Với yêu cầu hàng hóa phải “nhập khẩu đồng bộ nguyên chiếc từ Singapore - Hàn Quốc hoặc các nước G7” được nhiều doanh nghiệp “gài” trong hồ sơ mời thầu, các nhà sản xuất trong nước đã bị loại “ngay từ vòng... gửi xe” dù sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng.
“Đi đấu thầu, đặc biệt là các gói thầu nhà nước hoặc vốn nhà nước chiếm đa số, chúng tôi thường nhận được hồ sơ đấu thầu với yêu cầu sản phẩm phải được nhập ngoại 100%. Như vậy làm gì có cơ hội cho doanh nghiệp (DN) nội thắng thầu trên sân nhà” - ông Trần Thành Trọng, tổng giám đốc Công ty CP SBMpower, bắt đầu câu chuyện của mình.
Hàng kỹ thuật của VN cạnh tranh được, thông số kỹ thuật cũng rất dễ kiểm tra bằng máy móc khách quan nên các đơn vị mua hàng không có lý do gì phải lấy mác ngoại để đảm bảo chất lượng cả.
Chúng tôi không cần ưu tiên, nhưng cần được cạnh tranh công bằng, thay vì bị loại để nhường sân cho DN ngoại thi thố.
Ông Trần Thành Trọng (Tổng giám đốc Công ty CP SBMpower)
Chưa tham gia đã bị loại
Đưa ra bộ hồ sơ của một đơn vị nhà nước có trụ sở tại quận 3, TP HCM yêu cầu chào hàng cạnh tranh cung cấp và lắp đặt máy phát điện 560 kVA đầu tháng 8/2014, ông Trọng chỉ về điểm cản trở với DN Việt.
Nguồn gốc xuất xứ nằm ngay phần đầu bản yêu cầu kỹ thuật với dòng chữ: nhập khẩu nguyên chiếc từ G7 hoặc EU. Các yêu cầu về thiết bị, vật tư tiếp theo cũng dày đặc dòng chữ G7 hoặc EU khi hướng dẫn về xuất xứ.
“Yêu cầu quan trọng nhất là máy phát đạt 560 kVA, chúng tôi đạt được vì đã sản xuất được chiếc máy có công suất phát điện 2.500 kVA. Nhưng yêu cầu về G7 hay EU thì chúng tôi chịu” - ông Trọng nói. Trong khi đó, trong thông báo mời thầu của đơn vị này, mào đầu vẫn là câu quen thuộc: các đơn vị trong và ngoài nước đủ năng lực đều có thể tham gia.
Thấy sự bất nhất trong tinh thần mời thầu và thực tế mô tả như vậy, ông Trọng làm công văn gửi đơn vị này để làm rõ thì được phúc đáp: “Nhằm đảm bảo tính liên tục và không gián đoạn trong công tác, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới nguồn điện. Vì thế, chúng tôi mong muốn được sử dụng máy phát điện có xuất xứ từ các nước công nghiệp tiên tiến nhằm đảm bảo các yêu cầu nói trên”.
Sản xuất máy phát điện tại nhà máy của Công ty SBMpower. |
Tại một hồ sơ mời thầu khác của một đơn vị hưởng ngân sách tỉnh An Giang phát đi cuối năm 2014, trong yêu cầu có đề cập việc máy móc thiết bị cần tính tới điều kiện khí hậu nhiệt đới của VN, nhưng cũng không vì thế mà chọn DN Việt cung cấp máy phát điện.
Thay vào đó, họ yêu cầu nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài với điều kiện hãng nước ngoài phải cung cấp máy đã được nhiệt đới hóa cho phù hợp điều kiện VN.
Khi nhận được công văn thắc mắc từ nhà cung cấp VN, đơn vị này phúc đáp: “Bên mời thầu mời tất cả nhà thầu có đủ điều kiện về năng lực và kinh nghiệm đến tham gia dự thầu, không có bất cứ điều kiện nào làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu”.
Tuy vậy, điều kiện “nhập khẩu nguyên chiếc” vẫn nằm nguyên trong hồ sơ mời thầu, không hề thay đổi.
Vì sao ta loại mình?
Ông Trần Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty thang máy Thái Bình (Pacific Elevator) tại Tân Phú, TP HCM - cho biết các DN dùng ngân sách nhà nước chiếm tới 30-40% thị phần thang máy mới cả nước.“Có điều bán cho DN tư nhân và các khách sạn lớn thì dễ, tiếp cận các đơn vị nhà nước để bán lại quá khó. Rất nhiều lần mua hồ sơ thầu về xong, mở ra là thấy không tham gia đấu thầu được vì họ thường quy định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc” - ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Tuấn Anh, khi làm việc với một số đơn vị dùng vốn ngân sách, có nơi từng ướm lời với ông về việc kê giá lên 2-3 lần giá trị thang máy nhưng ông từ chối. “Tôi từng cung cấp thang máy sang Lào và một số nước lân cận thì thấy việc tham gia đấu thầu ở đây rõ ràng và đơn giản hơn” - ông chia sẻ.
Lý giải chuyện DN dùng ngân sách ưa hàng ngoại, lãnh đạo một đơn vị sản xuất thiết bị công nghiệp tại TP HCM cho rằng có thể các đơn vị dùng ngân sách muốn dùng hàng nhập khẩu để... yên tâm về chất lượng, nhưng cũng không loại trừ khả năng họ gửi giá, kê cao tiền mua thiết bị với phía nước ngoài để hưởng chênh lệch.
“DN trong nước với giá bán và thuế rõ ràng, khó kê cao quá mức. Trong khi thiết bị của nước ngoài giá cả khác nhau nhiều, lại qua nhiều khâu trung gian nên đơn vị quản lý không dễ gì kiểm tra giá được” - vị này cho biết. Về phía các đơn vị vẫn hay mời thầu mua sắm thiết bị hầu hết đều cho rằng sở dĩ đưa yêu cầu này để đảm bảo chất lượng, yên tâm trong quá trình sử dụng và tránh được các nguồn hàng chưa khẳng định được chất lượng theo thời gian.
Ông Võ Hoàng Nhân, Công ty Lưới điện cao thế TP HCM, cho biết đơn vị mình cũng ghi yêu cầu xuất xứ trong các bản chào hàng cạnh tranh là hàng G7, EU, Nhật, Hàn Quốc.
“Mục đích để loại hàng Trung Quốc chất lượng không đảm bảo chứ không có gì hết. Hàng VN đáp ứng đủ tiêu chuẩn như hàng các nước công nghiệp tiên tiến nói trên chúng tôi vẫn chấp nhận và xét thầu bình thường” - vị này thẳng thắn nói.
Theo ông Nhân, nhiều đơn vị kinh doanh tại VN vẫn thường tham gia chào hàng với DN này, trong đó không ít đơn vị chào các sản phẩm Trung Quốc với chất lượng chưa có gì đảm bảo.
Đi đường vòng để trúng thầu?
Để tồn tại, không ít DN đành tìm cách len vào các cuộc đấu thầu bằng cách đi tìm “xuất xứ ngoại”.
Một công ty công nghệ tại TP.HCM cho biết ông đã bắt tay với đơn vị trung gian ở Singapore để thay đổi xuất xứ.
“Công ty tại Singapore nhập hàng của chúng tôi từ VN về, tiến hành các thủ thuật để lấy xuất xứ là Singapore, sau đó xuất nguyên chiếc về VN. Với cách làm này, giá thành tăng thêm 30% nhưng vẫn rẻ hơn hàng nhập ngoại cùng loại và chúng tôi đã thắng thầu” - vị này tiết lộ.
Tuy nhiên, vị này cho rằng đây là cách kinh doanh ba bên cùng thiệt: DN sản xuất VN giảm lãi và không gầy dựng được thương hiệu, đơn vị mua hàng phải mua giá cao hơn thực tế và nền kinh tế đất nước bị thiệt hại, ít nhất 30% vào tay nước ngoài.