Megatons-to-Megawatts là một chương trình hợp tác giữa Nga và Mỹ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo thỏa thuận giữa hai nước, Nga giao khoảng 20.000 đầu đạn hạt nhân cho Mỹ và Washington sử dụng uranium trong các đầu đạn đó để sản xuất điện. Mỹ trả cho Nga 8 tỷ USD để nhận đầu đạn. Chương trình sẽ kết thúc vào ngày cuối cùng của năm 2013, Daily Mail đưa tin.
Mỹ đã tiếp nhận chừng 20.000 đầu đạn hạt nhân của Nga trong 20 năm. Ảnh: Daily Mail |
Chuyến tàu chở uranium làm giàu cấp độ thấp (LEU) từ thành phố St Petersburg của Nga đã tới cảng Baltimore tại Maryland, Mỹ hôm 10/12. Đây là đợt giao LEU cuối cùng của Nga trong chương trình. Tổng khối lượng uranium mà Mỹ lấy từ các đầu đạn hạt nhân Nga lên tới hơn 500 tấn. Phá hủy các đầu đạn này là một phần trong hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mà hai nước ký vào năm 1991. Hoạt động chuyển và tái chế uranium tại Mỹ bắt đầu sau khi Moscow và Washington ký một thỏa thuận vào năm 1993. Từ đó tới nay vài trăm tàu chở LEU của Nga đã tới Mỹ.
Uranium từ các đầu đạn hạt nhân Nga đã tạo ra gần 10% tổng lượng điện của Mỹ trong 20 năm qua. Hàng triệu người dân đã sử dụng điện từ chương trình để thắp sáng, sưởi ấm ngôi nhà, nấu nướng và thực hiện nhiều việc khác.
"Chương trình Megatons to Megawatts đã đóng góp to lớn đối với cả nỗ lực tiêu hủy nguyên liệu vũ khí hạt nhân và sản xuất năng lượng tại Mỹ. Hầu như mọi lò phản ứng hạt nhân thương mại tại Mỹ đã nhận nhiên liệu hạt nhân của chương trình", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, ông Ernest Moniz, phát biểu.
Moniz nhấn mạnh rằng chương trình là một ví dụ về thành tựu mà Nga và Mỹ có thể đạt được nếu hai nước hợp tác.
"Trong suốt hai thập kỷ qua, 1/10 số bóng đèn tại Mỹ đã nhận điện từ nhiên liệu trong các đầu đạn hạt nhân của Nga", ông nói.