Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng Trung Quốc thống lĩnh nhiều chợ truyền thống Việt

Ở những khu chợ được coi là “xứ sở” của hàng Trung Quốc, người mua có thể tìm được bất cứ thứ gì mình cần.  Hàng hóa ở đây có mẫu mã vô cùng phong phú và đa dạng nhưng tất cả đều có giá rẻ bèo.

Hàng Trung Quốc thống lĩnh nhiều chợ truyền thống Việt

Ở những khu chợ được coi là “xứ sở” của hàng Trung Quốc, người mua có thể tìm được bất cứ thứ gì mình cần.  Hàng hóa ở đây có mẫu mã vô cùng phong phú và đa dạng nhưng tất cả đều có giá rẻ bèo.

Chợ Đồng Xuân-'nồi lẩu' hàng thập cẩm

Nằm ở trung tâm, được biết đến là khu chợ đầu mối tổng hợp lớn nhất Hà thành với đủ loại hàng hóa, thu hút dân buôn từ khắp các tỉnh thành đổ về để "ăn hàng". Thế nhưng, từ nhiều năm nay, chợ Đồng Xuân từ kinh doanh hàng thuần Việt giờ đã dần biến thành trung tâm chuyên phân phối hàng Trung Quốc.

Quanh khu chợ sầm uất bậc nhất Hà thành này, hàng hóa được phân thành khu vực chuyên biệt rõ ràng với những gian hàng đầy ắp các loại, từ quần áo, giầy dép, túi xách... cho tới hàng nông sản bán tràn lan trong và ngoài chợ.

 

 Chợ Đồng Xuân từ kinh doanh hàng thuần Việt giờ đã dần biến thành trung tâm chuyên phân phối hàng Trung Quốc.

Một tiểu thương tên Hoa, chuyên bán các loại giầy dép, túi xách thời trang... cho biết: "Phần lớn hàng hóa ở chợ Đồng Xuân giờ đều nhập từ Trung Quốc, quầy sạp nào cũng bán. Hàng Việt số lượng có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay, có chăng cũng chỉ là hàng nhái, hàng giả". Theo lời tiểu thương này, hàng Trung Quốc giá rẻ, lại lời cao, mẫu mã đa dạng nên đa phần tiểu thương chuộng, trong khi đó hàng Việt thường yếu về mẫu mã, giá lại đắt gấp cả chục lần.

"Siêu thị" vải Trung Quốc tại chợ Ninh Hiệp

Không xa trung tâm Hà Nội, chợ Ninh Hiệp (làng Nành, Gia Lâm, Hà Nội) được biết đến là chợ cổ nhất Việt Nam với gần 1.000 năm tuổi. Chợ không buôn bán nhiều mặt hàng mà chỉ chuyên về vải vóc, quần áo thời trang.

Những năm gần đây, chợ Ninh Hiệp nổi tiếng sầm uất với mặt hàng vải, quần áo may sẵn của Trung Quốc với giá không thể rẻ hơn. Ở đây, ngoài những cách định lượng thông thường, người ta còn bán vải, quần áo theo ký. Người mua bán tấp nập không chỉ ở chợ chính mà còn cả trên dọc con đường dẫn vào chợ dài ngót cây số.

 

Chợ Ninh Hiệp - chợ cổ nhất Việt Nam tràn ngập hàng Trung Quốc

Các đầu mối tập trung ở đây khá nhiều, thậm chí hàng còn được dân buôn "đánh ngược" vào nội thành. Tiểu thương các chợ truyền thống, shop thời trang ở Hà Nội cũng lấy hàng từ chợ Ninh Hiệp.

Theo nhiều chủ cửa hiệu quần áo ở Hà Nội thì vải, quần áo ở Ninh Hiệp rẻ do hầu hết là nhập từ Trung Quốc và thậm chí là hàng nhập lậu. Không ít người thường xuyên đi chợ vải Ninh Hiệp còn ví chợ là "siêu thị" chuyên bán vải Trung Quốc, bởi vải, quần áo may sẵn Trung Quốc được chất đống từ ngoài vào trong chợ.

Phố buôn nông sản Trung Quốc ở Bắc Ninh

Cách Hà Nội khoảng 30km, khu vực xung quanh chợ Hòa Đình (phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh) hàng chục năm nay được dân buôn khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc biết đến là nơi chuyên buôn nông sản nhập từ Trung Quốc.

Tại khu vực chợ Hòa Đình, những kho nông sản Tàu mọc san sát nhau kéo dài cả con phố. Xe tải lớn nhỏ từ khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc về lấy hàng suốt ngày đêm, với khối lượng hàng xuất đi vài trăm tấn mỗi đêm.

 

 Chợ nông sản Trung Quốc ở Bắc Ninh.

Nhờ vào buôn bán nông sản Trung Quốc mà nhiều hộ dân tại khu vực chợ Hòa Đình có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Một số hộ kinh doanh lớn còn sắm vài chiếc xe tải loại mấy chục tấn để tiện cho việc đánh hàng từ cửa khẩu về.

Chợ Thổ Tang: Trạm trung chuyển hàng Trung Quốc

Nằm ở vùng quê, cách Hà Nội khoảng 70km, tuy không có quy mô lớn như chợ Đồng Xuân, nhưng từ lâu chợ Thổ Tang đã nổi tiếng khắp trong và ngoài vùng bởi đây chính là trạm trung chuyển, là kênh phân phối hàng Trung Quốc  chính từ cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn lên thẳng các tỉnh miền núi phía Bắc..

 

 Chợ Thổ Tang- trạm trung chuyển hàng Trung Quốc.

Từ dọc khu Phố Mới cho đến chợ Thổ Tang, luôn tràn ngập các loại hàng hóa từ bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, thực phẩm, đến rau củ quả, quần áo và vô số chủng loại hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc được bán với giá siêu rẻ. Hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra suốt ngày đêm. Thậm chí, ở đây nhiều đại lý có quảng cáo bán "hàng công ty", "hàng Việt" nhưng hầu như tất cả đều hàng đều được nhập từ Trung Quốc.

Dân buôn ở đây thường lên các tỉnh giáp biên Trung Quốc gom hàng, hoặc nhập lượng lớn qua cửa khẩu rồi gửi theo xe khách, chạy xe tải về chợ và kho hàng. Một số các hộ kinh doanh lớn có tới 3-5 xe tải chuyên đi đánh hàng, chạy không ngưng nghỉ.

Chợ Móng Cái, Tân Thanh: Hàng Trung Quốc chiếm lĩnh

Là một trong hai trung tâm thương mại lớn của tỉnh Quảng Ninh nên Móng Cái có khá nhiều chợ. Trong đó, thu hút đông khách nhất là chợ Trung tâm Móng Cái, chợ 2, chợ 3, chợ Vinh Cơ, chợ đêm, chợ Togi.

Bước vào Chợ Trung tâm Móng Cái sẽ có cảm giác không khác gì chợ Đồng Xuân  với tầng 1,2,3 chủ yếu bán buôn các mặt hàng quần áo may sẵn, còn lại là đồ kim khí, máy móc thiết bị, đồ gia dụng... Mỗi quầy hàng thường có 2 người bán, một người Việt, một người Trung Quốc. Khách hàng có thể thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam hoặc nhân dân tệ Trung Quốc đều được.

 

 Chợ Trung tâm Móng Cái ngập tràn hàng Trung Quốc.

Móng Cái hiện có 9 chợ/2.819 điểm kinh doanh, trong đó có 946 điểm kinh doanh của người Trung Quốc. Các chợ, trung tâm thương mại tại Móng Cái đang thu hút gần 3.000 hộ kinh doanh, hàng trăm doanh nghiệp địa phương, hàng trăm chi nhánh, văn phòng đại diện các tỉnh ngoài đặt tại Móng Cái. Tuy nhiên, có đến 90% hàng hóa bán tại các chợ là hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Và "đường đi" của nhiều loại hàng hóa này cũng khá mập mờ.

Hình ảnh người người đổ về Móng Cái mua hàng, cùng với sự phất lên của nhiều thương nhân Trung Quốc vô hình trung khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Hiện các khu chợ ở Móng Cái đang dần trở thành các trung tâm bán buôn hàng tiêu dùng Trung Quốc vào nội địa Việt Nam.

Ngoài chợ Móng Cái, chợ Tân Thanh (Lạng Sơn) cũng là địa điểm thu hút khách Hà Nội và miền Bắc vì vị trí địa lý không xa lắm, có thể đi về trong 2 ngày nghỉ cuối tuần. Đây là khu chợ sát biên giới Trung Quốc, cách thành phố Lạng Sơn 30 cây số, quy mô khá đồ sộ với nhà lồng bày bán đủ mọi thứ trên đời.

Theo Vietnamnet

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm