Vụ cháy quán cà phê ở đường Lê Văn Sỹ rạng sáng 16/12 làm 6 người tử vong một lần nữa báo động nguy cơ cháy và hậu quả từ những vụ cháy nhà phố (dạng nhà ống). Dù được cảnh báo rất nhiều lần, song cháy "nhà ống" gây hậu quả nghiêm trọng vẫn xảy ra ở TP.HCM trong năm 2016.
Thảm cảnh cháy "nhà ống" vừa ở vừa kinh doanh
Thông tin tại buổi họp báo về vụ cháy làm 6 người chết tại hẻm 453 đường Lê Văn Sỹ, đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM lại nhắc lại câu chuyện phòng cháy chữa cháy ở các nhà dạng ống, vừa ở vừa kinh doanh.
Cơ quan cảnh sát điều tra đang kiểm tra hiện trường để tìm nguyên nhân vụ cháy ở đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM) sáng 16/12. Ảnh: Lê Trai. |
Đại tá Châu cho biết lý do vụ cháy diễn ra thảm khốc đến vậy là do căn nhà trong hẻm 453 Lê Văn Sỹ (quận 3) vừa ở, vừa kinh doanh. Lối thoát nạn chỉ một cửa duy nhất, ngoài ra bên trong có khá nhiều vật liệu dễ cháy.
Trao đổi với báo chí, ông Châu cho biết thêm hiện trên địa bàn TP.HCM tồn tại hàng triệu căn nhà ống vừa ở, vừa kinh doanh. Điều đáng nói, không ít những căn nhà được xây dựng từ trước năm 1975, lúc đó chưa có quy chuẩn về kết cấu xây dựng để đảm bảo PCCC.
Trước đó, ngày 10/6, cửa hàng kinh doanh thiết bị điện dân dụng, bếp từ, số 423 đường Lũy Bán Bích (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM) cũng bốc cháy, làm 4 người tử vong.
Một vụ cháy nhà ống gây hậu quả nghiêm trọng khác xảy ra ngày 4/10, tại căn nhà cho thuê dịch vụ cưới hỏi ở địa chỉ 1/117 Nguyễn Văn Quá (phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) làm gia đình 3 người tử vong.
Căn nhà ống vừa ở vừa mở quán cà phê bị cháy vào rạng sáng 16/12, khiến 6 người trong cùng gia đình thiệt mạng. Ảnh: Lê Trai. |
TP.HCM cũng từng xảy ra hai vụ cháy nhà ống ở số 539 Hậu Giang (phường 11, quận 6), làm 2 người tử vong vào tháng 4/2014; tiếp đến vào tháng 9/2014, một vụ cháy nhà làm chết 7 người tại số 416 Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5). Và còn rất nhiều vụ cháy nhà ống khác ở Sài Gòn khiến nhiều người chết mà không thể liệt kê ra hết.
Khẩn trương rà soát công tác PCCC toàn thành phố
Chiều 16/12, theo khảo sát của Zing.vn, hầu hết các tuyến đường ở Sài Gòn đều có rất nhiều "nhà ống" vừa ở vừa kinh doanh.
Điều đáng lưu ý, các dạng nhà này đều dùng cùng lúc 2 loại cửa: cửa cuốn và cửa kéo sắt. Phía mặt tiền đều bị bịt kín bởi các biển quảng cáo, nếu xảy ra cháy từ tầng trệt, hầu như nạn nhân không có lối thoát hiểm.
Theo lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, "nhà ống" là loại nhà phố dạng hình hộp, có nhiều tầng, thường chỉ có duy nhất một lối thoát ra khỏi nhà ở phía trước tầng trệt, do đó khi xảy ra cháy, người sống trong nhà thường khó thoát hiểm.
Nhiều cửa hàng vừa ở vừa kinh doanh ở đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) là dạng nhà ống, được lắp cùng lúc 2 loại cửa cuốn và cửa sắt, phía trên các biển quảng cáo bịt kín. Ảnh: Phước Tuần. |
Ngay khi nhận tin về vụ cháy ở đường Lê Văn Sỹ, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM, chỉ đạo Cảnh sát PCCC nhanh chóng xác định nguyên nhân vụ cháy nhằm sớm công bố cho dư luận biết.
Theo ông Cang, Tết sắp đến nên nhiều nơi làm lễ, cúng bái nhiều, rồi lễ hội pháo hoa, chương trình ca múa nhạc đều có các chất dễ gây cháy. Do đó, các sở ngành phải kiểm tra kỹ tất cả những vấn đề này, làm đều trên tất cả 24 quận, huyện, không được lơ là.
Ông Cang nhấn mạnh vụ cháy ở quán cà phê khiến 6 người chết đã báo động tình trạng cháy nổ đang có nguy cơ ngày càng cao. "Trong ngày 16/12, Thành ủy và Cảnh sát PCCC cùng làm một thông báo chung để thống nhất việc tổ chức, rà soát kiểm tra an toàn PCCC ở các khu dân cư, các cơ sở kinh doanh, khu chế xuất, khu công nghiệp trên toàn địa bàn”, ông Cang chỉ đạo.
Khoảng 0h10 ngày 16/12, căn nhà tại hẻm 453 đường Lê Văn Sỹ (phường 12, quận 3) xảy ra cháy lớn. Lực lượng PCCC TP.HCM đã đều 6 xe cứu hỏa cùng hơn 40 cán bộ chiến sĩ được huy động đến chữa cháy. Vụ cháy làm 6 người tử vong, 5 người bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu.