Sách Bách khoa toàn thư Biểu tượng và hoa văn Mật Tạng của họa sĩ Robert Beer. Ảnh: Đông A. |
Trong một lần chia sẻ tạp chí Tricycle, họa sĩ Robert Beer - tác giả cuốn Bách khoa toàn thư biểu tượng và hoa văn Mật Tạng - đã nói: “Trí tưởng tượng là chìa khóa để hiểu nghệ thuật Mật Tông”. Đó là điều ông nhận thấy khi tìm hiểu về hệ thống tranh Thangka. Không chỉ vậy, trên hành trình này, ông còn khám phá ra góc nhìn mới về nghệ thuật hội họa. Đôi khi, vẽ tranh cũng là thiền.
Những đường dẫn vào tranh Thangka
Từ những năm 1970, họa sĩ Robert Beer đã bắt đầu tiếp xúc với tranh Thangka. Đây là một hệ thống các tác phẩm nghệ thuật được dùng để thể hiện cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt ma danh tiếng cùng chư Bồ tát, thánh thần. Tại thời điểm đó, ông Robert Beer còn chưa hiểu biết nhiều về các tôn giáo. Cho đến nhiều năm sau, khi có điều kiện đến khám phá vùng đất Tây Tạng, nguồn cảm hứng của họa sĩ Robert Beer mới thực sự được thức tỉnh.
Dù vậy, bước ngoặt trên hành trình tạo nên cuốn sách Bách khoa toàn thư biểu tượng và hoa văn Mật Tạng phải kể đến cuộc gặp gỡ của ông với nhà nghiên cứu Keith Dowman (tác giả cuốn Masters of Mahamudra of the 84 Buddhist Siddhas). Bằng những hiểu biết về Phật giáo, nhà nghiên cứu Keith Dowman đã giúp họa sĩ Robert Beer tập hợp các bức tranh Thangka. Cả hai cùng đào sâu hơn về ý nghĩa các họa tiết, chất liệu trong hệ thống tác phẩm độc đáo này.
Chân dung họa sĩ Robert Beer. Ảnh: Tibetan Studies. |
Bên cạnh đó, tại cuộc gặp gỡ này, tác giả Keith Darman đã giúp họa sĩ Robert Beer hiểu về một loạt các nhân vật trong tranh Thangka, 84 vị Đại Thành Tựu Giả. Họ là những thiền sư Ấn Độ đã giác ngộ được chân tánh. Các câu chuyện mà họa sĩ Robert Beer tìm thấy chủ yếu xoay quanh những người trong trạng thái tuyệt vọng vì nhiều lý do khác nhau, như mất mát người thân, nghèo khó, hoặc bệnh tật. Những người này sau đó gặp một vị guru (bậc thầy tâm linh) và được hướng dẫn vào một con đường tu tập đặc biệt, giúp họ đạt được trạng thái giác ngộ cao nhất, được gọi là Mahamudra Siddhi.
“Mahamudra, hay 'Đại Ấn', không chỉ biểu thị sự giác ngộ tâm trí mà còn mang lại những sức mạnh siêu nhiên, gồm tám đại thần lực. Những quyền năng này bao gồm khả năng đi xuyên qua vật chất, tạo ra vật phẩm từ hư không, biến vật thể thành vô hình, bay lượn, và đọc được suy nghĩ của người khác. Những câu chuyện về Mahasiddha đầy màu sắc huyền bí, mỗi người trong số họ đều trải qua một quá trình biến đổi tâm linh từ tuyệt vọng đến giác ngộ”, họa sĩ Robert Beer chia sẻ với độc giả năm 2014.
Sau đó, họa sĩ Robert Beer đã mở rộng nghiên cứu của mình, tìm hiểu về các họa tiết trong tranh Thangka như thủ ấn (mudra), tài bảo của Chuyển Luân Thánh Vương (chakravartin)...
Thực hành nghệ thuật cũng là một cách thiền
Hành trình tìm hiểu về nghệ thuật Phật giáo của họa sĩ Robert Beer không chỉ là một quá trình khám phá nghệ thuật mà còn là thiền định. Robert Beer có một mối quan hệ đặc biệt với vị thầy Tây Tạng của mình, Đức Nhiếp chính vương Khamtrul Rinpoche.
Trong quá trình thực hành thiền định sơ khởi, họa sĩ Robert Beer từng trải qua một khoảnh khắc bùng nổ cảm xúc khi ông quá tức giận mà ném tấm ván lạy về phía bàn thờ. Ngay sau đó, ông cảm nhận một sự an yên lớn lao và một sự khiêm nhường sâu sắc. Điều này đã thúc đẩy ông tìm đến Đức Nhiếp chính vương Khamtrul Rinpoche để chia sẻ về cảm giác của mình và hành động vừa xảy ra.
Đức Nhiếp chính vương đã cười thật lâu trước câu chuyện của Robert và sau đó khuyên ông nên tập trung vào việc vẽ tranh như một hình thức thực hành chính thay vì thiền định, bởi lẽ tâm hồn ông dường như đã nằm trong nghệ thuật hơn là trong thiền định.
Đức Nhiếp chính vương đã kể về một hành giả ở Tây Tạng cảm thấy mình chưa sẵn sàng cho các thực hành quán tưởng trong Mật tông, thay vào đó ông tập trung vào bốn pháp quán niệm sơ khởi: khổ đau, vô thường, nghiệp báo, và cái chết. Qua đó, vị hành giả này đã đạt được giác ngộ.
Những hình ảnh được họa sĩ Robert Beer sưu tầm trong cuốn sách Bách khoa toàn thư biểu tượng và hoa văn Mật Tạng. Ảnh: Đông A. |
Họa sĩ Robert Beer nhận ra rằng vẽ tranh có thể là phương pháp hoàn hảo để thực hành những pháp quán niệm này. Nghệ thuật, theo Đức Nhiếp chính vương, có thể trở thành một phương pháp tự thanh lọc giống như thực hành Vajrasattva. Ông hiểu rõ không gian nội tâm của sự sáng tạo nghệ thuật, nơi tâm trí tự bộc lộ và bày tỏ những đau khổ và hân hoan. Trong quá trình sáng tác, không còn gì khác ngoài việc quan sát tâm trí và những gì nó bộc lộ.
Họa sĩ Robert Beer đã biến vẽ tranh thành một hình thức thực hành tâm linh của riêng mình. Đối với ông, mỗi nét cọ, mỗi hình ảnh không chỉ đơn thuần là nghệ thuật mà còn là một hành trình tự khám phá và thanh lọc. Thông qua nghệ thuật Mật Tông, Robert đã tìm thấy con đường của mình - một con đường kết hợp giữa sáng tạo và tu tập, giúp ông hiểu sâu hơn về bản chất của tâm và sự vô thường của cuộc sống.
Cũng chính nhờ những lời khuyên đó, ông đã hoàn thành cuốn sách Bách khoa toàn thư biểu tượng và hoa văn Mật Tạng sau 8 năm nghiên cứu.
Công trình nghiên cứu về nghệ thuật tâm linh Tây Tạng này là kết quả của tám năm miệt mài vẽ tranh, của một đời chiêm nghiệm về nguồn gốc và ý nghĩa ẩn tàng trong từng đường nét của họa sĩ Robert Beer. Hàng nghìn chi tiết đơn lẻ bố cục thành 169 minh họa, gần như bao trùm toàn bộ biểu tượng và yếu tố đặc trưng của Phật giáo Tây Tạng.
Phần lớn minh họa được tái hiện ở kích thước nguyên bản. Tất cả đều được vẽ bằng bút lông nét nhỏ và mực tàu trên nền giấy mỹ thuật, họa sĩ chỉ sử dụng bút kỹ thuật cho các nét thẳng và đường tròn. Mỗi bức tranh tốn từ năm mươi tới hai trăm giờ để hoàn thành.
Hiện cuốn sách đã có phiên bản tiếng Việt được dịch giả Jigme hoàn thành trong 10 năm.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.