Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng trăm tàu thuyền, máy bay tìm Su-30 mất tích

Để tìm kiếm, cứu nạn chiếc tiêm kích Su-30MK2 và 2 phi công, Bộ Quốc phòng, tỉnh Nghệ An đã huy động hàng trăm phương tiện tham gia.

Sáng 14/6, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 cất cánh từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ít phút sau, lúc 7h29, tín hiệu từ chiếc tiêm kích biến mất.

Tường thuật diễn biến tiêm kích Su-30 mất tích

Chiếc tiêm kích hiện đại đột ngột mất tích hỏi màn hình radar lúc 7h29 phút ngày 14/6. Hàng trăm phương tiện được huy động tìm kiếm, cứu nạn.

Xác nhận với Zing.vn, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh quân chủng Phòng không không quân cho hay, chiếc máy bay mất liên lạc tại vùng biển Nghệ An.

Gặp sự cố ở gần đảo Mắt

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An cho hay, chiếc Su-30MK2 gặp sự cố tại khu vực đảo Mắt, cách TP Vinh chừng 40 km. Vị trí này cách sân bay Sao Vàng khoảng 200 km.

may bay SU-30 gap nan anh 1
Một chiếc Su-30MK2 ở Trung đoàn không quân 923. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngay trong buổi sáng, nhiều tàu biên phòng, cứu nạn người đã vào cuộc tìm kiếm. Các đồn biên phòng tuyến biển cũng đặt trong tình trạng chuẩn bị phương tiện lực lượng sẵn sàng cơ động khi có lệnh.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An thành lập sở chỉ huy tại đảo Mắt với nhiệm vụ thường trực tìm kiếm máy bay mất liên lạc. Trên bờ, Quân khu 4 cũng thành lập Sở chỉ huy quân khu ở thị xã Cửa Lò.

may bay SU-30 gap nan anh 2
Phi công Trần Quang Khải (Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 923). Ảnh: Hoàng Hà.

Đầu giờ chiều, Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn được thành lập để huy động nhiều lực lượng. Tổng số phương tiện tham gia lên tới con số hàng trăm, trong đó có máy bay Mi171, Mi172;  tàu cảnh sát biển thuộc hải đội 2, hải đội 137, tàu kiểm ngư; hàng trăm tàu cá của ngư dân.

Hai phi công trên chiếc Su-30MK2 mất tích đều dày dạn kinh nghiệm: thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi) Phó phi đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 923.

Trong một diễn biến liên quan, thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Bộ Tổng tham mưu đã đình chỉ tất cả các hoạt động bay huấn luyên của máy bay Su-30MK2 (chỉ được phép cất cánh khi làm nhiệm vụ chiến đấu) để đánh giá về sự cố.

Tìm kiếm trong đêm

Bộ đội biên phòng Nghệ An trưa cùng ngày cho hay, ngư dân Lê Văn Cường (Quảng Nham, Thanh Hóa) phát hiện máy bay rơi tại tọa độ 18 đến 19 vĩ độ Bắc, 106,04 đến 106,05 kinh độ Đông; cách đảo Mắt phía Đông 4-6 hải lý.

Gần như đồng thời, ông Nguyễn Công Lực, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Nghệ An cho biết, một tàu cứu hộ đã phát hiện vệt dầu loang ở vị trí khác, cách đảo mắt 18-19 km.

Đến cuối giờ chiều, một tàu hàng của ngư dân đi qua cung cấp thông tin: theo hướng đông bắc của đảo Mắt (khu vực ngang huyện Diễn Châu) có dấu vết máy bay rơi. Vì vậy, lực lượng cứu hộ chia thêm một mũi tìm kiếm ở đây.

may bay SU-30 gap nan anh 3
Sở chỉ huy tìm kiếm chiếc Su-30MK2 mất tích được đặt ở đảo Mắt. Đồ họa: Nguyên Anh/GoogleMaps.

Hơn 17h, thiết bị dò tìm hộp đen tàu bay của lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam (Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam) được đưa đến cảng Hải đội 2.

Gần 18h, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng tìm kiếm đồng thời đưa thiết bị máy móc vào để dò tìm.

Theo ông Điền, vẫn chưa có thông tin chính xác vị trí máy bay rơi. Tối 14/6, lực lượng tìm kiếm tiếp tục dù thời tiết biển về đêm có nhiều biến động.

Trung đoàn không quân 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân) còn được gọi là đoàn Yên Thế, thành lập ngày 4/8/1965. Đây là trung đoàn không quân tiêm kích thứ hai của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Su-30MK2 là phiên bản hiện đại nhất của dòng máy bay chiến đấu đa năng Su-30 do Nga sản xuất; có khả năng đạt vận tốc Mach 2, gấp đôi tốc độ âm thanh.

Chiếc máy bay cũng được thiết kết để hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm và được xếp vào nhóm vũ khí tiến công xung kích đường không chống các mục tiêu chiến thuật chiến dịch và chiến dịch nằm phía sau chiến tuyến của đối phương. Nó còn có khả năng sử dụng các tổ hợp bom và pháo phản lực không điều khiển khác nhằm phục vụ công kích mục tiêu mặt đất cố định, chế áp trận địa, hỗ trợ hỏa lực mặt đất và ngăn chặn tiếp viện.

Việt Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng Su-30 MK2, với số lượng 32 chiếc.

4 vũ khí hiện đại nhất của quân đội Việt Nam

Su-30MK2, tổ hợp S-300 PMU, tàu Gepard 3.9, tàu ngầm Kilo 636 là những vũ khí góp phần hiện đại hóa quân đội và tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

 

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm