Trước ống kính truyền thông quốc tế, những chiếc siêu xe của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã lăn bánh trên đường phố Bình Nhưỡng, Singapore, Hà Nội rồi Vladivostock (Nga) hơn 1 năm qua.
Ông Kim Jong Un sử dụng chúng khi đến các cuộc gặp thượng đỉnh cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump rồi Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đều đã ngồi cùng siêu xe với ông Kim trong những chuyến viếng thăm Triều Tiên vừa qua.
Maybach S62 và Maybach S600 Pullman Gaurd, có giá từ 500.000 - 1,6 triệu USD, là những chiếc Mercedes-Benz dẫn đầu thị trường ôtô dành cho các VIP. Chúng được sử dụng rất phổ biến trong chuyên chở lãnh đạo các nước.
Bất chấp vòng vây cấm vận ngăn xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Triều Tiên, những chiếc siêu xe vẫn tìm được đường đến với ông Kim.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Nâng cao (CADS) và điều tra của New York Times, hàng hóa cao cấp từ phương Tây tìm đường đến tay giới quyền lực tại Bình Nhưỡng thông qua một hệ thống tinh vi các cảng biển, dịch vụ vận tải hàng hải bí mật và các công ty mờ ám. Thậm chí, có lúc chiếc xe đã đến biên giới Trung Quốc - Triều Tiên nhưng lại được chuyển tiếp đến Nhật Bản thay vì qua thẳng biên giới.
Xe limousine bọc thép của ông Kim Jong Un tại Singapore trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất vào tháng 6/2018. Ảnh: AP. |
Bất chấp lệnh cấm vận
Liên Hợp Quốc đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ đến Triều Tiên kể từ năm 2006, sau yêu cầu của chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush. Tuy nhiên, theo báo cáo vừa được công bố hôm 16/7 của CADS, từ năm 2015-2017, có đến 90 quốc gia đóng vai trò nguồn cung cấp hàng hóa xa xỉ cho Triều Tiên.
Không những vậy, mạng lưới và chuỗi cung ứng còn đi qua lãnh thổ của nhiều thành viên Hội đồng Bảo an và đồng minh của Mỹ, trong đó có Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo nhiều chuyên gia, cách Triều Tiên mua lậu hàng hóa xa xỉ cũng tương tự cách họ thu thập công nghệ có công dụng kép để phát triển vũ khí hạt nhân. Những lệnh cấm vận hạt nhân còn nghiêm ngặt hơn, nhưng Triều Tiên vẫn có thể tiếp tục làm giàu uranium và tăng kho vũ khí hạt nhân lên 30-60 đầu đạn.
"Trong lĩnh vực né lệnh trừng phạt, Triều Tiên phụ thuộc vào một nhóm nhỏ nhưng rất tinh vi, gồm nhiều cá nhân mà nước này tin tưởng để vận chuyển mọi món hàng chính phủ yêu cầu, từ hàng hóa cao cấp, thành phần tên lửa đến dàn xếp trao đổi tài nguyên", chuyên gia hàng hải Neil Watts, cựu thành viên nhóm làm việc của Liên Hợp Quốc về thực thi cấm vận Triều Tiên, cho biết.
Trong báo cáo đầu năm 2019, nhóm làm việc của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận lại sự xuất hiện của những chiếc limousine Mercedes-Benz và Rolls-Royce tại Bình Nhưỡng. Tháng 10/2018, ông Kim còn đi trên một chiếc Rolls-Royce Phantom đến sân bay quốc tế Bình Nhưỡng đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Ông Kim Jong Un đi limousine bọc thép đến địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều ngày 25/4. Ảnh: Reuters. |
Hành trình đưa siêu xe về Bình Nhưỡng
Theo điều tra của CADS, hai chiếc Mercedes Maybach S600 của ông Kim Jong Un đã đi qua 5 quốc gia từ châu Âu sang Đông Á. Con tàu chở hai chiếc siêu xe được sở hữu bởi một công ty Nga vừa bị bắt giữ tại Hàn Quốc vào tháng 2.
Cuộc hải trình "vòng quanh thế giới" bắt đầu từ cảng Rotterdam của Hà Lan.
Tháng 6/2018, hai container dán dấu mật được đưa đến kho cảng bằng xe tải. Bên trong mỗi kiện hàng là một chiếc Mercedes trị giá 500.000 USD. Vào thời điểm đó, các kiện hàng được sang tay cho Tập đoàn Vận tải biển Cosco của Trung Quốc (CCSC).
Không rõ ai là người đầu tiên bỏ tiền mua hai chiếc xe này. Daimler, công ty mẹ của hãng Mercedes, khẳng định tập đoàn luôn kiểm tra lý lịch người mua tiềm năng để tránh vi phạm lệnh cấm vận Liên Hợp Quốc. Họ không thấy điều gì đáng ngờ khi bán.
Sau chuyến hải trình 41 ngày, tàu hàng đến Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc. Hai kiện hàng được dỡ xuống khi tàu cập cảng vào ngày 31/7, nhưng đến ngày 26/8 lại được chất lên một tàu hàng khác chuyển sang Osaka, Nhật Bản. Từ đây, hai chiếc siêu xe lại được chuyển tàu sang Busan, Hàn Quốc và cập cảng vào ngày 30/9.
Phần còn lại của hành trình bị bao phủ bởi lớp màn bí ẩn. Theo điều tra của CADS và New York Times, hai chiếc siêu xe sau khi đến Busan lập tức được chuyển lên tàu hàng DN5505 treo cờ Togo với điểm đến là Nakhodka, ở vùng Viễn Đông của nước Nga. Vào thời điểm này, hai kiện hàng đã được ký gửi cho công ty vận tải hàng hải Do Young.
Đăng ký kinh doanh tại quần đảo Marshall, công ty Do Young vận hành 2 tàu hàng là DN5505 và Katrin, một tàu dầu treo cờ Panama. Thông tin đăng ký của Do Young không nêu rõ chủ sở hữu.
Từng làm việc với các tàu hàng này, một số nhân viên cấp cao tại 2 hãng vận tải biển Hàn Quốc là Han Trade và AIP Korea xác nhận doanh nhân người Nga Danil Kazachuk là chủ nhân của Do Young. Tài liệu của CADS thu thập cũng cho thấy trong năm 2018 Kazachuk được liệt kê là chủ tàu Katrin trong vòng 1 tháng.
Con tàu DN5505 trước đó mang tên là Xiang Jin và thuộc sở hữu của một công ty đăng ký kinh doanh ở Hong Kong. Nó được chuyển quyền sở hữu cho Do Young vào ngày 27/7, chỉ vài ngày trước khi hai chiếc siêu xe được mang đến Đại Liên.
Sau khi rời khỏi Busan vào ngày 1/10, tàu hàng DN5505 tắt tín hiệu hệ thống nhận diện tự động. Đây là cách hoạt động điển hình của những tàu né lệnh cấm vận Triều Tiên.
Chiếc Mercedes Maybach S600 đã được ông Kim Jong Un sử dụng trong chuyến thăm Vladivostok gặp Tổng thống Putin. Ảnh: AP. |
Tàu "biến mất" trong 18 ngày. Khi tín hiệu nhận diện được phát trở lại, nó đã quay về lãnh hải Hàn Quốc và đang trên đường đến Busan. Tàu còn chở theo 2.588 tấn than đá, được lên lịch dỡ hàng tại cảng Pohang của Hàn Quốc. Dữ liệu hải quan cho biết tàu nhận than từ Nakhodka, gần thành phố cảng Vladivostok, nơi sống và làm việc của Kazachuk.
Báo cáo của CADS không thể xác thực những chiếc xe đã được giải quyết như thế nào khi cập cảng tại Nga. Nhiều nhà nghiên cứu phỏng đoán 2 chiếc Mercedes Maybach S600 được đưa sang Triều Tiên bằng máy bay vận tải.
Có 3 máy bay vận tải của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo hạ cánh ở Vladivostok ngày 7/10. Sau khi đối chiếu số hiệu trên đuôi máy bay, các nhà phân tích cho biết đó cũng chính là những máy bay được Bình Nhưỡng sử dụng để vận chuyển xe của ông Kim Jong Un trong các chuyến công du nước ngoài.
"Cân nhắc năng lực vận tải hạng nặng của các máy bay và vai trò của chúng trong hoạt động vận chuyển limousine bọc thép cho ông Kim, có khả năng các máy bay vận tải này đã tiếp nhận những chiếc Mercedes", báo cáo của CADS cho biết.
Gần 4 tháng sau khi cuộc vận chuyển bí ẩn kết thúc, ngày 31/1/2019, hai chiếc Mercedes Maybach S600 với cùng số hiệu đã lăn bánh tại Bình Nhưỡng, đưa ông Kim Jong Un đến cơ sở Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, theo NK Pro.
Hành trình được cho là con đường để hai chiếc Mercedes Maybach S600 của ông Kim Jong Un về Triều Tiên. Nguồn: CADS/ New York Times. |
Mắt xích doanh nhân người Nga
Trả lời New York Times, doanh nhân Nga Danil Kazachuk xác nhận ông có điều hành tàu hàng DN5505 được nêu trong báo cáo của CADS. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ chi tiết chuyến hàng chở siêu xe, đồng thời không xác nhận liệu ông đã chuyển chúng sang Triều Tiên hay chưa.
"Đây là bí mật kinh doanh của công ty. Tại sao tôi phải tiết lộ cho mọi người biết chúng tôi mua xe ở đâu và bán xe cho ai?", ông nói qua điện thoại.
Không có bằng chứng nào liên kết ông Kazachuk với hoạt động vận chuyển công nghệ quân sự hay hàng hóa bị cấm vận đến Triều Tiên. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quốc tế, vùng Viễn Đông của Nga là một điểm trung chuyển phổ biến cho hàng hóa buôn lậu của Triều Tiên cả chiều đến lẫn chiều đi.
Giới chức Hàn Quốc đã bắt giữ cả hai tàu DN5505 và Katrin vào tháng 2/2019 do tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên. Tàu DN5505 bị cáo buộc hỗ trợ Bình Nhưỡng xuất khẩu than đá, còn tàu Katrin bị tình nghi mang sản phẩm hóa dầu vào Triều Tiên trái phép.
Kazachuk phủ nhận liên quan đến cuộc điều tra. Ông nói mình chỉ là người sở hữu tàu và không chịu trách nhiệm về hàng hóa mà tàu vận chuyển. Ông còn chỉ trích giới chức Hàn Quốc tạo bằng chứng giả trên các tàu hàng của mình.
Ông Tập Cận Bình ngồi cùng với ông Kim Jong Un trên chiếc limousine bọc thép khi đến thăm Bình Nhưỡng. Ảnh: AP. |
Vẫn còn một sợi dây liên hệ khác giữa tàu hàng của Kazachuk và những hoạt động vi phạm lệnh cấm vận quốc tế.
Tháng 10/2018, tàu DN5505 sau khi đưa siêu xe Mercedes đến miền Đông nước Nga đã dỡ hàng tại cảng Pohang, Hàn Quốc, cho một công ty mang tên Enermax Korea. Công ty này đang bị điều tra bởi nhóm làm việc của Liên Hợp Quốc với nghi vấn vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Báo cáo của nhóm làm việc Liên Hợp Quốc cho biết Enermax dường như là "người nhận cuối cùng" của một đơn hàng than đá từ Triều Tiên. Đơn hàng được lên kế hoạch sang tay vào tháng 4/2018 trên lãnh hải Indonesia giữa tàu hàng Wise Honest mang cờ Triều Tiên và một tàu hàng của Nga. Tàu Triều Tiên bị giới chức Indonesia bắt giữ vào ngày 1/4.
Enermax ký hợp đồng mua than đá với một công ty Hong Kong, nhưng lại khai báo với Liên Hợp Quốc họ mua hàng từ Indonesia thông qua môi giới ở nước này. Giá trị đơn hàng lên đến 3 triệu USD.
Lãnh đạo Enermax cho biết thỏa thuận với phía môi giới Indonesia đã đổ vỡ và không được thanh toán. Công ty cũng khẳng định họ bị Kazachuk gạt rằng lượng than đá do DN5505 đưa đến Pohang vào tháng 10/2018 và tháng 2/2019 là từ Nga.
Trong khi DN5505 vẫn đang bị tạm giữ, chiếc Katrin đã được giới chức Hàn Quốc bắt đầu cho tháo dỡ vào tháng 6. Các quan chức nước này cho biết việc tháo dỡ được yêu cầu bởi ông Kazachuk. Doanh nhân người Nga cho biết ông không muốn tiếp tục trả tiền neo đậu cho con tàu.