Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình 'ăn' phim tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình

Từ năm 2007 đến nay, nhóm ba người của khoa CĐHA đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ghép phim, cắt phim, đổi phim, gian lận phim trong việc nhập và xuất phim cho bệnh nhân.

Dịch vụ “ăn phim” bẩn!

Vi phạm nhiều nhất tại BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM khi hàng loạt đơn tố cáo từ đầu năm 2013, tuy nhiên phần lớn là đơn tố cáo nặc danh. Vì vậy, phải 4 tháng tiếp cận, phóng viên mới tạo được sự tin tưởng và gặp được những người dám nói lên tiếng nói để phanh phui những sai phạm tại bệnh viện này.

Phanh phui đường dây giả xe cứu thương ở BV Chợ Rẫy

Một số nhân viên của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) móc nối với người bên ngoài ép bệnh nhân xuất viện đi xe cứu thương giả.

Theo nguồn tin tố cáo, phóng viên đã xác minh, các BS H.V.T - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA), ông P.T.H - Phó khoa và kỹ thuật viên trưởng B.B.V có hành vi tham ô tài sản. Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, nhóm ba người của khoa CĐHA đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ghép phim, cắt phim, đổi phim, gian lận phim trong việc nhập và xuất phim cho bệnh nhân. Mỗi tháng, khoa này ăn gian của người bệnh gần 250 triệu đồng.

Việc gian lận được thực hiện bằng hai cách: Đánh tráo phim X-quang (thu tiền của bệnh nhân với giá phim loại A, nhưng lại chụp bằng phim loại B rẻ hơn) và lắp ghép phim (người bệnh đóng tiền chụp cho 2 phim, nhưng khoa chụp ghép nhiều bộ phận cơ thể cần chụp trên 1 phim, rồi cắt nhỏ phim ra đưa cho bệnh nhân)”. Câu hỏi đặt ra là, tại sao tình trạng tiêu cực này diễn ra đã lâu mà lãnh đạo ở đây không biết?

Qua điều tra của phóng viên, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2011, số lượng phim dư là 10.860 tờ (giá 42.000 đồng/tấm), đó là chưa kể việc tráo phim, đóng tiền chụp phim loại A nhưng người bệnh chỉ được chụp phim loại B (chênh lệch 19.000 đồng/tấm phim). Mà mỗi tháng, BV sử dụng từ 28.000 - 30.000 tờ phim, trong đó số phim B thực sử dụng là ba phần, phim A là hai phần, nhưng trong báo cáo BV thì ghi phim A sử dụng ba phần, phim B hai phần.

Một bệnh nhân chụp cổ bàn chân ở 4 tư thế đã bị cắt ghép phim.
Một bệnh nhân chụp cổ bàn chân ở 4 tư thế đã bị cắt ghép phim.

Theo phản ánh của các BS, số tiền mà nhóm “ăn phim” hưởng lợi nếu tính từ năm 2007 đến nay là rất lớn.

Đăng báo để trả lại tiền gian lận

Thanh tra Sở Y tế đã vào cuộc và kết luận: Số liệu theo dõi bệnh nhân đến khám chụp X-quang tại khoa Chẩn đoán hình ảnh đã bị xóa, không còn đầy đủ; khoa cũng không in danh sách bệnh nhân ra để lưu giữ. Số tiền bệnh viện thu chụp phim X-quang làm tăng chi phí của người bệnh tổng cộng hơn 1 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra được UBND TP nhất trí với yêu cầu: Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình phải nhanh chóng tổ chức lại các quy trình khám bệnh bảo hiểm y tế, khám theo yêu cầu, xây dựng định mức vật tư tiêu hao y tế, thực hiện chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân một cách công khai, minh bạch...

UBND TPHCM cũng yêu cầu bệnh viện tổ chức đăng báo công khai cho các bệnh nhân đã đóng tiền thừa chênh lệch do chụp X-quang (phim A, phim B) trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 2/2012 biết, để họ đến bệnh viện nhận lại số tiền chênh lệch. Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình phải tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể khoa, phòng có liên quan đến vụ việc để xảy ra thất thoát phim X-quang tại bệnh viện.

Dư luận không chỉ cho rằng, việc xử lý đối với các cá nhân đã gây ra hậu quả xấu trong suốt thời gian dài là quá nhẹ, mà vấn đề là liệu đây có phải là bệnh viện duy nhất “ăn” kiểu này.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/nhung-qua-dam-thep-hanh-trinh-an-phim-tai-benh-vien-chan-thuong-chinh-hinh-233520.bld

Theo Võ Tuấn/Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm