Bệnh nhân số 57 quốc tịch Anh sau 21 ngày điều trị và 2 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 đã được Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam cho xuất viện.
TS.BS Lê Viết Nhiệm, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, cho biết việc điều trị thành công cho bệnh nhân là sự cố gắng của toàn thể ngành y tế địa phương và nhân viên bệnh viện.
"Với việc vận dụng 4 nguyên tắc: Cách ly - điều trị - tinh thần - dinh dưỡng, việc điều trị cho bệnh nhân sẽ tốt hơn", bác sĩ Nhiệm chia sẻ.
Chuẩn bị thật kỹ
Nhớ lại thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Nhiệm kể lại khoảng 11h đêm 15/3, bệnh viện nhận được tin sẽ tiếp nhận ca bệnh đầu tiên nhiễm Covid-19 đến điều trị.
Lúc này, mọi thứ đã được chuẩn bị. Nhưng với bệnh nhân người nước ngoài, lại là ca bệnh đầu tiên, nên bệnh viện chuẩn bị có phần kỹ càng hơn.
Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 57 xuất viện sau 21 ngày điều trị. Ảnh: Nam Lộc. |
Sáng 16/3, khi được đưa đến viện, vợ chồng bệnh nhân người Anh có tâm lý hoang mang, lo lắng. Điều dưỡng đưa họ vào phòng, động viên rồi được giải thích giúp hai người bớt căng thẳng hơn.
Bác sĩ Nhiệm cho biết nam bệnh nhân người Anh tại thời điểm tiếp nhận chỉ có biểu hiện ho nhẹ, không sốt và không có bệnh lý nền.
"Tuy nhiên, người này bị rối loạn giấc ngủ nên những ngày đầu khó khăn. Ngoài việc trấn an, động viên thì bác sĩ cũng kê thuốc an thần để tinh thần họ thoải mái, dễ ngủ", bác sĩ Nhiệm nhớ lại.
Nam bác sĩ cho hay trong quá trình điều trị, ông luôn xem bệnh nhân như một người bạn và chia sẻ cùng nhau những vướng mắc.
"Chúng tôi ở đây để hỗ trợ ông bà", bác sĩ Nhiệm chia sẻ ngày nào ông và các cộng sự cũng nói với họ câu đó. Dần dần, họ bắt đầu tin tưởng vào việc chữa trị hơn.
Cùng chăm sóc cho bệnh nhân, điều dưỡng Phạm Thị Ánh kể những ngày đầu chị ít tiếp xúc và nói chuyện cùng bệnh nhân. Nhưng qua quá trình điều trị, chị được bệnh nhân dạy cho những câu nói tiếng Anh để có thể giao tiếp trong lúc gặp gỡ. Còn chị cũng dạy cho họ nhiều câu tiếng Việt.
"Trước khi rời bệnh viện, ông ấy cùng vợ đã gửi lời cảm ơn tôi bằng tiếng Việt", nữ điều dưỡng chia sẻ.
Các nhân viên y tế nhớ lại, chiều 5/4, nam bệnh nhân người Anh được trao giấy chứng nhận âm tính và cho xuất viện. Khi đó, ông bật khóc trước tình cảm và những gì mình nhận được qua 21 ngày điều trị tại bệnh viện.
"Ở đây tôi được chăm sóc, điều trị hơn cả sự mong đợi của mình, tôi thấy thực sự hạnh phúc và biết ơn điều này. Tôi xin cảm ơn các bác sĩ, những nhân viên bệnh viện đã giúp đỡ vợ chồng tôi vượt qua thời gian này", bệnh nhân người Anh chia sẻ.
Nam du khách người Anh xúc động, bật khóc khi nhận kết quả âm tính với Covid-19 và được xuất viện ngày 5/4. Ảnh: Thanh Đức. |
Bác sĩ Nhiệm cũng không quên cảm giác căng thẳng, hồi hộp khi chờ đợi kết quả xét nghiệm lại của bệnh nhân.
"Khi có kết quả lần 2 thì tất cả vỡ òa. Hôm đó bệnh nhân đang tập thể dục, tôi gọi ông vào thông báo. Lúc đó ông khóc, hạnh phúc và nắm chặt tay tôi, nói lời cảm ơn bằng tiếng Việt", nam bác sĩ kể lại.
Quyết tâm chữa khỏi cho bệnh nhân
Bác sĩ Nhiệm tâm sự, 21 ngày điều trị cho bệnh nhân 57, những bác sĩ và điều dưỡng, hộ lý khi đều xác định tâm lý từ trước.
"Mọi người làm việc ở đây trong khoảng thời gian chăm sóc bệnh nhân đều xác định tư tưởng khi vào sẽ ở lâu dài và sắp xếp việc nhà. May mắn là tất cả người nhà đều hiểu và ủng hộ", bác sĩ Nhiệm nói.
Ông cho biết quá trình điều trị, bệnh viện đã huy động 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng và 1 hộ lý. Và việc điều trị thành công cho bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 57 là nỗ lực, cố gắng của những thành viên từ ngày đầu đến khi bệnh nhân xuất viện.
TS. BS Lê Viết Nhiệm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 57. Ảnh: Thanh Đức. |
Từ khi bệnh nhân đến, bệnh viện đã phân ra thành 3 khu cách ly riêng biệt. Một khu dành cho bệnh nhân mắc Covid-19 là khu vực đỏ; khu thứ 2 là khu vực vàng dành cho những bệnh nhân nghi nhiễm và khu thứ 3 là khu vực xanh dành cho những người cách ly tập trung.
"Tại bệnh viện, trang thiết bị cơ bản có đủ, thuốc men cũng không thiếu. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng bổ sung một số máy móc phòng trường hợp bệnh nặng. Chúng tôi rất vui mừng vì ca bệnh này nhẹ và chữa trị thành công", bác sĩ Nhiệm nói.
Ngoài liệu trình điều trị, bác sĩ Nhiệm cho rằng vấn đề tinh thần và dinh dưỡng của người bệnh rất quan trọng.
Theo ông, Khoa Dinh dưỡng bệnh viện đã thay đổi khẩu phần và món ăn mỗi bữa, chế biến theo phong cách châu Âu, dù không phải 100% nhưng họ vẫn cảm thấy tốt hơn. Việc ăn uống thoải mái, đúng khẩu vị cũng giúp cho bệnh nhân thoải mái và nhanh hồi phục hơn.
Bác sĩ Đinh Đạo, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, cho biết việc điều trị thành công cho nam bệnh nhân mắc Covid-19 khích lệ tinh thần đối với những người nhiễm, với bệnh viện và với tất cả người dân.
Tính đến 6/4, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là 245 người, 91 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Trong 5 bệnh nhân nặng, chỉ có 2 trường hợp phải thở máy là bệnh nhân 91 (phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và một bệnh nhân 88 tuổi ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.