Trong khung cảnh đau buồn và đầy nước mắt, hành động cười đùa, hò hét, chụp ảnh tự sướng của người dân khi gặp các nghệ sĩ nổi tiếng tới viếng Minh Thuận khiến những người yêu mến anh không khỏi đau lòng.
Sự hiếu kỳ của người dân làm nhiều người cho rằng đây là hành động thiếu ý thức, không có văn hoá, nhận thức quá tầm thường và không thể chấp nhận khi cười đùa trong lễ tang thấm đẫm nước mắt như vậy.
‘Hành động thiếu ý thức’
Nhiều độc giả cho rằng đây là hành động vô văn hoá. Và không thể giải thích được việc biến lễ tang Minh Thuận trở thành cơ hội để gặp gỡ người nổi tiếng của nhiều người dân.
Bạn Thu Thảo thẳng thắn: “Ý thức mấy người này để đâu không biết. Mấy ngày qua, mình rất đau lòng vì đã mất đi một trong những ca sĩ mình rất yêu mến. Vậy mà, nhìn những hình ảnh cười đùa, chụp ảnh để khoe trên mạng xã hội, hò hét khi gặp các nghệ sĩ nổi tiếng.
Không biết họ có biết nỗi đau của gia đình và các nghệ sĩ đến dự không nữa? Thật buồn lòng”.
Cùng suy nghĩ, bạn Ngư Ngư bình luận: “Đến nản với ý thức của một số người dân. Tối nay, các nghệ sĩ hát tiễn chú Minh Thuận chắc người ta còn đến xem đông lên gấp bội.
Lại có những livetream, hò hét, quay clip để khoe với mọi người là mình từng có mặt ở đó, từng thấy nghệ sĩ, y như đang đi xem ca nhạc vậy. Hành động đó thể hiện sự thiếu ý thức, thiếu tôn trọng với người đã khuất”.
Độc giả Lê Phùng Hưng nghĩ rằng trong văn hoá người Việt thì việc cười đùa, chụp ảnh giữa đám tang là điều cấm kỵ. Hơn nữa, “mấy người hành xử này đều có tuổi rồi, cứ cười đùa, chụp ảnh như đi xem chương trình văn nghệ vậy.
Họ là người không có ý thức chứ không phải là ý thức kém. Là một người có ý thức sẽ không làm như vậy cho dù ở bất cứ đám tang nào”.
Nhiều người đứng đợi bên ngoài từ sáng đến tận khuya để có những bức hình chụp chung với các nghệ sĩ. Ảnh: Tùng Tin. |
Thậm chí, nhiều độc giả cảm thấy “thương” cho những người này, bởi họ quá tầm thường trong cả suy nghĩ và nhận thức.
Bạn Lê Nguyễn trần tình: “Tôi không thấy bực mình hay tức giận vì hành động của họ, mà chỉ thương cho họ quá tầm thường trong suy nghĩ cũng như nhận thức.
Mấy ngày nay theo dõi thông tin mà nước mắt cứ rơi, vậy mà họ... Thật tội nghiệp. Ngày nào đó, họ cũng gặp trường hợp như vậy. Nhân cách, nhận thức, đạo đức ở đâu mà cười toe cái miệng như thế?”.
‘Tình trạng cười đùa trong đám tang không hiếm’
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng không thể trách những người cười đùa trong đám tang của Minh Thuận được. Bởi họ không có tiền mua vé xem các nghệ sĩ diễn trên sân khấu, nay có dịp thì đi xem. Hoặc cũng có thể là giới trẻ không biết đến Minh Thuận nên mới có hành động này.
Thành viên Linh Chí Nguyễn nhận định: “Cũng khó trách, vì những người đó còn trẻ và Minh Thuận không có tên tuổi như Hoài Linh, hay các nghệ sĩ nỗi tiếng khác. Vì thế, họ không cảm thấy buồn hay xót cũng là điều bình thường.
Và việc gặp người nổi tiếng để chụp hình không hề dễ, nên họ tranh thủ cơ hội này thì không đáng trách”.
Tuy nhiên, hành động cười đùa, la hét, chụp ảnh của người dân trong đám tang không phải là lần đầu tiên xảy ra. "Mọi người không thể đổ thừa là không có tiền mua vé xem biểu diễn hay không biết đến Minh Thuận được”.
Sự việc xảy ra tương tự trong đám tang của nam ca sĩ Wanbi Tuấn Anh năm 2013. Người hâm mộ xếp thành hàng bên ngoài nhà tang lễ để chờ những ngôi sao xuất hiện.
Có người ví không khí ở nhà tang lễ của nam ca sĩ này “đông vui như ngày hội”. Mọi người nhốn nháo, cười đùa, la hét khi nhìn thấy thần tượng của mình xuất hiện.
Trước đó không lâu vào năm 2015, trong đám tang của Duy Nhân cũng xuất hiện những hành động xấu của một số người. Trong khi đám tang đang diễn ra, nhiều người hâm mộ Hoài Linh cố gắng chen chân để chạm vào anh. Những người khác liên tục cười đùa, chen lấn nhau để nhìn thấy tận mắt khi các ngôi sao.
Qua đó, độc giả Nguyen Nam Phong nhận định: “Dù với bất cứ lý do gì thì đó vẫn là hành động đáng phê bình, chê trách. Đừng quá vô tư với nỗi buồn thiêng liêng này, để trở thành vô cảm trước nỗi đau của người khác.
Ngả nón cúi đầu khi qua đám tang, đó là điều đã được học ở phổ thông, đó cũng là tình người. Vì đó là những giây phút cuối cùng của một người, cần phải trân trọng, cần phải được tôn trọng”.
“Không thể tưởng tượng được, sao lại có những người như vậy nhỉ? Dù hâm mộ đến thế nào đi chăng nữa thì cũng phải có lòng tự trọng, có ý thức chứ? Đám tang ít nhất cũng phải biết phép lịch sự là không được cuời cợt hay xin chụp ảnh vậy chứ? Dù quen biết hay không quen biết thì cũng nên thể hiện cho đúng văn hoá”, bạn Phương Nguyên nói.