Anh Tô Vĩnh Sơn (Phó trưởng khoa Kinh tế Luật - Đại học Bạc Liêu) một nghiên cứu sinh tiến sĩ năm cuối trường đại học Nhân dân Trung Quốc đã gặp một người con gái còn trẻ đang hỏi xem ai là người Việt Nam để nhờ chỉ đường đi gặp người thân khi xuống sân bay Bắc Kinh.
Qua câu chuyện làm quen, họ biết tên và trao đổi số điện thoại cho nhau. Anh Sơn cũng chỉ biết sơ là cô sang Trung Quốc gặp người thân, đâu ngờ trước mặt cô gái ấy là cả một hành trình truân chuyên, ê chề phận làm dâu nơi đất khách và cuộc trốn chạy có một không hai trong cuộc đời.
Một đám cưới của cô gái miền Tây và người chồng Trung Quốc (ảnh minh họa). |
Giấc mơ hạnh phúc và cuộc ngã giá số phận
Cô gái trên chuyến bay đó có tên là Tô Thanh M. (SN 1986) ở xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
M. là chị cả của một gia đình có ba chị em, cuộc sống khó khăn buộc cô phải nghỉ học giữa chừng khi vừa xong lớp 9. Số phận nghiệt ngã giáng xuống khi cô 18 tuổi, trong cùng một tháng gia đình cô phải đội trên đầu 3 vành tang trắng, đầu tiên là người cha bị tai nạn giao thông, không thể qua khỏi vì chấn thương sọ não, 10 ngày sau là bà nội cô và rồi 1 tuần sau là người bác ruột. Họ lần lượt ra đi trong sự khánh kiệt của gia đình.
Số phận làm dâu xứ người của cô được bắt mối từ một người đàn bà tên Hưởng (trú ngụ tại TP.HCM). Quen biết mẹ cô không lâu, song tần suất người đàn bà này đến chơi ngày càng nhiều. Qua câu chuyện, bà ta cho biết có người quen bên Trung Quốc, là trai tân chưa vợ, nhà có hai mẹ con, chủ một trang trại sinh thái giàu có, có hai cái nhà, một trên thị trấn và một trong trang trại, đang muốn tìm vợ Việt Nam và tỏ ý muốn mai mối cho M.
Nếu làm vợ người này, M. chỉ việc làm nội trợ, cùng chồng đứng ra quản lý trang trại và cuộc sống sẽ sung sướng. “Mưa dầm thấm lâu”, sau những lần tỉ tê của người đàn bà nọ, mẹ cô rồi cũng đồng ý. Bản thân cô cũng dần thuận tình, nhất là sau lần xem mặt trực tiếp qua chát webcam với chồng sắp cưới của mình. Cuộc ngã giá hình thành và số tiền cuối cùng được thống nhất là 25 triệu đồng trao tay.
Ngày cưới được định và người chồng Trung Quốc đã bay sang để tổ chức đám cưới. Ấn tượng đầu tiên khi gặp người chồng khiến cô bị sốc: “Anh ta không giống những gì em nhìn thấy trên webcam, thân hình to con, nặng gần 120kg, anh ta tên là Baohai (thường gọi là Bao Hải)”. Đám cưới được tổ chức với đầy đủ thủ tục, cũng có đông đủ anh em, bà con chòm xóm với chi phí 18 triệu đồng, nghĩa là mẹ cô còn lại 7 triệu đồng từ số tiền 25 triệu người đàn bà nọ đưa cho.
Mặc dù được mẹ động viên, cố gắng sang ở với người ta, dần dần sẽ có tình cảm, chịu khó làm ăn, rồi có tiền gửi về nuôi mẹ và hai em ăn học, song trong suy nghĩ của mình, M. bắt đầu có linh cảm điều gì đó bất ổn trong cách kiếm tìm hạnh phúc và giàu có của mẹ con cô. Và những ý nghĩ chạy trốn bắt đầu.
Cuộc sống kinh hoàng
Ngày 25/10/2013, vợ chồng M. được mẹ, hai đứa em cùng người đàn bà kia đưa lên Tân Sơn Nhất để bay theo chồng về làm dâu nơi đất khách. Nước mắt lưng tròng và ý định chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân được nhân lên gấp bội. Khi các nhân kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất thấy cô gái vùng quê sông nước khóc nấc lên dữ dội, hỏi thăm, cô cho biết là không muốn theo về làm vợ người đàn ông Trung Quốc, họ nói với cô là cô có thể không đi và giúp cô quay lại.
Thừa lúc người chồng Trung Quốc đi vệ sinh, cô trốn ngược trở lại, tìm cách về Kiên Giang, để mặc người chồng mới, mẹ và người đàn bà nọ nháo nhào tìm khắp nhà ga sân bay. Rồi người đàn bà nọ bố trí cho chồng cô về Trung Quốc trước với lời hứa vợ sẽ sang sau. Quay lại quê nhà, người đàn bà tên Hưởng không dễ dàng buông tha mẹ con cô, buộc mẹ con cô phải tuân theo sự tính toán và sắp xếp của mụ, nếu không phải hoàn lại số tiền lúc trước.
Song không phải là 25 triệu đồng, mà lúc này con số đã là 60 triệu đồng, sau khi bà ta cộng thêm vào những chi phí như 20 triệu tiền vé máy bay chồng cô sang Việt Nam, tiền sính lễ ngày cưới, 15 triệu tiền người chồng mua chiếc máy vi tính cho mẹ cô để liên lạc với con sau này, tổng cộng là 60 triệu.
60 triệu đồng là số tiền quá lớn đối với mẹ con M., nó đè nặng khiến cho mẹ con cô sợ hãi đến nỗi không dám nhờ cậy đến sự can thiệp chính quyền đoàn thể xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng. M. phó mặc cho số phận, ra sân bay lần 2 về với người chồng ở nơi mà cô không biết lấy một chữ cắn đôi.
Trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines ngày 31/10/2013 từ Tân Sơn Nhất đi Bắc Kinh hôm đó, Tô Thanh M gặp được anh Tô Vĩnh Sơn. Rồi sau đó, M. mới biết, từ sân bay Bắc Kinh cô còn phải bay thêm 2 giờ đồng hồ nữa mới về đến nhà chồng cô ở một vùng có nhiều núi, nơi cô được biết với cái tên tỉnh Cát Lâm (một tỉnh ở đông bắc Trung Quốc, gần với Triều Tiên).
Đến nhà chồng, đúng là nhà có hai mẹ con, đúng là nhà có trang trại, nhưng chỉ có điều nó không phải là trang trại sinh thái và không lớn như người đàn bà kia giới thiệu, mà nó là trang trại... lợn với hàng trăm con lúc nhúc. Nhà chồng cô không phải có hai nhà, mà chỉ duy nhất một cái, thậm chí đó không phải là nhà mà chỉ có thể gọi là một chỗ ở rộng chừng 30m2, nối liền với dãy chuồng lợn kéo dài và mất vệ sinh đến khủng khiếp.
Cái lạnh dưới không độ nơi phương bắc cùng với thức ăn lạ không thể ăn nổi đã quật ngã M., cô ốm, sốt ngay từ tuần làm dâu đầu tiên. Không biết ngôn ngữ, đau dạ dày, cô nghĩ ra cách gọi điện thoại cho anh Sơn, rồi nhờ anh nói lại cho chồng mình rằng cô cần thuốc giảm sốt và đau bao tử.
Theo M., suốt 22 ngày làm dâu nhà chồng là 22 ngày cô bị khủng khoảng ghê gớm bởi vừa ốm, vừa phải phục vụ tình dục cho “người chồng to con” của mình mỗi khi đêm xuống và sống trong sự cảnh giác cao độ của nhà chồng vì sợ cô bỏ trốn.
Về làm dâu, cô mới biết, để cưới cô, người đàn ông 34 tuổi có tên Baohai đã phải đưa cho người đàn bà mai mối tên Hưởng ở Việt Nam số tiền là 10 vạn tệ (khoảng 330 triệu đồng Việt Nam). Tới lúc này, cô mới hoảng hốt nhận ra rằng mụ đàn bà tên Hưởng kia không phải mai mối cô với số hoa hồng bình thường mà thực ra bà ta đã bán cô cho người chồng hiện tại. 22 đêm ấy chưa đêm nào cô ngủ đủ 2 tiếng đồng hồ.
Giấc mơ hạnh phúc và giàu sang vỡ vụn, trong đầu cô tiếp tục hình thành cuộc trốn chạy và tìm thời cơ thực hiện. Và hành trình trốn chạy thứ 2 bắt đầu.
Cuộc chạy trốn lúc nửa đêm
Khoảng 3h sáng ngày 22/11/2013, sau khi người chồng đã “no xôi, chán chè” và lăn ra ngủ, M. bật dậy trong cái rét cắt da cắt thịt phương bắc, mặc thêm 6 cái áo và 2 cái quần, rồi lần ra đường mà chạy. Chính M. cũng không biết, trong gần 3 tiếng đồng hồ, cô đã chạy thục mạng bao nhiêu cây số.
Khi trời còn lờ mờ sáng cũng là lúc cô bắt được một chiếc taxi và kể từ đây, điện thoại của cô liên tục rung lên bởi các cuộc gọi từ người chồng và người đàn bà tên Hưởng. M. gọi điện nhờ anh Sơn nói chuyện với người lái xe đưa cô ra sân bay Cát Lâm. Lúc này, ngoài đôi bông tai và sợi dây chuyền tổng cộng 5 chỉ vàng đeo trên người từ khi còn ở Việt Nam, cô không có một đồng dính túi.
Sau khi nhờ người lái xe bán hộ 5 chỉ vàng, cô được nhận lại vẻn vẹn 2.000 tệ (khoảng 6,6 triệu Việt Nam đồng, mà theo M. số vàng ấy nếu bán ở Việt Nam được khoảng gần 20 triệu). Khi đến sân bay Cát Lâm, M. lại nhờ anh Sơn nói chuyện với nhân viên bán vé. Mcô lên được chuyến bay Cát Lâm – Bắc Kinh lúc gần chiều muộn.
Đến sân bay Bắc Kinh, một trong những sân bay lớn nhất thế giới với hàng nghìn chuyến lên xuống mỗi ngày, cả M và anh Sơn phải mất 3 tiếng đồng đồ mới tìm được nhau, lúc đó là 11h đêm 22/11/2013. Từ đây, hai người tắt điện thoại và tháo sim.
Ngay sau đó, anh Sơn đã gom tiền, vay thêm bạn bè và đặt vé để giúp cô về Việt Nam trên chuyến bay ngày 25/11/2013. M. nói với anh Sơn, về đến Việt Nam, cô sẽ liên hệ để trả lại anh tiền, rằng cô sẽ về sống ở quê hương Việt Nam “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”.
Hy vọng chuyến trở lại quê hương của M. suôn sẻ và dù nơi ấy là vùng U Minh Thượng hay bất kỳ nơi nào khác trên đất nước, nơi còn có những cô gái vì lý do nào đó vẫn nuôi ước mơ lấy chồng xuất ngoại sẽ hiểu thêm được nhiều điều sau câu chuyện có thực này.