô địch thật sự.