Những nhóm sinh viên gốc đại lục được đưa khỏi Hong Kong bằng xe buýt, phà hoặc tàu cao tốc. Một số cho biết họ cảm thấy lo lắng về an toàn của bản thân trước tình hình căng thẳng ở Hong Kong.
Nhiều trường hợp thu xếp rời khỏi đặc khu vào phút chót sau khi nhận lời khuyên từ bạn bè, giảng viên và ban quản lý trường.
Theo Wall Street Journal, cảnh sát Hong Kong đã sắp xếp tàu công vụ để di chuyển sinh viên đại lục. Nỗ lực sơ tán gặp nhiều khó khăn do người biểu tình chặn các tuyến đường trong thành phố.
Bên cạnh đó, hơn 100 sinh viên Đài Loan cũng lên kế hoạch trở về nhà với sự hỗ trợ của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc.
Sinh viên tại Đại học Trung văn Hong Kong biểu tình chống lại cảnh sát. Ảnh: AP. |
Sinh viên đại lục cảm thấy bị đe dọa
Tổng số sinh viên Trung Quốc đại lục rời Hong Kong chưa được xác định. Vẫn có nhiều người chọn tiếp tục ở lại thành phố. Trong năm học 2018-2019, có tổng cộng 12.322 sinh viên chính quy gốc đại lục theo học tại 8 trường đại học công lập lớn nhất Hong Kong.
Đoàn Thanh niên Thâm Quyến đã đề nghị hỗ trợ nơi ở cho học sinh đại lục di tản khỏi Hong Kong với 12 nhà nghỉ và khách sạn. Nhiều địa điểm được đặt kín phòng từ chiều 13/11. Một số sinh viên chọn ở cùng người thân hoặc bạn bè. Nhiều người di tản gấp đến mức không kịp mang theo máy tính và quần áo.
"Tôi và bạn tôi đêm qua gần như không ngủ", Nicole, một học viên 22 tuổi của Đại học Thành thị Hong Kong, cho biết. Cô bắt chuyến tàu đầu tiên đến Thâm Quyến vào 7h ngày 13/11. Nicole nói gần 80-100 sinh viên đại lục học cùng chương trình đào tạo cũng rời Hong Kong vào trưa cùng ngày.
Sinh viên đại lục là nguồn sinh viên không phải người bản địa lớn nhất tại các trường đại học Hong Kong. Đặc khu vốn là điểm đến phổ biến đối với những sinh viên Trung Quốc không muốn theo học tại đại lục.
Phần lớn chương trình đào tạo sử dụng tiếng Anh. Người tốt nghiệp đại học tại Hong Kong có thể gia hạn thị thực làm việc tại đặc khu.
Nhiều sinh viên cho biết họ chỉ lên kế hoạch tạm lánh một thời gian, chờ đến khi tình hình ổn định trở lại. Tuy nhiên, một số trường đã thông báo kết thúc học kỳ sớm gần 1 tháng sau các căng thẳng vừa qua.
Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong hỗ trợ sinh viên xe buýt di chuyển đến một trạm dừng ở quận Kowloon. Từ nơi này, sinh viên có thể bắt xe trở vào Thâm Quyến.
Nhiều sinh viên đại lục tại trường lo ngại trở thành mục tiêu của người biểu tình. Tuần trước, một sinh viên đại lục bị người biểu tình đeo mặt nạ đánh trọng thương ở một sự kiện ngoài trời.
Không nhiều trường hợp sinh viên đại lục bị người biểu tình nhắm đến. Họ thậm chí còn tham gia những cuộc tuần hành ôn hòa vào giai đoạn đầu của làn sóng biểu tình.
Tuy nhiên, nhiều vụ hành hung được ghi hình vào thời gian qua, cùng với xu hướng bài xích đại lục trong các cuộc biểu tình, khiến sinh viên đại lục cảm thấy bất an đến mức không dám để lộ thân phận ở nơi công cộng.
Một nghiên cứu sinh tiến sĩ họ Zhang thừa nhận anh không dám nói chuyện với bạn bè bằng tiếng Quan thoại hoặc dùng ứng dụng WeChat khi ở nơi đông người. Zhang không muốn bị đám đông nhận diện là người đại lục vì không cảm thấy an toàn. Anh nói đã chứng kiến nhiều vụ sinh viên địa phương chửi bới và đe dọa sinh viên đại lục.
Sinh viên đại lục bắt đầu rời khỏi Hong Kong trước tình hình căng thẳng lan đến các trường đại học. Ảnh: AP. |
Chuyển trường tránh bạo động
Những lo ngại về an ninh gia tăng khi bạo lực leo thang sau cái chết của một sinh viên hồi tuần trước. Thanh niên này rơi khỏi bãi đỗ xe cao tầng khi đang tránh lựu đạn cay của cảnh sát.
Vụ việc làm gia tăng căng thẳng giữa người biểu tình trẻ tuổi với lực lượng chấp pháp Hong Kong. Người biểu tình ngày 12/11 chặn nhiều con đường và buộc một số tuyến tàu điện ngầm trong thành phố dừng hoạt động. Đụng độ quyết liệt nhất xảy ra ở các trường đại học.
Cảnh sát tiến vào khuôn viên Đại học Trung văn Hong Kong, bắn lựu đạn cay và đạn cao su giải tán sinh viên. Theo South China Morning Post, mục tiêu của cảnh sát là không cho người biểu tình kiểm soát cầu vượt để ném đồ vật, chặn một tuyến đường gần trường.
Cuộc sống tại Hong Kong rối loạn suốt những ngày đầu tuần. Người đi làm chật vật vì giao thông bị cản trở, trong khi nhiều học sinh phải ở nhà. Các nhà ga tàu điện ngầm trong tình trạng quá tải vì chờ chuyến.
Chen, sinh viên năm 2, chuyên ngành tài chính tại Đại học Thành thị Hong Kong, nói cô sẽ trở về phía bắc Trung Quốc và thu xếp chuyển sang một trường khác tại Australia. Cô hy vọng việc chuyển trường có thể hoàn tất vào năm sau.
"Tôi không nghĩ tình hình sẽ được giải quyết sớm. Các lớp tạm hủy còn bài kiểm tra của tôi cũng bị hoãn", Chen nói.
Cô mô tả không khí trong các trường ngày một căng thẳng khi người biểu tình áo đen sẵn sàng xông vào các lớp học gây rối, chỉ trích sinh viên đại lục.