Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình 3 ngày đêm vật lộn với giặc lửa, cứu cháy rừng ở Hà Tĩnh

"Cắt từng gốc thông già hàng chục năm tuổi để mở đường cản lửa, tôi xót lắm, nhưng muốn cứu rừng thì dù đau tôi cũng phải làm", ông Đậu Văn Tiến ngậm ngùi.

Cựu binh kể hành trình mở đường băng cản lửa 3 ngày đêm Cựu binh Đậu Văn Tiến ở Hà Tĩnh cầm máy cưa lao vun vút qua các ngọn đồi rực lửa để cưa từng cây thông già, cùng hàng nghìn người mở đường băng cản lửa, tránh lan rộng đám cháy.

Vụ cháy rừng khủng khiếp ở thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) kéo dài suốt 3 ngày đêm đã làm tan hoang hàng chục ha rừng thông phòng hộ. Cũng trong đám cháy là hình ảnh những con người mang đầy đủ màu áo với khuôn mặt phờ phạc, lem luốc, ướt đẫm mồ hôi. Họ lao mình vào biển lửa với mong muốn cứu rừng, giữ lấy sự sống.

Trong số đó, có ông Đậu Văn Tiến (53 tuổi, trú thôn 8, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân), người đàn ông đã một mình mang máy cưa lao vun vút lên từng ngọn núi, cưa từng gốc cây thông già để mở đường cho bộ đội dọn đường băng cản lửa.

Làm mọi cách để cứu rừng

Hai ngày sau vụ cháy, cơn mưa vàng đã đổ xuống ngọn đồi lửa thị trấn Xuân An. Nhìn cánh rừng hàng chục năm tuổi dọc quốc lộ 1 héo úa, hoang tàn, trơ trọi, ai cũng xót xa.

Căn nhà của vợ chồng ông Tiến những ngày này cũng trở nên đông đúc hẳn lên, hầu hết người dân đến thăm hỏi sức khỏe của ông Tiến khi biết ông bị thương trong quá trình xả thân cứu rừng.

cuu rung phong ho o Ha Tinh anh 1
Ông Đậu Văn Tiến chỉ về những đường băng cản lửa mình tạo ra. Ảnh: Phạm Trường.

Tay bị thương, chân tập tễnh bước đi bởi trong quá trình tham gia cưa gỗ, tạo đường băng cản lửa, ông bị dây xích bung vào tay và chân nhưng ông vẫn vui vẻ, dẫn chúng tôi trở lại cánh rừng bị cháy và kể câu chuyện băng lửa cứu rừng của mình.

12h30 ngày 28/6, đám cháy được người dân thôn 7, xã Xuân Hồng phát hiện và cấp báo cho cơ quan chức năng. Khoảng 15h cùng ngày, ngọn lửa đã lan sang khu vực rừng của xã và cả khu vực rừng của thị trấn Xuân An.

"Lửa cháy trên đồi Xuân An lớn lắm bác Tiến ơi, bác lên ứng cứu mở đường băng cản lửa giúp". Cuộc điện thoại giữa trưa từ số máy lạ khiến ông Tiến bừng tỉnh giấc ngủ. Chẳng kịp nghĩ thêm điều gì, lão nông, cựu chiến binh qua tuổi ngũ tuần vơ vội chiếc áo bộ đội, cầm cây cưa xăng thường dùng cắt gỗ phóng xe máy về nơi có cháy trước sự ngỡ ngàng của người vợ.

Vượt quãng đường hơn 10 km, trước mắt ông, ngọn đồi ngút ngàn thông xanh nay rừng rực lửa và khói từ 3 phía. Phía dưới núi, hàng trăm người gồm bộ đội, công an và nhân dân có mặt như bất lực trước đám cháy.

"Tôi chẳng nghĩ gì mà chỉ biết lao lên phía rừng để mở đường băng hạn chế cháy lan ra. Cứ thế tôi cùng hàng trăm chú bộ đội lao lên rừng mà cưa, mà cào thực bì để chống cháy", ông Tiến nói.

cuu rung phong ho o Ha Tinh anh 2
Những gốc thông cháy trơ trụi sau vụ cháy. Ảnh: Phạm Trường.

Ông Tiến không nhớ mình đã cưa đổ bao nhiêu cây thông già để cùng lực lượng công an, bộ đội, lính cứu hỏa, kiểm lâm và người dân mở đường băng cản lửa, hạn chế lan rộng ra.

Người đàn ông gầy gò, đen sạm cứ thế lao vun vút từ dưới chân núi lên tận đỉnh núi. Hết quả đồi này đến quả đồi khác như con thiêu thân để rồi tạo ra những đường băng rộng gần 20 m, dài cả trăm mét để ngăn cách các cây trong rừng với hy vọng lửa ngừng thiêu.

"Mình gắn với rừng nên cứ cưa cây nào là xót, là thương. Nhưng cũng phải cưa, cưa cây này cây kia để cứu cả cánh rừng", ông trầm ngâm.

Đến 17h cùng ngày, khi đã không còn xăng chạy cưa, chai nước mang theo cũng đã cạn, ông Tiến mới lần mò tìm đường xuống núi. Mua suất cơm 30.000 đồng để lấy thêm sức tiếp tục dập lửa, nhưng chỉ mới nuốt được vài miếng thì điện thoại lại reo, lửa lại cháy lan, ông lại lao đi.

“Gửi lại hộp cơm, tôi mua lại quán ăn ít quả chanh, xin thêm nắm muối bỏ vào túi rồi lao lên rừng. Ngậm chanh với muối sẽ đỡ khát hơn là uống nước nhiều”, ông Tiến nói.

Cứ thế suốt 2 ngày đêm, ông cứ lao vun vút vào từng đám cháy, hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác, tạo hàng trăm mét đường băng rộng 15-20 m để cản lửa lan ra. Luôn đi phía sau ông là hàng trăm người phụ việc dọn thực bì, nhánh cây.

Tập tễnh từng bước lên gốc thông già đã bị đốn ngã, vuốt nhẹ bàn tay chai sạm, bị thương do dây cưa văng trúng, người lính già trầm ngâm: “Cây nào cũng hàng chục năm tuổi rồi, chặt cây nào đau cây đó nhưng không có những con đường như thế này để ngăn cách thì chắc toàn bộ cánh rừng đã bị ngọn lửa thiêu trụi”.

cuu rung phong ho o Ha Tinh anh 3
Nhìn lại những gốc cây phải chặt để mở đường cản lửa, ông Tiến đau xót. Ảnh: Phạm Trường.

Quãng thời gian hỗ trợ lực lượng chức năng chữa cháy rừng cũng là thời gian ông không về nhà với vợ. Cứ ăn mật, nằm gai để lửa rừng không thể lan rộng. Những lần vợ gọi, động viên ông chỉ biết cười mà nói: “Bố bay khỏe lắm, lửa đang cháy mạnh, khi dập xong rồi về”.

Cứ như vậy, ông Tiến cùng mọi người làm nhiệm vụ này suốt 3 ngày 2 đêm. Đến trưa 1/7, khi ngọn lửa đã tắt hoàn toàn, ông mới trở về nhà để nghỉ ngơi.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ, cho biết sau thời gian chiến đấu tại chiến trường ở nước bạn Lào, ông Tiến trở về địa phương lấy vợ sinh con. Ông Tiến là một cựu binh đầy trách nhiệm, luôn tiên phong tham gia các công việc cộng đồng, các vụ cháy rừng xảy ra đều có sự góp mặt của ông.

"Tôi làm không để nổi tiếng"

Cũng trong những ngày cháy rừng thông ở huyện Nghi Xuân, vợ chồng ông Lê Văn Hồng, bà Nguyễn Thị Minh, chủ một nhà hàng ở TP Vinh cũng đã tổ chức phát 1.000 suất cơm, 2.000 chai nước và 3 tạ đá lạnh miễn phí để hỗ trợ lực lượng chức năng ngày đêm dập lửa cứu rừng.

Theo ông Hồng, chiều 29/6, lúc đang nằm nghỉ trong phòng, ông thấy tin rừng thông ở núi Hồng Lĩnh đang cháy ngùn ngụt, phía dưới là hình ảnh hàng nghìn người đang nỗ lực dập lửa.

Suy nghĩ không biết sẽ hỗ trợ điều gì, ông liền viết dòng trạng thái lên Facebook cá nhân: "Có ai nấu cơm miễn phí cho các chiến sĩ công an, bộ đội đang cứu rừng thông không, hay tôi gọi vợ dậy".

cuu rung phong ho o Ha Tinh anh 4
Ông Hồng (áo đen) chia sẻ suất cơm tới từng lực lượng chữa cháy. Ảnh: H.N.

Nói là làm, ông bàn vợ và huy động 30 nhân viên chuẩn bị 500 suất cơm, mỗi suất kèm một lon nước ngọt, một chai nước khoáng và trực tiếp đưa đến nơi lực lượng chức năng đang dập lửa cứu rừng.

“Không trực tiếp đến dập lửa cứu rừng được, tôi nghĩ mình phải làm việc gì đó nên mới bàn vợ chuẩn bị cơm, nước mang đến hỗ trợ lực lượng dập lửa. Lúc phát cơm cho anh em thấy họ ngạc nhiên. Họ ăn cơm, khen ngon, tôi mừng lắm”, ông Hồng nói.

Chủ nhà hàng cũng chia sẻ việc làm của vợ chồng ông không phải để nổi tiếng mà chỉ muốn sẻ chia với những người lính đang đói mệt, không quản ngại nguy hiểm lao vào những đám cháy để cứu lấy rừng xanh.

Sáng 1/7, ông Hồng tiếp tục trao 5 triệu đồng cho gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã tử vong khi đang tiếp nước chữa cháy rừng. Chủ quán này còn hỗ trợ 25 triệu đồng giúp huyện Nam Đàn và xã Nam Kim khắc phục hậu quả của các vụ cháy rừng.

Cảnh hoang tàn ở rừng phòng hộ bị lửa thiêu 3 ngày nhìn từ trên cao Đám cháy suốt 3 ngày đã xóa sổ diện tích lớn rừng thông phòng hộ thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Hơn 50 ha rừng thông hàng chục năm tuổi nay chỉ còn lại cảnh hoang tàn.

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết qua thống kê, vụ cháy rừng thông phòng hộ ở xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An thiệt hại 66 ha rừng, mức độ hồi sinh chỉ chiếm khoảng 30%. Số cây rừng đều ngoài 40 năm tuổi. 

Tro tàn nơi rừng phòng hộ bị 'giặc lửa' hoành hành 3 ngày đêm

Rừng thông phòng hộ hàng chục năm tuổi được xem là "lá phổi xanh" của người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bỗng chốc trở nên vàng úa, trơ trụi sau 3 ngày đêm lửa vây.

Phạm Trường

Bạn có thể quan tâm