Gần 30 phút sau khi chuyến bay số hiệu CA106 đi Đại Liên, Liêu Ninh, cất cánh rời sân bay Hong Kong, luật sư Eugene Chow cùng 152 hành khách còn lại kinh hoàng nhận ra chiếc máy bay của Air China đang giảm cao độ nhanh chóng mặt.
Nghi mặt nạ dưỡng khí không có oxy
Thông báo khẩn cấp từ hệ thống loa trên máy bay yêu cầu hành khách đeo ngay những chiếc mặt nạ dưỡng khí vừa được bung xuống. Tuy nhiên, theo lời kể của luật sư 66 tuổi, dường như không có chút khí oxy nào được bơm vào.
"Tôi cố hít thở đều nhưng chỉ thấy toàn khí CO2 mà mình thở ra. Trong số những mặt nạ dưỡng khí được cung cấp, không cái nào có khí oxy", ông Chow kể lại.
Một người bạn của ông Eugene Chow trên chuyến bay CA106 đeo mặt nạ dưỡng khí nhưng vẫn thấy khó thở. Ảnh: SCMP. |
Trả lời South China Morning Post, ông cho rằng hãng hàng không Air China nên kiểm tra lại hệ thống mặt nạ dưỡng khí trên tất cả các chuyến bay của hãng nếu "thật sự muốn cải thiện các biện pháp an toàn".
Những người bạn của ông cũng khó thở khi sử dụng mặt nạ.
"Không có chút không khí nào trong mặt nạ. Chúng tôi phải cởi chúng ra để thở tự nhiên", Winston Tsang Chue-on, bạn của ông Chow, kể lại. Người đàn ông 67 tuổi nghĩ lúc đó cuộc đời mình đã kết thúc.
Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở khoang thương gia của ông Chow và 7 người bạn trong hội đánh golf. Nhiều hành khách khác trên chuyến bay nói không cảm thấy có oxy được bơm vào mặt nạ. Một số người cho biết lượng dưỡng khí là rất ít.
Nhiếp ảnh gia Hoby Sun, 37 tuổi, một hành khách ngồi khoang phổ thông nói rằng người anh "như đóng băng" và run rẩy khi đeo mặt nạ dưỡng khí. "Tôi nghĩ rằng mình sắp chết", anh kể lại.
Sun cho biết những người ngồi xung quanh anh không phàn nàn gì về thiết bị. Tuy nhiên, khi anh đăng ảnh chụp mặt nạ của mình lên mạng xã hội ít ngày sau, bạn bè và cộng đồng mạng bình luận rằng mặt nạ của anh đã hư vì túi khí không được bơm căng.
Trong khi đó, trả lời SCMP, một kỹ sư của hãng hàng không Cathay Pacific cho rằng việc mặt nạ không được bơm căng chưa đủ để chứng tỏ chúng bị hỏng hóc. Tuy nhiên, kỹ sư này không loại trừ khả năng một số mặt nạ trên chuyến bay đã không được bảo trì hay thay thế kịp thời.
Khoang hành khách trên chuyến bay CA106 sau khi sự cố được khắc phục. Ảnh: SCMP. |
Báo động vấn nạn phi công hút thuốc
Chuyến bay CA106 trên đường đi Đại Liên ngày 10/7 đã “rơi” gần 7.600 m trong vòng 10 phút.
Hãng hàng không Air China xác nhận một phi công của chuyến bay đã hút thuốc lá điện tử trong buồng lái. Người này giấu cơ trưởng, tìm cách tắt quạt thông gió để tránh khói bay vào khoang hành khách, nhưng lại tắt nhầm hệ thống dẫn khí làm giảm mức oxy và báo động toàn chuyến bay.
Tổ bay phải khởi động quy trình khẩn cấp, cho hành khách dùng mặt nạ dưỡng khí và giảm độ cao cấp tốc đến vùng không khí ổn định.
Khi cơ trưởng nhận ra vấn đề, chiếc Boeing 737 lấy lại cao độ và tiếp tục hành trình. Sau khi rời Hong Kong gần 3 giờ, 153 hành khách và phi hành đoàn 9 người đã hạ cánh an toàn.
Sau sự cố, Cơ quan Hàng không Dân sự Trung Quốc đã cắt giờ bay của Air China, phạt hãng hơn 50.000 nhân dân tệ (hơn 7.000 USD), hủy bằng lái của 2 phi công có mặt trong buồng lái ngày hôm đó.
Tuy nhiên, theo một cựu phi công của Air China, vấn nạn hút thuốc trong buồng lái máy bay đã tồn tại nhiều năm trời mà không được giải quyết. Người này còn chụp gần 70 tấm ảnh trong 5 năm làm việc tại Air China để làm bằng chứng.
Theo viên phi công này, hút thuốc trong buồng lái đã trở thành một văn hóa tại hãng và ông buộc phải làm ngơ vì cũng là thành viên phi hành đoàn.
"Tôi đã trăn trở về vấn đề này trong nhiều năm. Giờ đây tôi phải hành động theo lương tâm của mình. Tôi không nghĩ rằng một sự cố có thể thay đổi được nếp văn hóa, nhưng ít ra tôi đã lựa chọn đúng", người phi công này cho biết.
Nhiều hành khách cho rằng mặt nạ dưỡng khí trên chuyến bay CA106 gặp trục trặc. Ảnh: SCMP. |
Trong khi đó, nhiều hành khách trên chuyến bay CA106 vẫn rất bức xúc về cách xử sự của Air China sau sự cố kinh hoàng ngày 10/7. Đã có 3 hành khách nộp đơn kiện hãng hàng không vì để cho phi công hút thuốc trong buồng lái.
Theo Hoby Sun, anh được hãng gọi điện xin lỗi vào ngày 13/7, một ngày sau khi truyền thông tiết lộ phi công hút thuốc gây ra sự cố trên chuyến bay. "Hãng chỉ xin lỗi suông và nói sẽ gửi tôi mô hình máy bay làm quà lưu niệm", anh cho biết.
"Có cả trăm hành khách trên chuyến bay, nhưng với họ chúng tôi chỉ là những con số. Không ai nhắc gì đến chúng tôi hay quan tâm xem hiện tình hình chúng tôi ra sao cả", anh bức xúc cho biết.
Hãng hàng không Air China và Cơ quan Hàng không Dân sự Trung Quốc vẫn chưa phản hồi hay cam kết điều tra các thắc mắc của hành khách chuyến bay CA106 về mặt nạ dưỡng khí.