Theo người dân, vào mùa khô mực nước trên dòng sông Pô Kô (Kon Tum) xuống thấp cùng với việc thủy điện Pleikrông không xả nước là thời điểm ra sông tìm vàng.
Tuy nhiên, lượng vàng ở khu vực trên không nhiều mà chủ yếu là vàng trôi theo những đợt xả nước của thủy điện rồi mắc lại các kẽ đá.
Anh Y Huy (35 tuổi, ngụ xã Kroong, TP Kon Tum) cho biết, do đang hạn hán, khu đất của gia đình thiếu nước nên chưa thể canh tác nên vợ chồng tranh thủ theo người dân ra sông tìm vàng.
Nhiều người dân tập trung đãi vàng khi sông cạn nước. Ảnh: M. Q |
"Do lượng vàng không nhiều nên mỗi ngày vợ chồng kiếm được khoảng 300.000 đồng. Số tiền trên đủ mua gạo, mắm cho 5 đứa con ở nhà", anh Huy nói.
Anh Huy cho biết thêm, sau khi múc hoặc đào bới trong các hốc đá, cát được đưa vào nón sắt để đãi cho tới khi chỉ còn lại lớp cát đen. Qua lắng lọc, làm sạch lớp cát đen với chất hóa học thì người dân tìm được số vàng cám ít ỏi.
"Những người ra khúc sông tìm vàng đều thuộc diện khó khăn, ít đất canh tác. Người dân không đi đãi vàng cũng chẳng biết làm gì khác khi hạn hán kéo dài", anh Huy thông tin.
Tại bãi vàng tự phát trên sông Pô Kô, ngoài người lớn còn có hàng chục trẻ em bỏ học theo bố mẹ.
Người dân đãi vàng bằng những dụng cụ thô sơ. Ảnh: M. Q |
Em H’Hồng (15 tuổi) cho biết đang học lớp 9 thì thấy một số bạn trong xóm bỏ học để cùng cha mẹ đi đãi vàng nên em cũng nghỉ theo. "Đi đãi vàng có tiền phụ giúp bố mẹ chứ hạn hán gia đình không có tiền mua gạo ăn", em H'Hồng kể.
Đứng trên cầu Kroong nhìn xuống, hàng trăm người chia thành tốp nhỏ hì hục lặn ngụp trong dòng nước đục ngầu để đãi vàng với các dụng cụ thô sơ.
Ông Nguyễn Minh Thuận - Chủ tịch UBND xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho biết việc tìm vàng của người dân bằng những công cụ thô sơ, chủ yếu là lấy cát đãi nên không làm ảnh hưởng tới môi trường.
Hàng trăm người dân chia thành những tốp nhỏ để đãi vàng. Ảnh: M. Q |
Tuy nhiên, địa phương lo ngại khi thủy điện Pleikông xả nước người vẫn đãi vàng không kịp lên bờ sẽ bị cuốn trôi dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng.
Để đảm bảo an toàn cho người đãi vàng, xã đã lắp đặt hệ thống loa nhằm cảnh báo kịp thời để họ lên bờ khi thủy điện chuẩn bị xả nước.
Theo vị chủ tịch, việc đãi vàng diễn ra vào các mùa nước sông cạn. “Mỗi ngày, người đãi giỏi thì kiếm được 5-7 ly vàng, bán ra trên dưới 200.000 đồng. Có người cả ngày làm quần quật nhưng không kiếm được đồng nào”, ông Thuận chia sẻ.