Cover |
Trong đêm tối, những con tàu xuất phát từ Trung Quốc tiến vào vùng nước thuộc kiểm soát của Đài Loan, áp sát quần đảo Mã Tổ. Không phải tàu quân sự, chúng là những con tàu nạo hút cát cỡ lớn.
Khi đã đến vị trí mục tiêu, những con tàu này thọc máy bơm cao áp xuống đáy biển và hút cát vào khoang chứa trên boong tàu vận chuyển. Những chuyến hút trộm cát có thể kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Những con tàu nạo hút cát trái phép có tải trọng tới 2.000 tấn. Mỗi phi vụ như vậy có sự tham gia từ vài chục đến hàng trăm tàu, hoạt động công khai không cần che giấu, theo Nikkei Asia Review.
Sống trong sợ hãi
Quần đảo Mã Tổ về danh nghĩa thuộc quyền kiểm soát thực tế của Đài Loan, nhưng các đảo ở đây nằm rất gần đại lục. Trong một năm qua, số lượng tàu nạo hút cát Trung Quốc hoạt động tại đây đã tăng mạnh.
Cư dân sống tại quần đảo Mã Tổ cho biết tàu nạo hút cát Trung Quốc đang phá hoại môi trường và cảnh quan tự nhiên, gây nguy hiểm cho các loài sinh vật biển, làm gián đoạn cuộc sống thường nhật của họ.
Trên tất cả, những con tàu hoạt động ngang nhiên này mang tới nỗi sợ hãi về hiểm họa có thể ập tới trong tương lai, cư dân tại quần đảo Mã Tổ cho biết.
Trong một đêm, người ta có thể quan sát thấy từ 300-400 tàu hút cát, theo ông Lin Mei Hao, chủ một nhà khách trên đảo chính Nangan thuộc quần đảo Mã Tổ.
"Đèn của họ sáng rực vào ban đêm. Bất cứ chỗ nào có đèn là chỗ đó có tàu, họ hút cát, tiếng máy móc ầm ĩ khắp vùng", ông Lin nói.
Quần đảo Mã Tổ nằm sát bờ biển Đại lục. Đồ họa: Nikkei Asia. |
Ông Lin lớn lên tại quần đảo Mã Tổ, nơi có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ lãnh thổ Đại lục. Tại đây vẫn còn những hầm trú ẩn bằng xi măng, nơi người dân trên đảo từng ẩn náu tránh các cuộc pháo kích từ phía đại lục vào thập niên 1950.
Với người dân trên quần đảo Mã Tổ, nỗi lo chiến tranh chưa bao giờ biến mất, nhất là vào lúc này.
"Chúng tôi sợ rằng khai thác cát chỉ là cái cớ. Thực sự đó có phải tàu vũ trang không? Họ có lên đảo không? Những con tàu trông giống như tàu dân sự, nhưng liệu có binh lính trên tàu?", ông Lin cho biết.
Trong suốt hơn 20 năm, quần đảo Mã Tổ nằm ở tiền tuyến các cuộc pháo kích qua lại giữa quân đội Trung Quốc và lực lượng kiểm soát Đài Loan.
Giờ đây, người dân trên đảo cho biết họ một lần nữa lại đứng ở tiền tuyến chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc.
"Vùng xám" là hình thức chiến tranh hỗn hợp, với mục tiêu hăm dọa, khiêu khích, khiến đối phương kiệt quệ mà không cần khai hỏa.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố họ không cho phép tàu khai thác cát hoạt động gần quần đảo Mã Tổ. Tuy nhiên, giới chức Đài Loan thì cho rằng những con tàu nhận tiền của Bắc Kinh để hoạt động. Số lượng tàu hút cát hoạt động gần Mã Tổ ngày càng nhiều hơn trong vài năm qua.
Lư Văn, lãnh đạo chi bộ đảng Dân tiến cầm quyền ở Mã Tổ, cho biết hoạt động của những con tàu nạo hút cát có thể được coi là "một hình thức của chiến thuật vùng xám, gia tăng áp lực phi quân sự, nhằm mục đích quấy rối và đe dọa".
"Cách gây áp lực của họ ngày càng tinh vi hơn. Nếu Đài Loan không phản ứng, hoạt động của họ sẽ phá hủy môi trường và cơ sở hạ tầng của chúng tôi. Nhưng nếu Đài Loan dùng tàu quân sự để trấn áp các tàu nạo hút dân sự, đó sẽ là cái cớ để Trung Quốc leo thang căng thẳng", ông Lư cho biết.
Trong bối cảnh xung đột giữa hai bờ eo biển Đài Loan ngày một gia tăng, Mã Tổ nằm ở vị trí đặc biệt bấp bênh.
Phá hoại cảnh quan, hủy hoại môi trường biển
Quần đảo Mã Tổ chỉ cách bờ biển Trung Quốc 25 phút đi bằng tàu biển, trong khi nếu đi từ Đài Loan sẽ cần tới 10 giờ. Máy bay từ Đài Loan tới Mã Tổ cũng mất 1 giờ di chuyển.
Trong một ngày quang mây, người dân trên đảo chính Nangan có thể nhìn thấy những tòa nhà chọc trời tại tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.
Lin, ông chủ nhà khách ở đảo Nangan, cho biết những bãi biển trên hòn đảo giờ không còn "mỹ miều" như trong quá khứ, bởi tàu Trung Quốc nạo vét quá mức phá hủy cảnh quan.
Lực lượng tuần duyên dân sự tại Mã Tổ, với sự hỗ trợ của tàu tuần duyên được cử đi từ Đài Loan, đã truy đuổi 94 tàu hút cát Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021, bằng tổng số vụ trong cả năm 2019.
Trong năm 2020, tuần duyên Đài Loan trục xuất 552 tàu hút cát Trung Quốc hoạt động quanh quần đảo Mã Tổ.
Nhưng khi lực lượng chấp pháp Đài Loan rời đi, tàu Trung Quốc liền quay trở lại. Ở khu vực cách bờ biển quần đảo Mã Tổ 6 km, nhiều tàu Trung Quốc khác đang lảng vảng.
Tuần duyên Đài Loan bắt giữ tàu nạo vét cát của Trung Quốc. Ảnh: Taiwan News Agency. |
Năm ngoái, truyền thông Đài Loan đăng tải một đoạn video tàu tuần duyên của Đài Loan đối đầu với tàu nạo hút của Trung Quốc. Đoạn video cho thấy các tàu hút cát của đại lục không chỉ áp đảo về số lượng mà còn to lớn hơn nhiều so với tàu chấp pháp Đài Loan, và sẵn sàng dùng vòi rồng đáp trả nếu bị trấn áp.
Cát khai thác tại quần đảo Mã Tổ được chuyển về phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và bồi đắp ven biển ở Trung Quốc. Những con tàu này không đăng ký số hiệu, cũng không cập cảng chính thức.
Tàu tuần duyên Trung Quốc cũng tổ chức một số chiến dịch ngăn chặn hoạt động của tàu khai thác cát trái phép và "tung hô những nỗ lực như vậy", quan chức đảng Dân tiến ở Mã Tổ nói.
"Nhưng từ quan điểm của chúng tôi, những nỗ lực ấy quá ít ỏi, và đôi khi những đội tàu khai thác cát khổng lồ hoạt động mà tuần duyên Trung Quốc dường như làm ngơ", ông Lưu cho biết.
Tại Mã Tổ, hoạt động khai thác cát trái phép của tàu Trung Quốc diễn ra suốt ngày đêm. Cư dân địa phương cáo buộc những con tàu này gây ra ô nhiễm tiếng ồn, hủy hoại các bãi biển và hệ sinh thái đại dương ở khu vực.
Lin Tsung Yi, trưởng khoa Địa lý tại Đại học Đài Loan, cho biết hoạt động nạo vét làm xáo trộn lớp cát và trầm tích bùn ở đáy biển.
Nhiều loài cá và sinh vật sống ở đáy biển "sẽ không thể thích ứng với tình trạng ấy". Các loài sinh vật sẽ phải di chuyển tới khu vực khác, hoặc tệ hơn, chết.
"Hoạt động nạo vét cát làm gián đoạn toàn bộ hệ sinh thái", giáo sư Đại học Đài Loan cho biết.
Lin You Sheng, chủ tịch hiệp hội đánh cá Mã Tổ, cho biết tình hình ngày càng trở nên tồi tệ với những người sống bằng nghề đánh cá và các ngành kinh tế liên quan. Sẽ mất từ 4-5 năm để hệ sinh thái đáy biển phục hồi.
"Mã Tổ từng là thiên đường đánh cá, nhưng giờ nhiều người hầu như không đánh bắt được gì", ông Lin thừa nhận.
Đài Loan bất lực?
Nạo vét cát trái phép không phải vấn đề mới đối với Đài Loan. Tàu khai thác trái phép của Trung Quốc đã hoạt động ở vùng eo biển Đài Loan trong nhiều năm.
Một phần thành phố Hạ Môn của đại lục, nằm đối diện quần đảo Kim Môn mà Đài Loan quản lý, được xây dựng trên phần đất được tôn tạo lấn biển.
Lúc này, Trung Quốc cũng đang triển khai một dự án lấn biển ở Chiết Giang. Đây là điểm đến của nhiều tàu nạo vét trên vùng biển Đài Loan sau khi đã hút cát đầy boong chứa.
Trước đây, các tàu nạo vét đa phần hoạt động bên ngoài vùng biển Đài Loan. Nhưng tới năm 2019, lượng lớn tàu nạo vét trái phép đi vào vùng biển do Đài Loan quản lý.
Tuần duyên Đài Loan truy đuổi tàu nạo vét cát trái phép của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Năm 2019, tuần duyên Đài Loan trục xuất tổng cộng 605 tàu khai thác của Trung Quốc, trong đó 508 tàu trong vùng biển quanh quần đảo Bành Hồ, 94 chiếc gần Mã Tổ, 3 chiếc gần Kim Môn.
Tới năm 2020, tổng cộng gần 4.000 tàu hút cát trái phép đã bị trục xuất, tăng gấp 6 lần so với 2019.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, tuần duyên Đài Loan trục xuất 94 tàu nạo vét trong vùng biển quần đảo Mã Tổ và 65 tàu tại quần đảo Bành Hồ. Hồi tháng 5, tuần duyên tại Mã Tổ trục xuất 38 tàu Trung Quốc, gồm tàu hút cát và tàu đánh cá.
Chiến lược chính của tuần duyên Đài Loan là đuổi các tàu nạo vét này đi xa nhất có thể, thay vì bắt giữ và truy tố thủy thủ đoàn. Đưa lực lượng chấp pháp lên các tàu nạo vét có thể dẫn tới nguy hiểm bởi tiềm ẩn rủi ro va chạm không thể lường trước.
Năm 2019, chỉ 7 tàu nạo hút trái phép của Trung Quốc bị bắt giữ. Đến năm 2020, con số này giảm xuống còn 4, dù lượng tàu khai thác cát trái phép hoạt động ở vùng biển Đài Loan tăng gấp 6 lần. Trong năm 2021, Đài Loan chưa bắt giữ tàu nạo vét Trung Quốc nào.