Giá nhập buôn rẻ không đủ cõng phí xách tay
Đồ Nga vẫn được khách Việt ưa chuộng với nhiều đặc sản ngon, chất lượng, hợp dùng trong những ngày đông lạnh hoặc dịp lễ Tết như bánh kẹo, hướng dương, các loại hoa quả sấy, kem dưỡng da chống nẻ...
Nắm bắt thông tin thời sự về đồng rúp Nga mất giá, nhiều tín đồ hàng Nga cho rằng, nhờ vậy hàng xách tay về Việt Nam sẽ giảm theo. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Zing.vn tại thị trường Hà Nội, thực tế giá cả hàng hóa xuất xứ từ Nga không có nhiều thay đổi. Thậm chí, lợi dụng xu hướng chuộng hàng Nga trong vài năm trở lại đây, các nguồn hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều, khiến người tiêu dùng hoang mang.
Loay hoay xem giá các mặt hàng tại một shop chuyên đồ Nga trên phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội), chị Vũ Thu Thủy liên tục so sánh giá cả chênh lệch từng loại bánh, kẹo và hướng dương mà chị ưa thích, trước và sau khi có tin đồng rúp mất giá. "Đáng ra giá phải rẻ hơn chứ sao lại tăng thế nhỉ?", chị Thủy thắc mắc.
Đồng rúp mất giá nhưng các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo xách tay Nga không rẻ hơn trước, do thời gian cận Tết, phí vận chuyển tăng mạnh. Ảnh: Diệp Sa. |
Chỉ vào loạt chocolate có vỏ hộp hình tờ 500 EUR và 100 USD, chị Thủy cho biết, năm trước chị mua khá nhiều loại kẹo chocolate pha sữa này để làm quà mừng tuổi cho trẻ nhỏ và đồng nghiệp dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, với giá 35.000 đồng/hộp. Năm nay, giá cả vẫn vậy. Một số mặt hàng bánh kẹo Nga nhà chị chuộng dùng trong ngày Tết như hướng dương hiệu con vịt, kẹo chocolate hạnh nhân, phomai... cũng được bán giá như cũ.
Thấy chị Thủy là khách quen, chủ shop giải thích: "Đồng rúp mất giá nhưng giá hàng xách tay không giảm, thậm chí cận Tết sẽ tăng, do chi phí xách tay, vận chuyển thời gian này tăng cao. Giá hàng mua tại Nga có rẻ hơn một chút, nhưng tiền chênh giá ấy có khi không đủ cõng phí xách về".
Tham khảo thêm một số địa chỉ chuyên hàng Nga tại khu "phố hàng không" Nguyễn Sơn, hầu hết giá cả các mặt hàng nhập khẩu từ Nga về Việt Nam theo đường tiểu ngạch không có nhiều thay đổi. Các chủ hàng khi được hỏi đều có chung lời giải thích: Do phí vận chuyển cận Tết đội lên cao kéo theo giá bán về Việt Nam không những không giảm mà đang trên đà tăng mạnh tới gần cuối tháng 1/2015.
Hàng xịn, hàng nhái "cháy" như nhau
Bị khách hàng chê giá cao và liên tục mặc cả, chị V., chủ một shop hàng Nga mới gia nhập con phố này mách nhỏ cho vài mối buôn: "Nếu muốn nhập giá mềm thì tốt nhất là góp vốn đặt nguyên công (container), chứ xách qua tiếp viên thì đừng mong giá thấp. Còn khách cứ ham giá rẻ thì coi chừng hàng nhái".
Đem ra một gói hướng dương hiệu bà già khẳng định là "chuẩn Nga", chị V. sành sỏi: "Trông bao bì cũ cũ vậy nhưng lại là hàng xịn. Hướng dương Nga hạt nhỏ đều, vỏ mỏng, đen sẫm, hạt ăn béo bùi chứ không như loại hàng nhái, hạt ăn được, hạt vừa vào tới đầu lưỡi đã chua loét hoặc mủn ra vì nấm mốc".
Nói đoạn, chủ hàng tiếp tục kéo ra 4, 5 bịch nylon đen đựng kẹo chocolate nhân rượu in hình em bé bên ngoài, và khẳng định đây là hàng nhập độc quyền của chị. Chị V. cho biết, loại kẹo truyền thống của Nga này hiện rất nhiều người thích, nhưng cũng không đủ hàng mà bán, hàng bán ngoài thị trường phần lớn là hàng nhái. "Đây cũng là loại kẹo bán chạy nhất nhưng cũng bị làm nhái nhiều nhất, vì bán theo cân".
Nhiều khách tới mua hàng băn khoăn về giá cả, hoang mang về chất lượng và nguồn gốc hàng Nga nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Ảnh: Diệp Sa. |
Quan sát kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy loại kẹo chocolate sữa bán theo cân này không rõ nhãn mác. Nhiều viên kẹo đã bị chảy nước, một số kẹo vỏ không bọc hết ruột. Vài khách cho biết, lớp ngoài kẹo là chocolate pha nhiều sữa, mùi vị không quá khác biệt so với các loại kẹo được bán phổ biến ở thị trường trong nước.
"Có khác chắc ở cái giá. Giá các loại kẹo như thế này nhưng hàng nội chỉ khoảng 100.000 đồng/kg, trong khi hàng này được chủ hét giá cao gấp 5 lần. Bạn tôi ở Nga từng bảo, tại Nga cũng có hàng chợ, có hàng siêu thị. Hàng nào không rõ nhãn mác, hạn sử dụng thì cứ tránh cho an toàn", chị khách hàng nói.
Nhận thấy người mua nghi ngờ, chủ hàng gắt gỏng: "Mua hàng quan trọng là phải tinh chứ nhãn mác cần thì dán vào lúc nào chẳng được. Những viên bị ướt là do tôi mới nhập về quên chưa để tủ lạnh, nhưng hiện kẹo này cũng không có sẵn". Chưa đầy 15 phút sau, số hàng trên đã được 2 mối buôn tới thanh toán gọn.
Cũng ở shop này, do không trả kịp hàng hướng dương cho khách đặt trước, chủ hiệu vừa tỏ ý kén khách mua lẻ, vừa nhấc máy gọi điện "mượn" hàng ở nhiều mối khác, đồng thời tiện "xin ít tem mác dán loại hướng dương con vịt!".
"Tôi sống ở Nga nhiều năm mới về Việt Nam 2 năm nay. Cũng tự tin mình sẽ lựa chọn được hàng chuẩn, nhưng giờ chắc phải nhắn người thân mua chính hãng từ bên đó gửi về. Hôm trước cháu gái nhờ tôi đặt mua nước hoa mini từ Nga, nhưng tôi hỏi đủ các nơi, bạn bè cất công tìm mãi sau mới biết hầu hết các siêu thị tại Nga không hề có hàng nước hoa mini, muốn mua chỉ có ra chợ", bác Khánh Hoàn (An Dương, Tây Hồ, Hà Nội), một khách hàng chia sẻ.
Cũng theo bác Hoàn, ngay tại Nga, người dân cũng chỉ chuộng mua thực phẩm, bia, rượu nội địa, còn các mặt hàng như bánh kẹo, mỹ phẩm, thời trang lại thường hướng tới các thương hiệu ngoại nhập từ Đức, Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha, vì tính thời thượng vượt trội.